BÀI THI: THẮP SÁNG YÊU THƯƠNG…!
MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (69) Số lượng từ: 1799
THẮP SÁNG YÊU THƯƠNG...!
Trong xã hội có muôn vàn những việc làm ý nghĩa, những hành động cao cả xuất phát từ trái tim đó là sự sẻ chia thấm đậm tình người với đạo lý “thương người như thể thương thân” trở thành một nét văn hóa đẹp trong cộng đồng. Biến động của đại dịch Covid-19 để lại cho chúng ta những nỗi lo sợ và những mất mát đầy bi thương. Để xoa dịu nỗi đau của từng người đang chật vật gồng mình chống dịch là 1 nghĩa cử cao đẹp mang đầy sắc màu yêu thương “một miếng khi đói bằng một gói khi no” tinh thần của dân tộc Việt Nam ta bao đời.“Cho đi là còn mãi”
Cho đi là yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn. Còn thứ ta nhận lại là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn.. Nói đến đây tôi xin được nghiêng mình cúi đầu cảm ơn những anh chiến sĩ công an khoác lên mình bộ đồng phục màu xanh của hy vọng. Họ - những chiến binh quả cảm sẵn sàng gác lại công việc và hạnh phúc của bản thân, gia đình mang tâm trạng tự hào, nhiệt huyết vì được cống hiến tuổi trẻ, sức khỏe, ý chí để chung sức "cháy" hết mình trong chiến dịch đặc biệt “chống đại dịch COVID-19", những chiến sĩ đã trở thành tấm lá chắn vững vàng giữa tâm dịch cho hàng triệu người dân Việt Nam. Cảm động biết bao! Khi các anh phải túc trực hàng giờ ở những chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến và cả những khu vực phong tỏa. Những cơn mưa rào ngập đường phố trong đêm, cái nắng ngày chói chang, gay gắt của mùa hè trên 35 độ C, khi nhân dân đang say giấc, sum vầy bữa cơm ngon với gia đình và người thân, thì các anh ngay lúc này đây phải xa gia đình, xa vợ con. Cái nắng oi bức đã khiến da các anh thành màu nâu sạm, những bộ quần áo quân phục ướt đẫm mồ hôi nhọc nhằn, những khuôn mặt in hằn vết khẩu trang, những bữa cơm hộp ăn vội. Các anh những người lính trẻ tuổi xung phong chống dịch, đã xông pha hết mình bất chấp hiểm nguy để thực hiện một mệnh lệnh từ trái tim. Tất cả những gì các anh làm như muốn nói với người dân rằng : “hãy yên lòng có chúng tôi đây rồi!” Bài hát “ Ngủ một chút đi anh” của nghệ sĩ Việt Tú như đã thay mặt 100 triệu người dân Việt Nam gửi đến các anh chiến sĩ một tâm tư:“Đêm vẫn dài ngủ một chút đi anh
Ở ngoài kia triệu trái tim hướng đợi Anh tư lệnh ơi, tổ quốc tôi cần anh”
Nhìn về Việt Nam cả thế giới đang tự hào. Làm được điều đó không ai khác là những “Thiên thần áo trắng” sự hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu chống đại dịch. Trong những ngày tình hình dịch bệnh căng như dây đàn ở Miền Nam mới thấy công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm hoặc cả tháng chưa về đến nhà, thậm chí họ dành luôn cả cái Tết để xông pha chống dịch.Thương! Vì trong cái nắng gắt thế này, mình mặc quần áo thôi đã đầm đìa mồ hôi, mà họ phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ cấp 4 thì sẽ mệt mỏi biết bao. Đến cả miếng bánh, giọt nước cũng không dám ăn và uống vì sự khó khăn của đồ bảo hộ. Khi đã quá kiệt sức thì họ chỉ tựa vội vào vai nhau hay gục tạm trên bàn để chớp mắt vài phút lấy sức rồi tiếp tục chiến đấu. Chạnh lòng biết bao! Khi được về tới nhà cũng chỉ ở phía sau thật xa để dõi theo người thân của mình, muốn ôm con vào lòng nhưng chỉ có thể là từ phía xa. Vì họ còn có nhiệm vụ phải bảo vệ sự bình an cho người thân gia đình. Tôi nghĩ những y bác sĩ là những người phải chịu bi thương nhất trong đại dịch khủng khiếp này. Vì họ phải chứng kiến bệnh nhân của mình đau đớn và rồi ngừng thở trước mắt mà không thể làm gì được nữa. Bất lực khi phải thông báo với người nhà họ rằng “chúng tôi đã cố gắng hết sức” đối với người bác sĩ có lẽ đây là câu nói nhói lòng nhất. “Họ không chỉ là bác sĩ, mà còn là chiến sĩ, là những người anh hùng của cuộc chiến”. Đó là lời tâm sự thật thấm thía của người dân, của thân nhân khi chứng kiến hình ảnh các y bác sĩ ngày đêm tận tụy bên giường bệnh để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nếu không phải xuất phát từ tình người “thương người như thể thương thân” thì sẽ không bao giờ làm được những điều cao cả như thế. Trăm nghìn vạn từ “cảm ơn” cũng không gọi là đủ so với sự kiên cường và hi sinh của họ. Không phải thiên thần nhưng ở thời điểm hiện tại sự hi sinh của họ xứng đáng được tôn vinh như những “thiên thần áo trắng” giữa nhân gian. Đôi dòng thơ gửi tặng đến người áo trắng anh dũng:“Đời thầy thuốc nguyện thề tim hứa
