MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (87) Số lượng từ: 1758
TÌNH NGƯỜI QUANH TA
Khi màn đêm buông xuống, là lúc khoảnh khắc mà con người nhìn lại mình trong một ngày vừa trôi qua. Những ngày mà cả đất nước đang phải cố gắng gồng mình để chống dịch Covid. Nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, khi số ca nhiễm ngày càng tăng. Làm cho nhân dân ngày càng hoang mang, lo lắng và sợ hãi. May thay, được sự quan tâm, giúp đỡ của nhà nước, thì nguôi ngoai đi phần nào, trong khi cuộc sống bộn bề những lo toan về vật chất lẫn tinh thần. Chưa bao giờ mà tình thương của con người lại lan rộng mạnh mẽ, nhiệt huyết đến như thế. Khi miền Trung lũ chồng lũ, bão chồng bão cứ thế diễn ra, điện bị cúp, nước ngập tới mái nhà, chỗ ngủ cũng không còn, thì liền có miền Nam chi viện những phần quà nào gạo, nào mì, nào sữa,... để bà con miền Trung vượt qua nguy nan. Đúng là sau cơn mưa trời lại sáng, khi bão lũ đi qua, để lại trong họ tình thương anh em Tổ quốc. Họ lại tất bật với công việc dọn dẹp sau bão, rồi trở lại với đời sống thường ngày. Khi miền Nam bị dịch Covid hoành hành, kết quả còn thảm khốc hơn so với những ngày bão lũ. Cảnh tang thương khi con khóc mẹ, cha khóc con, gia đình ly tán, đến lúc trút hơi thở cuối cùng thì không một ai bên cạnh. Khi những em bé mới ba, bốn tuổi phải tự mình mặc bộ đồ bảo hộ, rồi tự mình lên xe cứu thương, trước khi lên xe còn quay lại vẫy tay chào ba mẹ. Nếu đứa bé đó là con của bạn, liệu bạn có cầm nổi những giọt nước mắt hay không?! Ai sẽ là người chăm sóc, lo lắng cho những em bé này, khi không có ba mẹ và người thân bên cạnh. Đó chính là tình thương của đội ngũ y bác sĩ tại những bệnh viện và những khu cách ly. Một tình thương bao la rộng lớn, có những y bác sĩ đã có gia đình, có con nhỏ, thậm chí còn đang mang thai, nhưng vẫn tình nguyện tham gia nơi tuyến đầu chống dịch, vì tình thương, vì Tổ quốc. Họ gạt chuyện gia đình riêng tư, để mang những tình thương đến với muôn dân vạn người. Nếu như ai cũng chạy trốn, thì chiến trường này để lại cho ai, khi tình cờ nó đến, thì ai sẽ là người lo cho bạn?! Vậy nên, xin hãy cúi đầu cảm ơn những người nơi tuyến đầu chống dịch, vì họ chính là người mang lại tình thương cho chính bạn. Bạn đừng than trách bạn khổ! Đúng là ngước lên mình chẳng bằng ai, nhưng mà ngước xuống thì muôn người không bằng mình. Hãy biết trân trọng hạnh phúc khi bạn còn có phòng để ở, có mền để đắp, có cơm để ăn. Bạn cứ than rằng mình khổ, nhưng bạn ơi, Bạn còn có tình thương của cha, của mẹ, là bạn còn hạnh phúc khi cài lên ngực bông hoa màu đỏ thắm, khi mỗi độ Vu Lan mùa báo hiếu trở về. Bạn biết không, dịch bệnh thảm khốc trong những ngày qua, đã cướp đi bao nhiêu người cha, người mẹ của bao người. Họ thậm chí không được nhìn cha, mẹ lần cuối, lúc thấy được cha, mẹ thì chỉ còn là hũ cốt tro tàn mà thôi. Con tìm mẹ nhưng sao hoài không thấy, không còn được nghe những lời hát ru thuở nào. Con tìm cha trong khoảng lặng trái tim, nghẹn lòng khi cha không còn nữa, chẳng còn ai cho con ngồi sau lưng cha sau mỗi buổi tan trường. Từ nay, cha mẹ không còn nữa, cứ mỗi độ Vu Lan về thì chỉ lẳng lặng nhặt cho mình một cành hoa trắng mà lòng bâng khuâng, nghẹn ngào xiết bao. Cuộc sống là thế đấy, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng là những con đường rất đẹp, rải sẵn cánh hoa để bạn bước. Đôi khi, con đường bạn đi phải bước qua chông gai, mưa sa và bão táp,… Sài Gòn vốn là chốn phồn hoa đô thị, náo nhiệt, đầy ắp những tiếng cười ríu rít của những đứa trẻ đợi ba mẹ đi làm về sau một ngày dài, và những tiếng cười của ba mẹ khi thấy con mình sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thì giờ đây, Sài Gòn lặng im buồn bã, mang nặng những giọt mồ hôi của các thiên thần áo trắng trong