Vu lan nhớ mẹ
Hạ dần qua không phải bởi tờ lịch trên tường đã vơi đi phân nửa mà bởi những tia nắng vàng thôi oi ả chiếu nỏ gốc rơm xanh. Thu vừa tới chẳng phải bởi mùi hoa sữa thơm nồng khắp lối mà bởi vì hoa hiếu hạnh mùa Vu Lan đang nở rộ, để những người con tri ân công dưỡng dục cù lao của đấng sinh thành.
Nhớ những mùa tháng 7 thuở xa xưa, mùa con nước tràn đồng, mùa lũ về kéo theo mưa xối xả, những buổi chiều bìm bịp kêu dập dềnh sóng nước. Trước mùa mưa bao giờ mẹ cũng lụi hụi bắc thang dọi lại mái nhà bằng những bó rơm nếp được phơi từ vụ gặt. Bện vài chiếc ổ rơm cho đàn gà mái mơ trú ngụ, chằng chống lại mấy cây bưởi già, buồng chuối non chìa ở mé ao. Mẹ còn bổ đôi thân cây dừa, khoét ruột làm máng xối, rồi tỉ mẩn buộc máng dừa bắt xuôi theo mái nhà dẫn vào bể hứng nước mưa để dùng dần trong mùa khô tới. Nước mưa được lọc qua một lớp vải màn nơi đầu máng nên rất trong và mát. Mẹ bảo mỗi khi làm đồng về, chỉ cần uống một gáo nước ngọt lành này là quên hết mệt nhọc ngoài kia.
Khi những cơn gió mùa ràn rạt thổi lùa qua khe liếp báo hiệu một mùa lúa chét nữa lại về, ấy là lúc mẹ chẳng ngại gió rét mưa tuôn, lặn lội nơi đồng xa bến vắng. Đôi bàn chân chai sần của mẹ lầm lũi bấm chặt dưới lớp bùn dày đặc để mót từng bông lúa chét, dẫu có bị đỉa đói bám đầy chân. Những bông lúa mẩy ít lép nhiều được mẹ nâng niu sau những nỗi lo cơm áo gạo tiền của tháng năm cơ cực. Mẹ bảo lúa chét mới là lúa sạch. Có lẽ nhờ không được chăm bón bởi thuốc bởi phân như hai mùa vụ chính mà chúng đã tự mình chắt chiu chút dưỡng chất còn lại từ sình non, gốc rạ để gắng gượng vươn lên, gửi lại cho đời những hạt gạo ngon ngọt dẻo thơm. Như mẹ đã từng vất vả tảo tần khuya sớm, để con thôi tựa cửa vân vê vạt áo sờn kêu đói bụng, thôi thèm thuồng chiếc áo mới khoe của cô bạn nhà bên.
Mẹ là vậy, bên ngoài hiện tướng nữ nhi, nhưng bên trong ẩn tàng bậc trượng phu nam tử. Có khó khăn, cực nhọc nào mà mẹ không phải trải qua. Có gian truân vất vả nào mà mẹ không nề hà gánh vác. Bếp lúc nào cũng có sẵn củi khô chất đống, nhà lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, mâm cơm lúc nào cũng thơm nghi ngút khói, tuổi thơ con đã trải qua những tháng ngày bình yên vì có mẹ gánh vác cả bầu trời.
Những bữa cơm nhà chỉ có hai mẹ con với rau tạp tàng, đôi khi là chút dưa muối mắm chưng cho xong bữa. Ấy vậy mà tiếng nói cười vẫn râm ran bện chặt vào dậu tre, phên nứa, vách đất, mái gianh, hạnh phúc quá chừng. Hàng xóm láng giềng thương nên thỉnh thoảng lại xúc cho vài bò gạo, quả trứng, nắm rau gọi là san sẻ. Họ nghèo khó nhưng tấm lòng của họ thì nhân ái bao dung, thơm thảo vô ngần. Buồng chuối chín bên vườn ăn thì sang hái, nong nia dần sàng cần thì sang gác bếp lấy về dùng. Nhà hàng xóm có mắm muối tương chao mình thiếu thì vay tạm, ngoài vườn có sắn có khoai thèm thì vác cuốc đào về. Bờ rào hai nhà cũng được tỉa gọn thấp lè tè cho tiện bước qua lại sẻ chia vài cái bánh rán bữa chiều hôm, ý ới gọi nhau sang quây quần bên ấm nước chè tươi hay nhằn rổ nhãn rụng nhặt được sau mỗi mùa mưa lũ. Đó là tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” nơi nào cũng có. Thứ tình cảm thật thà đôn hậu mà thẳm sâu là nồng nàn, chan chứa thân thương, nuôi dưỡng tâm hồn con suốt cả một thời thơ ấu cơ hàn.
Chiều nay nghe mấy chú tiểu hát bài “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến trong ngày lễ Vu Lan con bỗng thấy nhớ mẹ đến nao lòng:
“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”
Lặng lẽ cài bông hồng vàng trên áo, cảm xúc trong con bỗng thổn thức ùa về. Nhớ lại câu nói với mẹ trong mùa Vu Lan năm ngoái mà nước mắt cứ rưng rưng: “Con đã đủ lớn rồi, mẹ đừng già thêm nữa…”
Mẹ ơi! Con thèm tiếng cơm sôi mẹ nấu bên chái bếp năm nào, thèm nghe một tiếng gọi cơm chiều của mẹ, dẫu biết rằng sau lời càm ràm là những trận đòn roi. Chỉ muốn chạy về kéo giùm mẹ chiếc chăn bông khi trời trở lạnh, hãm cho mẹ bình nước chè xanh vào mỗi sớm bình minh, trải chiếu đầu hè, cùng mẹ ngồi ăn bữa cơm nhà như những ngày trẻ dại, nhổ vài sợi tóc sâu trên mái đầu hoa râm sương gió quá nửa đời.
