TT. Thích Giác Hoàng “Giới thiệu khái quát Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam”

PSO - Trong các tông môn hệ phái nếu như không có những tác phẩm để lại cho đời sẽ bị mai một. Pháp bảo là một yếu tố quan trọng cho việc sống còn của Đạo Pháp tại Việt Nam. Để tạo nên bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam, chư Tôn đức trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã Biên tập bộ Kinh Tam tạng Thánh điển PGVN. Trong ngày 05/8/2021 (nhằm ngày 27/6 năm Tân Sửu), TT. Thích Giác Hoàng – UV HĐTS – Tổng Thư ký Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã có 2 buổi thuyết giảng nhằm “Giới thiệu khái quát Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam” đến các học viên là Tăng Ni khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 và cư sĩ Phật tử trong khoá Học pháp online “Phật học cơ bản” do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức vào buổi chiều và tối cùng ngày.  Đại Tạng Kinh hay Tam tạng Kinh điển hay Tam tạng Thánh giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau như: Nhật, Hàn, Thái, Tây Tạng, Trung Hoa… Kinh văn Thánh điển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Phật giáo VN từ quá khứ đến hiện tại. Tại Việt Nam, Bộ Tam tạng Thánh điển ra đời hoàn toàn đã được chuyển ngữ sang Tiếng việt Việt Nam, không còn bị lệ thuộc vào chữ Pāli tạng hay Hán tạng. Bộ Tam tạng Thánh điển nhằm giới thiệu Kinh tạng Pāli cho Phật tử và cho nhân dân Việt Nam. Những nguyên bản kinh điển được xem là cổ xưa nhất và chứa đựng những giáo lý trung thành nhất của đức Phật. Với mục đích truyền trì đạo mạch, những giá trị thiêng liêng của Đại tạng Kinh ra đời nhằm phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của Phật giáo Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, thể hiện sự vững mạnh của Phật giáo Việt Nam. Ý nghĩa truyền trì đạo mạch và phát triển lên tầm cao mới của GHPGVN đối với Phật sự  “Biên tập Tam tạng Thánh điển PGVN”. Trong lời chứng minh, Đức Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ nói rằng: “Phật giáo Việt Nam với chiều dài lịch sử trên dưới 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, đã tạo nên những giá trị Phật giáo đặc biệt, đóng vai trò trụ cột trong việc gìn giữ nền văn hóa Việt thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, làm cho dân tộc Việt Nam trở nên vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà vào thời đại Lý - Trần, vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc.” Chính vì vậy, những Phật sự của chư Tôn đức trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đang thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc “kế vãng khai lai, truyền trì đạo mạch”, không chỉ làm cho Phật pháp xương minh, trường tồn ở thế gian mà còn góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, phát triển lên một tầm cao mới. Hy vọng mỗi hành giả chúng ta nỗ lực hơn nữa để thành tựu giải thoát và hoàn thành sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.” Ý nghĩa “Độc lập văn hóa”: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết trong “Lời nói đầu” của Tiểu bộ như vầy: Chúng tôi phiên dịch Kinh tạng Pāli hướng về hai mục đích rõ rệt: Mục đích thứ nhất là giới thiệu Kinh tạng Pāli cho Phật tử và