PSO - Sáng ngày 18/12/2023 (nhằm ngày 6/11 năm Quý Mão), HT. Minh Thành – Uỷ viên Thường trực HĐTS TƯ GHPGVN, Phó ban Giáo dục Phật giáo TƯ, Phó ban Hoằng pháp TƯ, Phó trưởng ban BTT giáo phẩm hệ phái, thuyết giảng tại tổ đình Minh Đăng Quang (ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) với đề tài: “Thiền Định Làm Cho Cái Linh Toả Sáng”.
Hòa thượng trình bày nội dung đời sống chúng sanh căn tánh chưa thiện còn ác, thế nên muốn đạt những quả linh cần phải nhập định. Và như tổ sư dạy trong chơn lý nhập định: “Cho đến khi ta đã được chủ tâm, thân khẩu ý đã quy phục, chừng đó mới gọi là có ta và thấy lần kết quả”, được tu tập trong thiền định là một năng lượng tích cực.
Thêm vào đó, Hòa thượng trích một số lời dạy trong Chơn lý của tổ sư Minh Đăng Quang như Chơn lý Lục Căn: Hòa thượng giải thích cái ý trong mối liên quan với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Các công đoạn tu tập và chuyển hóa cái ý bao gồm: Ban đầu là kiểm soát các cửa khẩu căn. Kế tiếp là để cho cái ý trở nên thuần hóa không vọng động cấu trược ác quấy. Cuối cùng là rèn luyện ý thành cái hữu dụng.
Bên cạnh Hòa thượng giải thích thêm các lời dạy trong chơn lý rằng: cái ý trong mối tương quan với tham sân si sứ giả là các trần u ám quấy ác từ bên ngoài đi vào tâm thức, tức là, sắp có qua sự tương tác trong hiện tại, từ bên trong tâm thức đi ra, tức là, có sẵn từ quá khứ. Thay các trần u ám quấy ác bằng các trần thiện lành, phạm hạnh, trí tuệ và giải thoát. Thế nên Ý căn trong trường hợp này phải được chuyển hóa trí căn. Thay thế ý bằng trí bằng cách loại bỏ sở trần của ý. Để hiểu sở trần của ý là gì ta cần tham chiếu lại Chơn Lý Lục Căn đoạn nói về 8 Loại, 8 Căn, 8 Trần và 8 Thức. Ở đây Chơn Lý nói rõ ra công phu tu tập để chuyển hóa ý căn thành trí căn. Tức là mọi oai nghi đi, đứng, nằm ngồi đều khi hoạt động đều trong trí giác.
Hòa thượng nhấn mạnh về lý nhập định, chính là tìm xét nơi tâm lý của chúng sanh, xem xét nhơn duyên, tìm lẽ thật, hay sự nghe pháp nghe kinh, hoặc nghe trái tim nhảy, hoặc thấy hơi thở điều hòa… Hoặc hằng giữ đúng một chữ trung trung, hay tập cái công, cái hòa, cái tự nhiên… hoặc chỉ tìm xét trong cái không, cái vắng lặng, tối tăm, cái huyền bí của vũ trụ….nhận xét sự biến hóa của vạn vật, tìm hiểu thời duyên, xem xét sự sống của thánh hiền, tập sửa tư cách làm thầy dạy học, học trò... hết thảy đều là phép nhập định, giữ tâm yên lặng, tránh xa ác khổ. Từ ý nghĩa này Hòa thượng giải thích. Những diễn bày bên trong hay bên ngoài tâm thức, đối với các đối tượng ấy, hành giả cần vận hành một cách như pháp các chức năng như tìm xét, nghe xem, tin tưởng, gìn giữ, suy gẫm, nhận xét, tìm hiểu, xét xem, tập sửa… Qua đó tâm thức đạt được cảnh giới của định.
Tin, ảnh: Minh Nhật, Thanh Hùng, Minh Tuấn