bộ đồ bảo hộ, và những thiên thần trong bộ đồ màu xanh hy vọng. Khi sự sống cận kề cửa tử, vẫn có những người mang trong mình bộ đồ bảo hộ di chuyển những bình oxy trong đêm tối, để giành giật lại sự sống cho muôn người. Có những tấm lòng Bồ tát giữa đời thường, nhất là trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc này. Nhiều khu phong tỏa, khu cách ly không được ra ngoài, nhưng các bạn vẫn được cứu trợ của muôn người, trên khắp mọi miền Tổ quốc. Khi được sự kêu gọi giúp đỡ miền Nam ruột thịt, thì người góp công, người góp của. Có những nơi các y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện đã dấn thân không vì bản thân mà đem tình thương về miền Nam, nơi đang trong tình cảnh cận kề cửa tử, giành giật để được cuộc sống bình yên trở lại như xưa. Khắp nơi trên mọi miền đất nước, người nào không tham gia trực tiếp nhưng vẫn hướng tình thương bằng cả tấm lòng về miền Nam. Người bó rau, túi hạt gạo, người cái bánh, củ khoai… Mang theo những tình thương ấm áp, mong Sài gòn sẽ khỏe lại, mong rằng có thể cứu giúp muôn người qua mùa dịch này. Khi xưa, một trái bí thì chị nhường em, rồi chị mua trái khác cũng được. Giờ đây, một trái bí chia năm xẻ bảy, một bắp sú được chẻ làm đôi, làm tư để chị được một miếng thì em cũng được một miếng, để cùng dìu dắt nhau qua những lúc nguy nan thế này. Cuộc sống khi gặp những lúc khó khăn, thì sẵn sàng có những cánh tay hỗ trợ. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những chú bộ đội xuống phố hỗ trợ cùng chính phủ dập dịch, nào là phân phát lương thực, thậm chí là đi chợ cho các hộ gia đình. Vì sự an toàn cho muôn người, các chú bộ đội cho dù vất vả, dù rất nhiều giọt mồ hôi đang rơi, nhưng luôn nở nụ cười, vui vẻ khi được góp sức giúp đỡ mọi người. Đúng là vì nước quên thân, vì dân phục vụ, họ đã không vì bản thân, mặc dù vẫn có mẹ chờ đợi ở nhà, nhưng khi Tổ quốc cần vẫn giơ tay xung phong sẵn sàng phục vụ. Ngoài ra, các ca nghệ sĩ cũng ủng hộ công sức chống dịch. Họ đến các bệnh viện giã chiến biểu diễn, ủng hộ tinh thần cho các y bác sĩ và bệnh nhân F0 đang điều trị, để tiếp thêm sức lực và tinh thần cho bao con người nơi đây. Có những y, bác sĩ đã nằm xuống vĩnh viễn không bao giờ đứng dậy nữa, họ hy sinh thầm lặng cho bao người, để rồi ra đi trong giọt nước mắt thương tiếc của người thân.“Bạn cứ trách cuộc đời méo mó,
Sao không tròn ngay tự tâm ta.”
Bạn cứ trách móc những chú công an sao khó khăn với bạn, nếu không có h, liệu cuộc sống họ, liệu cuộc sống của bạn có được an toàn như bây giờ không?!. Các chú không quản ngại nắng mưa, chỉ dựng một tấm bạt để che nắng, nhưng làm sao có thể chống lại với những cơn mưa lớn?! Một mình co ro lạnh người với bộ áo mưa đứng đó, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ của mình, nhất là giữa trời khuya đêm tối. Thay vì trách móc, hãy ban trải tình thương tới các chú, cho dù không trực tiếp nhưng chắc chắc họ sẽ thấy ấm lòng. Với tinh thần “Từ bi – Trí tuệ” của đạo Phật, một số tu sĩ đã cởi chiếc áo cà sa khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng trực chiến tại các khu viện dã chiến, tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ cho các y bác sĩ, vì sự an toàn cho người dân và cho đất nước. Mọi người ơi! Xin hãy nở những nụ cười, để tiếp thêm tinh thần cho nơi tuyến đầu chống dịch. Ở đó, mọi người đang quên đi bản thân, hy sinh thầm lặng để mang lại sự an toàn cho chính bạn. Và cũng đừng quên thực hiện quy tắc 5K của chính phủ, dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào. Mong rằng Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng sẽ sớm trở về với cuộc sống bình yên như bao ngày. Mong mọi người sẽ luôn được bình an. Và đừng quên rằng: “Xung quanh bạn luôn có tình thương của mọi người”. Thân ái và quyết thắng.