cho nhân dân Việt Nam, những nguyên bản kinh điển được xem là cổ xưa nhất và chứa đựng những giáo lý trung thành nhất của đức Phật. Ðức Phật dạy các Phật tử hãy học giáo lý của Ngài trong ngôn ngữ của mình. Phật tử Việt Nam, tất nhiên phải học giáo lý của Ngài ngang qua tiếng Việt, và nhờ vậy Phật tử Việt Nam vượt qua được những trở ngại ngôn ngữ và tự mở rộng cửa Chánh pháp cho mình và cho mọi người. Chúng tôi phiên dịch Kinh tạng vì chúng tôi xem Kinh tạng gìn giữ được những lời dạy trung thành nhất của đức Phật chưa bị ảnh hưởng bởi những chia rẽ hệ phái và tông phái (Nam tông, Bắc tông). Mục đích thứ hai của chúng tôi trong nhiệm vụ phiên dịch này là xây dựng cho được một Ðại tạng Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đã được độc lập thống nhất, chúng ta phải có Ðại tạng Việt Nam cho Phật tử Việt Nam. Ngôn ngữ Việt Nam đủ phong phú, đủ trong sáng và sức mạnh đóng vai trò chuyển ngữ. Ngày nào, chúng ta còn lệ thuộc vào Pāli tạng hay Hán tạng... ngày ấy, chúng ta vẫn còn lệ thuộc những văn tự ấy. Ðộc lập ngôn ngữ cũng có nghĩa là độc lập dân tộc. Xưa kia, ông cha ta đề cao tiếng Nôm là cũng vì vậy, vì chỉ có độc lập ngôn ngữ mới khỏi bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại bang. Chúng ta đang cần nghiên cứu Pāli tạng và Hán tạng, nhưng nghiên cứu không có nghĩa là cam tâm lệ thuộc vào văn tự Pāli hay văn tự Hán tạng. Ðiều cốt yếu là thấy rõ điều ấy, và thấy rõ điều ấy cũng tức là thấy được sự cần thiết phải xây dựng cho được một Ðại tạng Việt Nam. Thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt của Phật giáo Việt Nam: Trưởng lão HT. Chủ tịch HĐTS GHPGVN – Thích Thiện Nhơn đã phát biểu trong “Lời giới thiệu” của bộ TTTĐPGVN: “Bên cạnh việc trân trọng những thành quả dịch thuật của các bậc Tôn đức hữu công thuộc các thế hệ trước, GHPGVN cần có Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn giúp cho người Việt Nam không biết các cổ ngữ Phật giáo, có thể tiếp cận lời Phật dạy bằng tiếng Việt, nhằm đạt được trí tuệ do nghe chân lý Phật (P. Sutamayapaññā, Văn tuệ), trí tuệ do nghiền ngẫm chân lý Phật (P. Cintāmayapaññā, Tư tuệ) và trên nền tảng này, tiếp tục đạt được trí tuệ do thực hành thiền chỉ, thiền quán (P. Bhāvanāmayapaññā, Tu tuệ). Xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam không chỉ là niềm mơ ước của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam mà còn tạo thuận duyên cho 97 triệu người Việt Nam trong nước và hơn 5 triệu người Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội học Phật, tu Phật bằng tiếng Việt, để diệt trừ tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, vốn là nhân khổ đau, đồng thời, trải nghiệm an vui, hạnh phúc bây giờ và tại đây, góp phần làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, mạnh và phát triển bền vững.” Kế thừa và phát huy giá trị thiêng liêng của Đại tạng kinh từ quá khứ đến hiện tại:  HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã có lời phát biểu trong “Lời nói đầu” của bộ TTTĐPGVN như sau:“Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay tiếp nối tinh thần phiên dịch Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam của chư tiền hiền hữu công, với sự khởi xướng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, đã thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam làm cơ sở pháp lý, nền tảng hành chánh cho việc tổ chức nhân sự, giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nâng mức độ hoàn thiện của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới, đặt một dấu ấn cho sự hoàn chỉnh trang nghiêm của ngôi báu Pháp bảo. Bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam ra đời lần này là kết tinh từ các bậc Tổ sư, các bậc chân tu thật học, nhiều thế hệ dịch giả, nhà nghiên cứu... Hình ảnh các Ngài an nhẫn, kiên định, tận tụy, cần mẫn dịch từng trang kinh, chọn lựa từng chữ, cân nhắc từng thuật ngữ Phật học, đối khảo các bản dịch, bổ sung từng cước chú, nhuận sắc từng dấu chấm phẩy, để đảm bảo “văn nghĩa đầy đủ” một cách tốt đẹp nhất, luôn là nguồn động lực khích lệ cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử tiếp bước noi theo.” Giới hiệu Tam Tạng Phật giáo Nam Truyền và Bắc truyền:  Khởi nguồn của Thánh điển: Suốt 45/49 năm Phật tại thế, lời dạy của đức Phật được các Thánh đệ tử ghi nhớ và hành trì và chưa được biên tập thành Thánh điển, đặc biệt ngang qua bộ nhớ siêu tuyệt của Tôn giả Ānanda. Ngôn ngữ đức Phật sử dụng thuyết giảng theo ngôn ngữ địa phương (lúc bấy giờ có 16 tiểu quốc), trong đó có ngôn ngữ Māgadhī (Pāli) được xem là ngôn ngữ chủ đạo trong quá trình giảng dạy của đức Phật;   Tam tạng Phật giáo Nam truyền Tạng Pāli được xem là Thánh điển Phật giáo chính thống của các nước thuộc hệ thống Nam truyền như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào. Trải quả 3 lần kiết tập tại Ấn Độ: (i) Lần đầu, tại hang Sattapaṇṇi (Thất-diệp), Vương Xá thành, dưới sự bảo trợ của Vua Ajātasattu (A-xà-thế), sau khi đức Phật nhập Niết-bàn 3 tháng, với 500 Thánh Tăng A-la-hán, dưới sự chủ trì của Tôn giả Mahākassapa, Tôn giả Ānanda trùng tụng Kinh tạng, Tôn giả Upāli trùng tụng Luật tạng. Lần này chỉ trùng tụng, truyền khẩu. (ii) Lần thứ 2, sau khi đức Phật nhập Niết-bàn khoảng 100 năm, tại Vesāli, với sự tham dự của 700 vị Thánh – Hiền Tăng, dưới sự chủ trì của Trưởng lão Sabbatami. Lần này cũng truyền khẩu. (iii) Lần 3, dưới sự chủ trì của Trưởng lão Moggaliputta Tissa, tại Pataliputra, dưới thời Vua Asoka, khoảng 250 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn. Lần này được nói rằng đã viết xuống trên lá bối (buông) và đã phân loại thành Tam tạng. Đây là cơ sở dữ liệu chính thống nhất trong lịch sử bảo lưu và biên tập lời Phật dạy từ truyền khẩu thành văn viết; Hiện nay có tất cả 8 bản Nam truyền. Đại để giống nhau 99,9%. Giữa các bản có một vài danh từ riêng Pāli và một số thuật ngữ có sự khác biệt, cách đánh số đoạn và kệ cũng có sự khác biệt. (1) Bản Ấn Độ: Viết bằng chữ Devanagiri (chữ quốc ngữ hiện hành) được lưu giữ ở Trường Đại học Nalanda / (2) Bản Tích Lan: Tạng Pāli do Hoàng tử Mahinda khởi động truyền bá từ Ấn Độ sang Tích Lan, sau đó được sự bảo trợ dưới triều Vua Vaṭṭagāmaṇī Abhaya vào thế kỷ thứ I TTL. Công trình trùng tụng, biên chép và bảo tồn được tổ chức thực hiện quy mô lớn tại Aluvihāra, thành phố Matale, với 500 vị Tăng chuyên trách... (3) Bản Miến Điện: Nửa cuối thế kỷ XIX, Miến Điện tổ chức kết tập Tam tạng, trùng tụng lần thứ 5, học thuộc Thánh điển, và nổi tiếng với bộ kinh bằng đá hoa cương thực hiện năm 1860 do Vua Mindon bảo trợ….