BÀI THI: NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (60) Số lượng từ: 1749
NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN
Thời tiết đã vào thu, những cơn mưa nặng hạt đang đổ xuống mỗi ngày làm cho lòng người bỗng chùng lại. Ngoài kia, tiếng côn trùng kêu rả rích mỗi đêm nghe sao da diết quá! Vu Lan đã về. Vu Lan là thế! Không về trong một mùa đông buốt giá quá lạnh lẽo, cô đơn. Cũng không về trong mùa xuân vui tươi khi lòng người xôn xao náo nức. Mà lại về đúng vào mùa thu man mác buồn, gợi nhớ miên man theo những giọt mưa thu. Là mùa của những thi sĩ đủ cảm xúc để sáng tác nên những áng thơ, văn tình lãng mạn, dễ thương. Mùa của những người con đang tha phương chạnh lòng nhớ về ân Cha, nghĩa Mẹ nơi quê nhà - một nỗi niềm nhớ thương vô hạn. Hằng năm, mỗi mùa Vu Lan về, lòng chúng ta bồi hồi một cảm xúc dâng trào “thương Cha, nhớ Mẹ”. Nhưng năm nay, Vu Lan về trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt - mùa đại dịch, nên đã đem theo về cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, khi bên ngoài cuộc chiến với covid còn nhiều cam go và vất vả. Dù tất cả các ban ngành, đoàn thể đã nỗ lực rất nhiều, đã làm việc vượt công suất, những giọt mồ hôi không ngừng rơi trên trán những chiến sĩ, chiến binh hay những thiên thần áo trắng, áo xanh. Giờ lại thêm các màu áo thân thương của những tu sĩ Phật giáo. Thế mà mỗi ngày số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng đến ngộp thở. Tôi chợt nghĩ về chị, và muốn viết đôi dòng về chị, một người sư tỷ mà tôi hằng quý kính. Nghe chị kể. Chị sanh ra và lớn lên trong một gia đình thấm nhuần Đạo Phật. Cha là một Phật tử thuần thành, nguyên là Bác Gia trưởng của gia đình Phật tử một chùa quê. Chị là con gái út và được Ba thương nhất nhà. Từ khi mới sanh ra, chị đã thừa hưởng nhiều tố chất vốn có trong Ba. Từ nhỏ, chị được Ba Mẹ dạy dỗ chu đáo, ươm mầm, truyền trao nhiều kinh nghiệm quý báu và đạo đức căn bản để mai này làm hành trang bước vào đời. Hơn thế nữa, Ba chị còn là người hướng đạo cho các anh chị em trong gia đình tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử từ khi còn rất nhỏ. Mẹ mất được ba năm thì Ba chị lại đặc biệt hướng đạo cho chị đi theo con đường xuất gia học Phật. Kể từ ngày chị xa Ba, xa gia đình để đi theo tiếng gọi thiêng liêng như lời Tổ Quy Sơn dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, trấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Bài kệ nhắc nhở cho mỗi sứ giả Như Lai hiểu rằng hạnh nguyện của người xuất gia không phải là chán đời, là trốn đời để vào chùa hưởng thụ, hoặc chỉ đêm ngày chôn vùi theo tiếng kệ lời kinh, bỏ mặc chúng sanh với nhiều nỗi khổ niềm đau ngoài thế cuộc, mà phải luôn trầm tư về một lý tưởng tuyệt vời “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Một chí nguyện vô cùng cao cả và thiêng liêng mà chị đã được Sư Phụ dạy dỗ từ thuở mới vào chùa. Câu nói đó về sau chị cũng đã được âm hưởng từ nơi Ba, khi một ai đó nhìn nhận về chị. Ba chị là người rất chỉnh chu và nghiêm nghị, nếu không muốn nói là “khó tính”. Thế nhưng đằng sau tính nghiêm khắc, khó tính đó, là cả một tấm lòng thương người và coi trọng nghĩa tình. Nên lúc nào Ba cũng là người mẫu mực cả hai bên nội, ngoại. Và chị cũng thế. Chị là người sống rất tình cảm nên được nhiều bạn bè, huynh đệ quý tin. Thừa hưởng gia tài đó của Ba, lại được un đúc tinh thần Từ Bi của Đức Phật, nên dần dần chị được lớn lên trong sữa pháp, trong biển cả dạt dào tình thương và trí tuệ của Đạo Phật. Kể từ khi đại dịch bùng phát đợt thứ tư tại Việt Nam, đặc biệt tại Thành Phố mang tên Bác, có một động lực rất mãnh liệt đã thôi thúc, làm chị không thể ngồi yên khi bên ngoài vẫn còn nhiều gian khổ. Mỗi ngày trên các mạng truyền thông, chị nghe và chứng kiến cảnh thành phố đang bị thiếu hụt trầm trọng về rau củ quả, về lương thực khi lệnh giãn ban hành. Thế rồi, chị bắt đầu việc thiện nguyện này với mấy chục hũ sườn non chay tự tay làm, gửi trọn năng lượng yêu thương và tu tập của mình vào đó, với hy vọng những người hữu duyên nhận được sẽ ấm lòng và bình an khi thưởng thức món ăn này. Tiếp theo, chị