Cứu bệnh nhân chan chứa lòng thành
Áo Blouse dâng hiến cho đời
Âm thầm lặng lẽ cứu người hồi sinh”
Giữa khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, những tấm lòng 'nhường cơm sẻ áo' với bà con nghèo đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt khắp nơi. Thật cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân đã và đang thực hiện các hoạt động từ thiện này. Họ đến từ nhiều thành phần trong xã hội, là những nhà mạnh thường quân, tổ chức tôn giáo, người tu hành và người dân bình thường. Họ cùng nhau, người góp công sức, người góp tiền của, cho dù nhiều người chưa hẳn đã có cuộc sống dư dả về vật chất. Nhưng họ đều có một mục đích chung là giúp đỡ người khác từ những cây ATM gạo nghĩa tình, đến bếp ăn thiện nguyện phải chật vật chạy đôn đáo tìm nguyên liệu để có được những món ăn bổ dưỡng. Còn có cả những thanh niên trẻ xung phong đi khắp các vỉa hè, ngõ ngách của Sài Gòn rộng lớn để trao những phần quà thấm đẫm yêu thương. Với những bệnh nhân hay những mảnh đời bất hạnh, hộp cơm, tô cháo, đồng tiền mà họ nhận được từ các nhà hảo tâm đã mang đến những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người cho và người nhận. Thứ hạnh phúc mà chính những người trong cuộc cũng khó có thể bày tỏ hết bằng lời, nó là động lực thôi thúc sự sẻ chia và cảm thông.“Kính lạy Người-Bậc chân tu đức độ
Cởi áo cà sa khoác áo trắng Blue
Độ nhân thế hành Bồ tát đạo
Chèo lái con thuyền cứu vớt chúng sinh”
Đẹp biết bao! Hình ảnh của những vị tu sĩ thanh thoát cũng cởi áo cà sa-khoác áo trắng blouse xông pha vào tâm dịch cùng hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chống dịch. Ngay lúc này nơi giường bệnh điều trị dịch bệnh, nơi nhà xác, chúng sinh đang rất sợ hãi, hoảng loạn tư tưởng, không nơi bám víu, quý Thầy, Cô đến không chỉ góp sức chống dịch còn giúp người bệnh, người chết kết duyên với Phật pháp. Những lời pháp nhũ quý giá lúc này như là chỗ dựa tinh thần kiên trì của mọi người nơi đây. Dù đang trong mùa an cư kiết hạ thời khóa tu học nhiều hơn bình thường. Vậy mà, quý Thầy quý Cô không ngại khó khăn sẵn sàng kêu gọi vận động và thành lập những quỹ từ thiện, bếp ăn và tự tay gói những xuất quà đến tận 2,3 giờ sáng. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng quý Thầy Cô vẫn không ngại đến từng điểm chốt kiểm dịch, bệnh viện dã chiến để trao những phần quà và những lời động viên cổ vũ. Những hành động, việc làm ý nghĩa đó đã và đang góp phần khơi dậy mạnh mẽ truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đại dịch Covid-19 sẽ qua, tình người sẽ còn đọng mãi. Dưới lăng kính của đạo Phật, đại dịch Covid-19 như một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại và cũng dạy cho chúng ta những bài học sâu lắng. Chúng ta học được cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống, thích nghi với những thay đổi bất ngờ, học được tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, quan trọng nhất là nó dạy chúng ta sống chậm lại và quan sát lẽ vô thường của kiếp nhân sinh mà trân trọng từng phút giây ở bên cạnh người thân gia đình. Nếu ví cuộc đời này là một bản trường ca bất tận thì có lẽ lối sống sẻ chia yêu thương là một nốt nhạc trầm sâu lắng chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc về cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Tôi biết! Dù có dùng bao nhiêu ca từ bóng bẩy thì cũng không thể nào lột tả hết được sự hi sinh của các chiến binh anh dũng trong cuộc chiến “ Chống dịch như chống giặc” này. Mạnh mẽ lên Việt Nam ơi, giặc càng lớn mạnh đến đâu thì chúng ta càng đoàn kết sẻ chia đến đấy. Chính vì vậy thi sĩ Tố Hữu đã nói rằng: “Thế gian này còn gì đẹp hơn người và người sống để yêu thương nhau”