(4) Bản Thái: Đầu thế kỷ XX, công trình phiên dịch Thánh tạng quy mô từ tiếng Pāli sang tiếng Thái được thực hiện và giới thiệu rộng rãi thông qua mạng lưới các trường đại học trên thế giới, dưới sự bảo trợ của Vua Chulalongkorn thứ V…(5-6) Bản Lào và Campuchia: Cũng có sự khác biệt với các ấn bản khác.  (7) Bản tiếng Anh: Năm 1881, Pali Text Society (Hội Thánh điển Pāli) ra đời với mục tiêu là biên tập, ấn hành nguyên bản Pāli và phiên dịch sang tiếng Anh. Trong đó, T.W. Rhys Davids làm Chủ tịch hội này và có công rất lớn trong việc biên tập các phiên bản tiếng Pāli tại Ấn Độ và Tích Lan thành sách và dịch sang Anh ngữ. Nhờ đó, giới học giả phương Tây mới biết đến Phật giáo Theravāda. (8) Bản Tam tạng của Đại hội Tăng già lần thứ 6 năm 1954 tại chùa Kaba Aye, thành phố Yangon, Miến Điện, nhân dịp nước này kỷ niệm 2.500 năm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết-bàn, Tam tạng Thánh điển Pāli được thống nhất một lần nữa, từ đó Chaṭṭha Saṅgāyana Tipiṭaka (CST) được ra đời...  (9) Các bản kinh đã dịch sang các nước từ bản tiếng Anh: Căn cứ theo dữ liệu đã được tập hợp trên Suttacentral.net cua Bikkhu Sujato, các bản kinh đã được dịch ra nhiều nước trên thế giới như: Nga, Đức, Pháp, Ý, Tây Đào Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Do Thái, Hungary, Na Uy, Indonesia, Bangladesh, … và đã lan tỏa đến châu Phi.  Tam tạng của Phật giáo Bắc truyền: Theo các nhà Đại thừa, cũng vào thế kỷ I TTL, kinh điển Đại thừa bằng tiếng Sanskrit lần lượt ra đời. (1) Theo truyền thuyết, từ nhà Hán (Hán Minh Đế, 65 TL) kinh điển đã được truyền sang Trung Quốc và được lưu truyền trên hệ thống văn tự lúc bấy giờ. Đến thời nhà Tống (khoảng thế kỷ X), nền văn học và điêu khắc phát triển rực rỡ, nên đã có 8 bản Đại tạng khác nhau. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã có 25 bản Đại tạng. (2) Cao Ly (tên gọi Triều Tiên từ thế kỷ X-XIV) có ba lần khắc Đại tạng, trong đó Bát vạn Đại tạng kinh (còn gọi là Cao Ly Đại tạng kinh) nổi tiếng với mộc bản trên 81.000 phiến gỗ, khắc vào thế kỷ thứ XI, đang được bảo tồn cẩn trọng tại Hải Ấn tự. (3) Nhật Bản tiếp nhận suối nguồn Phật giáo khá trễ, ấy thế mà tính đến nay có 9 bản Đại tạng…(4) Ấn bản CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association, Trung Hoa điện tử Phật điển Hiệp hội) tại Đài Loan đã số hóa toàn bộ dữ liệu Đại Chánh tạng này, trở thành một ấn bản toàn cầu cho giới nghiên cứu Phật học Bắc truyền. Đây là công trình công phu và đồ sộ nhất hiện nay, vì không những số hóa mà còn từ điển hóa trong các bản dịch này, giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu kinh văn trong Đại Chánh. (5) Đại tạng Tây Tạng cũng đã trải qua 12 lần khắc bản, được in ấn khác nhau và bộ hiện nay rất lớn với 73 triệu chữ chia làm hai phần: Kangyur (Kinh - Luật tạng gồm 100 bộ) và Tengyur (Luận tạng gồm 213 bộ). (6) Mông Cổ cũng có Đại tạng riêng. Đại Tạng Kinh Việt Nam: Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên dưới 2.000 năm và được nói là điểm đến của Phật giáo Ấn Độ trước cả Trung Quốc. Phật giáo Việt Nam từng có Trung tâm Luy Lâu là trung tâm học Phật bằng tiếng Phạn và cũng là nơi đào tạo dịch kinh từ tiếng Phạn ra tiếng Việt. Các nhà sư Trung Quốc đã từng tới