gom góp được vài xe rau củ quả khiêm tốn để tiếp tế cho một số bà con khó khăn. Sau đó, nhờ Tam bảo gia hộ, các Phật tử cảm thông và chia sẻ, chị như bắt đầu bén duyên với công tác thiện nguyện, tiếp tế lương thực, rau củ quả và thiết bị y tế cho nhiều quận huyện trong Thành phố và tại tỉnh nhà. Chị kể, sau hơn một tháng làm công tác thiện nguyện, khi nguồn tài trợ đã cạn mà bên ngoài dịch bùng phát quá mãnh liệt, cộng thêm sức khỏe không được tốt nên quyết định tạm ngưng. Nhưng chỉ mới được hai hôm, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng những em bé khóc thương vì khát sữa, nghe tiếng rên siết mệt nhoài đến quặn thắt của những ca nhiễm f0 chưa kịp đi cách ly, Chị một lần nữa không thể ngồi yên, tiếp tục chương trình đợt 2 và kéo dài mãi đến hôm nay. Tuy không phải sở trường nhưng phát xuất từ cái tâm, và lòng Từ Bi mà chị đã được un đúc, vun bón hàng ngày, nên công việc nào chị thực hiện cũng khá thuận duyên và nhiều thành tựu. Tôi rất cảm kích khi đọc và nghe những đoạn tâm tình khi được phỏng vấn từ các Tu sĩ Phật Giáo tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Có những vị chuyên ngành y thì có thể dễ dàng hỗ trợ và giúp đỡ bà con về lĩnh vực điều trị. Những vị không có chuyên ngành y thì đảm nhận công việc bác sĩ tâm lý để sẻ chia, động viên và gửi năng lượng bình an đến các bệnh nhân, giúp họ vượt qua khủng hoảng và tuyệt vọng. Lại càng xúc động hơn khi nghe những vị phát tâm đảm trách các công việc bình dị, nhưng với tôi thì thật cao cả, như dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, ... Bấy nhiêu thôi cũng đủ thể hiện rõ nét tinh thần Từ Bi và vị tha vô ngã của người đệ tử Phật. Đúng với phương châm “nơi nào chúng sanh cần con đến, nơi nào Phật Pháp cần con đi, không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc” Và chị cũng thế. Chị luôn tỏ ra hoan hỷ, vì so với những người khác, thì những việc chị làm chưa đáng là bao. Nhưng so với khả năng khiêm tốn của mình, chị đã làm được nhiều việc, sẻ chia được rất nhiều nơi và nhiều người. Điều này khiến chị có chút ấm lòng và phần nào xoa dịu bớt nỗi đau mà hàng trăm ngàn người đang gánh chịu. Cả nước đang giãn cách, công việc hoằng Pháp của chị bị ngưng trệ. Đây cũng là dịp thuận tiện giúp chị có thời gian nỗ lực tu tập, làm việc thiện nguyện trong khả năng có thể, để lan tỏa những năng lượng tích cực và bình an đến mọi người. Ngoài trời mưa vẫn còn rơi, tôi cảm thấy rất thương những mảnh đời bất hạnh. Thương những chú bộ đội đang dầm mưa dãi nắng trấn giữ biên cương. Thương những chú công an, bảo vệ giao thông và ngồi canh giữ các chốt trực.Thương những thiên thần áo trắng đã bất chấp hiểm nguy, hy sinh tình cảm gia đình riêng tư của mình để đem lại sự sống cho các bệnh nhân. Thương các chuyến xe thực phẩm và rau củ quả đang lần lượt đổ về Thành phố sôi sục nhịp sống, nay lại im ắng đến thê lương. Thương những huynh đệ, bạn đạo của mình đã làm rất nhiều công việc, tham gia tích cực để chung tay phòng chống dịch bệnh. Thương chị - một vị sứ giả Như Lai chân yếu tay mềm, nhưng lại có thể làm được rất nhiều điều mang lại tình yêu thương và hạnh phúc cho nhân loại Mong rằng đại dịch sớm qua, để Chị lại trở về với công việc thiêng liêng và cao cả, là “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, giúp mọi người thấm nhuần Phật pháp, áp dụng vào cuộc sống hiện tại, đem lại an lành hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Mùa Vu Lan về, xin gửi lời tri ân đến Ba Mẹ chị, cám ơn vì đã đã sinh ra và hun đúc nên một người đệ tử của Như Lai. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các bậc Cha Mẹ của những người con đang thực thi nhiều nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả, tham gia vào công tác “tuyến đầu chống dịch”. Mỗi người sẽ là một cành hồng thơm ngát dâng tặng Mẹ, Cha nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Cầu chúc tất cả luôn an lành, mong một ngày nắng lên sau những cơn mưa bão, tất cả được trở về đoàn tụ với gia đình, về với Cha với Mẹ thân thương. https://www.youtube.com/watch?v=NZSN47EHhls&list=PL-KxvjUbLY1p-VOVlFUsEfDgRl1VKibRt&index=40