Khi tuổi trẻ con luôn mong muốn được đặt chân đến nhiều vùng đất mới, ngắm nhìn bầu trời rộng mở ở ngoài kia. Con như cánh chim trời nơi viễn xứ, háo hức lao vào đời với chí nguyện mù khơi, gỏn gọn hành trang là tình mẹ rộng dài theo năm tháng. Phải đến khi mệt nhoài với cuộc đời đầy giông tố, con mới chợt nhận ra mẹ là một chốn về, là nơi trú ngụ đầy ắp yêu thương, là nơi “bão dừng sau cánh cửa”. Như đứa trẻ lạc đường, con mải miết kiếm tìm khắp lối, có đâu hay mẹ vẫn luôn bên con trong từng tế bào, nhịp tim, hơi thở, chứ đâu chỉ chín tháng cưu mang, ba năm bồng ẵm, gian khổ một đời.
Khuya, trăng quên ngủ, soi rọi vào từng ngóc ngách của căn phòng, soi rọi vào cả những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Nơi đó có một người tu sĩ đang nhìn về quê hương nhớ thương mẹ rất nhiều.
Nhớ những đêm đông trời trở gió, mẹ lặng lẽ sang phòng đóng cửa, đắp lại chiếc chăn bông mà con vô tình đạp khi ngủ. Những trưa hè oi nồng vì mất điện, mẹ nằm bên phe phẩy chiếc quạt nan, dẫu mỏi nhừ tay cũng chẳng dám ngừng, chỉ sợ con bức bối vì nóng nực lại mè nheo ăn vạ. Những ngày mưa rét mướt, con lại gối đầu vào lòng mẹ nghe kể những câu truyện cổ tích xa xưa. Suốt cuộc đời đầy gió, mưa, giông, bão, nóng, lạnh bất thường này, mẹ là người luôn che chở cho con.
Con nghe được hơi thở của thời gian trên mái tóc mẹ bạc màu, qua những nếp nhăn, và vết chân chim hằn sâu nơi khóe mắt. Năm ngoái, khi con đang chuẩn bị làm thủ tục chuẩn bị cho chuyến đi Sri Lanka nhập học tại trường Kelaniya trong thời gian tới thì nhận được điện thoại mẹ gọi về. Bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng nặng khiến mẹ gần như liệt nửa người. Lần đầu tiên con thấy mẹ cho phép mình được yếu đuối trước con, mẹ khóc. Con gác lại hết công việc học hành, tăng tự để đưa mẹ nhập viện chẳng chần chừ. Ngày mẹ mổ, con thúc trực ngày đêm. Khi thấy chiếc cáng được bác sĩ đẩy ra từ phòng mổ, mẹ nằm trên đó, bất động, bộ đồ trắng một màu lạnh toát khiến con sợ hãi vô cùng. Cũng may ca mổ thành công, nên sau khi nằm một tuần ở bệnh viện Việt Đức thì mẹ được chuyển sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương tập vật lý trị liệu để phục hồi sức khỏe. Những ngày đầu mẹ chưa thể tự ăn vẫn cần con chăm bón, đôi chân chưa thể đi phải nhờ con dìu bước mỗi ngày. Nhưng chỉ mươi hôm là mẹ đã gắng gượng tự mình làm tất cả. Ba tháng trời nằm viện với nhiều thứ thuốc men khiến tóc mẹ rụng dần và gầy đi trông thấy, khiến con không khỏi xót xa. Con muốn đưa mẹ về chùa để tiện chăm sóc sớm hôm nhưng chỉ được mươi hôm là mẹ lại muốn về quê như thể sợ con một mình vất vả.
Lúc đó nhớ lại những câu thơ trong bài “Thư gửi mẹ” của Hòa thượng Minh Đức Triều Tâm Ảnh mà con tưởng như Ngài đang nói hộ lòng mình:
“Con vẫn biết đời vô cùng đau khổ
Chữ hiếu vai mang đâu chỉ một đời
Nên lặng lẽ theo dấu chân Từ Phụ
Múc nước cam lồ trả ân nặng trùng khơi!
Xin mẹ hiểu cho con mỗi khi về trầm lặng
Vì bao năm con chưa vẹn nụ cười
Mẹ vẫn sớm hôm tảo tần lận đận
Chắt máu gầy cho con uống cầm hơi!
Phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế
Con xuất gia cũng hiểu lẽ vuông tròn
Muốn cung dưỡng không gì bằng phước huệ
Không gì bằng ân đức Từ Tôn”
Mẹ ơi! Giờ đây con đã thấy mẹ trong nụ cười của Phật, trong bầu trời với lượng cả bao dung. Con đang sống, đang thở, đang bước đi với sự thực tập chánh niệm, tình thương và tuệ giác mà Đức Thế Tôn đã truyền trao. Con đang sống, đang thở và đang đi cho cả con và mẹ. Ở quê nhà con mong mẹ an vui.
Am Vô Ưu mùa Vu lan nhớ mẹ!