Trung tâm Luy Lâu học chữ Phạn. Ngài Khương Tăng Hội đem Phật pháp từ Việt Nam truyền sang nhà Ngô (Ngô Tôn Quyền), Trung Quốc khoảng năm 247 TL. Vậy mà Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được một bộ Tam tạng Phật giáo hoàn chỉnh. Thứ nhất, Việt Nam bị 1.000 năm Bắc thuộc, nên Phật giáo cùng chung số phận, hoàn toàn lệ thuộc vào nền văn hóa Hán học. Những năm tháng độc lập, chúng ta phần lớn lo xây dựng quốc gia xã tắc và chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, điểm lại lịch sử, chúng ta thấy các bậc cổ đức Phật giáo Việt Nam cũng đã nỗ lực thực hiện công trình khắc Đại tạng này qua các thời kỳ:  (1) Thời nhà Đinh bắt đầu khắc kinh trên các trụ cột đá ở một số ngôi chùa. (2) Thời nhà Lý (1010 - 1225), việc khắc mộc bản được khởi sự và hoàn thành một phần vào năm 1126 (niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ). (3) Vào năm 1311 (Tân Hợi), niên hiệu Hưng Long nhà Trần, Tôn giả Pháp Loa và Thiền sư Bảo Sái phụng chiếu Vua Trần Anh Tông đảm trách công trình cấp quốc gia là khắc mộc bản Đại tạng kinh. Bộ Đại tạng này vốn được nhà Nguyên tặng và được các nhà sư bổ sung các kinh do Việt Nam truyền lưu. Hiện nay nơi lưu giữ mộc bản có số lượng lớn nhất và quy mô nhất là chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang. Thứ hai, công trình khắc mộc bản Đại tạng kinh của PGVN bị giặc nhà Minh đem về Trung Quốc, và tiếp theo đó là những năm tháng Bắc thuộc. Sau đất nước lại rơi vào nạn xâm lăng của đế quốc phương Tây mãi cho đến giữa thế kỷ XX, nên Phật giáo Việt Nam không có cơ hội thực hiện ước mơ hoàn thiện nền văn hiến Phật giáo của mình. Các giai đoạn phiên dịch Đại tạng Kinh Việt Nam trong thế kỷ XX: Từ giai đoạn Phật giáo nước nhà được chấn hưng, Việt Nam đã bắt đầu thoát khỏi nền văn hóa Hán học, tiếp thu nền văn hóa ký tự La-tinh của người Pháp và sử dụng tiếng thuần Việt. Theo HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, có 3 giai đoạn chủ đạo phiên dịch: Giai đoạn 1 (1950 – 1975): Trong giai đoạn này có nhiều dịch giả hàng xuất sĩ và cư sĩ đóng góp các dịch phẩm. Đỉnh cao là sự ra đời của Hội đồng Phiên dịch Kinh điển của GHPGVNTN năm 1973 dưới sự chủ trì của HT. Thích Trí Tịnh và ngưng hoạt động năm 1975. Các bậc Tôn túc đóng góp nổi bật trong việc phiên dịch kinh điển từ Hán cổ sang tiếng Việt trong giai đoạn này có HT. Thích Thiện Hoa (Kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác, Đại thừa khởi tín luận…), HT. Thích Trí Tịnh (Kinh Ma-ha Bát-nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Niết-bàn, Kinh Pháp Hoa); HT. Thích Trí Nghiêm (Kinh Đại Bát-nhã). Bốn bộ A-hàm cũng được ra đời trong giai đoạn này: Trường A-hàm (Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm dịch, HT. Thích Trí Tịnh hiệu đính), Trung A-hàm (Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang dịch, HT. Thích Thiện Siêu hiệu đính), Tạp A-hàm (HT. Thích Thiện Siêu và HT. Thích Thanh Từ dịch), Tăng nhất A-hàm (HT. Thích Thanh Từ dịch, HT. Thích Thiện Siêu hiệu đính), cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám, cư sĩ Đoàn Trung Còn, v.v… Giai đoạn 2 (1975 – 1991): Giai đoàn này với sự ra đời của các bản dịch từ Pāli sang tiếng Việt nhiều nhất.  Đóng góp nổi trội của HT. Thích Minh Châu là phiên dịch 4 bộ Nikāya và 7 tập đầu của Tiểu bộ thuộc văn hệ Pāli. Các quyển còn lại như Thiên cung sự, Ngạ quỷ sự, Chuyện Tiền thân (Bổn sanh) được cư sĩ Nguyên Tâm – Trần Phương Lan dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.  Một số vị Hòa thượng của Phật giáo Theravāda, như HT. Hộ Tông, HT. Bửu Chơn, HT. Giới Nghiêm phiên dịch Luật tạng Pāli và HT. Tịnh Sự dịch Luận tạng Pāli. Giai đoạn 3 (1991 – 2018): Sau 3 thập niên phiên dịch độc lập, đến năm 1991, Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập. Từ đó đến nay, VNCPHVN chỉ tái bản được một số bộ Kinh tạng Nam truyền gồm 13 tập, 4 bộ A-hàm cũng như một vài bộ luận như Đại trí độ luận (của Hòa thượng Thích Thiện Siêu). Trong thời gian này và trước đó, HT. Thích Trí Quang đã dịch hơn 25 tập Kinh, Luật, Luận; Hòa thượng Thích Đỗng Minh đã dịch ra Việt văn 4 bộ Luật (Ngũ phần luật, Tứ phần luật, Thập tụng luật, Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ), HT. Phước Sơn dịch Ma-ha Tăng-kỳ luật. HT. Thích Đỗng Minh còn hướng dẫn, khuyến khích chư Tăng Ni tại Nha Trang phiên dịch các cuốn luật nhỏ của các bộ phái Phật giáo, góp phần làm phong phú kho tàng Luật tạng Phật giáo Việt Nam. Trong giai đoạn này, nhiều tác phẩm do HT. Thích Tuệ Sỹ và HT. Thích Đức Thắng dịch và chú thích bốn bộ A-hàm, A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (5 tập), Luận thành duy thức, Kinh Duy-ma-cật sở thuyết, v.v… cũng do Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch và chú vô cùng có giá trị. Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh: Trong hai thập niên, 1994-2014, Hội đồng Dịch thuật do HT. Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan khởi xướng và bảo trợ, có công tổng hợp, biên tập và xuất bản các công trình dịch thuật đã có, đồng thời dịch mới các Kinh, Luật, Luận quan trọng khác để hình thành Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh. Bộ này dịch nguyên bản từ bộ Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh. Hiện tại, có tất cả 203 tập, gồm 2.537 quyển kinh đã Việt dịch, trong đó có 210 quyển được ghi tên dịch giả là "Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh". Tam Tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hiện nay: Danh xưng mới của bộ Đại tạng Kinh và nhân sự: Ngày 28/7/2020 HĐTS GHPGVN ra văn bản số 263/TB-HĐTS ngày của Trung ương Giáo hội đã thống nhất lấy tựa đề mới cho bộ Đại tạng là “Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.” (gọi tắt là “Tam tạng”). + Hội đồng Chứng minh: Gồm Đức Pháp Chủ và 10 vị Phó Pháp chủ GHPGVN; + Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch: HT. Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch HĐTS GHPGVN) , HT. Thích Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam), HT. Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội) và GS.TS. Lê Mạnh Thát (Ủy viên HĐTS, Cố vấn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam). Ban Biên tập và Ấn hành: Trưởng ban: HT. Thích Giác Toàn, Phó Trưởng ban: TT. Thích Đức Thiện, TT. Thích Tâm Đức, GS.TS. Lê Mạnh Thát. Đồng Tổng biên tập: TT. Thích Minh Thành và TT. Thích Nhật Từ. Thư ký Ban Biên tập: TT. Thích Giác Hoàng… Bố cục của Tam tạng Thánh điển PGVN được phân thành 2 cấp: Chánh Tạng và Tục Tạng Hiện nay, Chánh tạng được phân loại theo quá trình phát triển Phật giáo, gồm: Phật giáo Thượng Tọa bộ: Kinh tạng gồm 5 bộ (Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ). Trường bộ gồm 34 kinh, Trung bộ gồm 152 kinh, Tương ưng bộ có 56 tương ưng với 2.854 kinh, Tăng chi bộ có 2.022 kinh. Tiểu bộ gồm 16 tập được phân chia thành 5 tập. Như vậy, Kinh tạng trong kỳ này in có tất cả là 9 tập (đã in 4 và đang chuẩn bị in 5 cuốn còn lại); Luật tạng gồm 5 quyển: (1) Pārājika (Giới Trục xuất), Pācittiya (Giới Sám hối), Mahāvagga (Đại phẩm), Cūḷavagga (Tiểu phẩm), Parivāra (Tập yếu). Bộ này lấy từ bản dịch của TT. Chánh Thân, dự kiến in thành 2 tập (đang dò bản và sẽ in vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022); Luận tạng gồm có 7 quyển. Dự kiến làm thành 4 tập và sẽ in vào đầu năm 2023. Như vậy, tổng số Chánh tạng của Phật giáo Theravāda là 15 tập. Cộng với 10 tập của các bản Chú giải = 25 tập (mỗi tập từ 1250 trang – 1500 trang theo khổ 19x27 hiện nay);  Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa. Kinh tạng: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm và Tạp A-hàm. Luật tạng:  Bao gồm 6 bộ Luật (Ngũ phần của Hóa Địa bộ, Tứ phần của Pháp Tạng bộ, Ma-ha Tăng-kỳ của Đại Chúng bộ, Thập tụng (Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ), Căn bản bộ (Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), Thiện Kiến Tỳ-bà-sa luật (Chú giải của Theravāda) và các cuốn lẻ; Luận tạng: Bộ Tỳ-đàm (1536 - 1563); Sử truyện: (2026 – 2120). Đây là điểm khác biệt căn bản của bộ Tam tạng Thánh điển PGVN với bộ Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh và với các bộ trên toàn cầu (kể cả bản dự thảo về “Công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam” của TT. Tuệ Sỹ và GS. Lê Mạnh Thát, năm 2008). Theo TT. Thích Giác Hoàng, với sự nỗ lực của toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử từ quá khứ đến hiện tại, Bộ Tam tạng Thánh điển PGVN chắc chắn sẽ được hoàn thiện trong vòng 10-15 năm tới. Bộ Ðại Tạng Kinh chữ Việt được hoàn thành là đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển của nền văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.  Kết thúc bài giảng, Thượng toạ đã mượn lời của HT. Thích Trí Quảng – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam viết trong lời giới thiệu:“Hơn bảy thập niên trôi qua, các nhà phiên dịch Tam tạng ngày đêm âm thầm làm việc, đã đóng góp vào kho tàng văn học Phật giáo, tạo nên bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam, làm cho Pháp bảo được lưu bố ở nhân gian, công đức ấy đang ẩn tàng trong từng con chữ, trong số nhiều chục triệu con chữ của ấn bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam lần này thật bất khả tư nghì” PSO    
Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Hải Dương: Chùa An Đức và chùa Khánh Linh thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang

Ngày 22/12/2024, tại xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, chư Tôn đức Ni và Phật tử CLB Liên Hoa chùa An Đức và CLB Từ Tâm chùa Khánh Linh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương đã thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang, trao gần 300 phần quà đến đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online