BÀI THI: VU LAN TRONG ĐẠI DỊCH
MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (52) Số lượng từ: 1767
VU LAN TRONG ĐẠI DỊCH
Sài Gòn đổ cơn mưa bất chợt làm ướt đẫm chiếc áo sờn vai của người lữ khách và vô tình làm giá buốt cõi lòng của những ai tha hương cầu thực. Mấy tháng nay, dịch bệnh Covid hoành hành khắp nơi đều nhuốm màu đau thương tan tóc. Những chiếc xe cứu thương tăng cường chạy để đưa người đi cách ly, tiếng còi hú vang giữa đại lộ vắng tanh, xé nát cả không gian yên tỉnh. Âm thanh như gieo rắc vào lòng người sự u sầu vô tận. Dịch bệnh đến khiến cho ai cũng lao đao lo kiếm cái ăn dự trữ cho những ngày giãn cách ở nhà, tuyến y tế đầu ngành căng thẳng vì số ca nhiễm tăng lên chứ không hề thuyên giảm. Trong trận chiến gây go này chúng ta sẽ không thoát khỏi tiếc thương cho những bệnh nhân xấu số. Tâm dịch Sài Gòn khiến nhiều gia đình khổ sở, nước mắt át lẫn cả nụ cười, nhưng trong niềm đau buồn đó lại lóe lên tia lửa ấm áp sửa ấm sự cô đơn. Đó chính là ngọn lửa của tình người trong đại dịch. Gần ba tháng qua chung tay với Nhà nước cứu trợ cho người dân bị mắc kẹt lại Sài Gòn chưa được về quê, khu nhà trọ bị phong tỏa, tiếp tế lương thực cho y bác sĩ tại bệnh viện, những anh cảnh sát giao thông ngày đêm thực hiện xứ mệnh tại khu vực đồn chốt là hàng triệu trái tim tràn đầy yêu thương, họ lên xe và mang thực phẩm được gói gọn bằng tấm chân tình trao tận tay đồng bào trong lúc nguy nan. Khi mọi người chìm trong giấc ngủ thì đâu đó những chiếc container chạy tuyến Bắc-Nam mang đồ chi viện cho Sài Gòn. Nào là rau củ, quả, gạo, mì gói,… và quan trọng là cả tấm lòng thơm thảo của mọi người. Tôi nhớ mãi hình ảnh các mẹ, các o,… gói từng chiếc bánh, người rang muối tiêu, xa xa có chị vác buồng chuối mới chặt sau hè mang lại cùng đóng góp cho chuyến phát quà từ thiện này. Tôi thấy rưng rưng nước mắt với những bó rau còn dính bùn được buộc dây lát thật chặt gửi vào Nam và kèm theo lời nhắn gửi mộc mạc, chân thành: “ Sài Gòn mau khỏe nhé, tôi yêu Sài Gòn nhiều lắm”. Giãn cách xã hội là thời gian mọi người ở nhà quay quần với gia đình nhưng ngoài kia những anh công an, tình nguyện viên đội cả nắng mưa thực hiện nhiệm vụ của mình. Đâu ai bảo ai nhưng họ luôn cố gắng động viên nhau vượt nhau thử thách chỉ vì: “Dân mình còn khổ” nên dù có nắng rát da tay hay mưa rơi tầm tả thì trên gương mặt ấy vẫn thoát lên nụ cười của hạnh phúc vì được góp công sức với cuộc chiến lần này. Trong bệnh viện tiếng xe cứu thương cứ inh ỏi, từng chiếc băng ca kêu lét két cứ đổ xô nhau ồn ạt, giờ đây sống chết chỉ cách nhau làn hơi tiếng thở. Những chiến sĩ áo trắng hằng ngày túc trực, quên ăn quên ngủ vì công việc. Có người gần nửa năm chưa về thăm gia đình, chỉ gặp nhau qua màn ảnh của điện thoại. Con gái nói nhớ bố, con trai nói nhớ mẹ, giọt nước mắt vô tình ùa ra và nghẹn ngào thỏ thẻ: “Con ngoan nha, bố phải trực vì bệnh nhân còn nhiều lắm, đợi khi nào dịch ổn bố về với con”, chỉ dám kiềm nén cảm xúc cá nhân mà tiếp tục cho công việc thiêng liêng cao cả. Ai cũng có trái tim biết rung động nên dù có sắt đá đến đâu thì tình yêu thương vẫn len lỏi trong từng khía cạnh tâm hồn. Một anh Bác sĩ trẻ được phân công vào Nam để thực hiện nhiệm vụ, hình ảnh anh ấy cười tươi khi tạm biệt với mái tóc của mình để phục vụ cho công việc, nhưng trên gương mặt phúc hậu ấy vẫn nở nụ cười hồn nhiên khiến người ta thán phục. Trong trận chiến này không biết kẻ mất người còn như thế nào nhưng chúng ta vẫn tin vào tương lai hạnh phúc ở phía trước. Trên tuyến đường tình thương ấy vẫn không sao thiếu được hình ảnh của đoàn thiện nguyện nghĩa tình. Phải chăng giữa cái khổ thì sự yêu thương sẽ lên ngôi, ánh mắt đỏ hoe xúc động khi nhận được quà hỗ trợ, cái gật đầu tỏ sự biết ơn khiến người làm thiện nguyện cũng ấm lòng. Còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cố gắng gồng mình chịu đựng trong mùa Covid khiến người làm công việc cứu trợ cay cay nơi khóe mắt. “ Phục vụ chúng sanh là nhất thiết cúng dường chư Phật” Bao năm qua Phật giáo luôn là mái già lam vững chắc để mọi người nương tựa mỗi khi sóng gió cuộc đời ập đến. Tất cả các tự viện trên khắp dãy đất hình chữ S luôn vận động, kêu gọi những vị Cấp Cô Độc cùng chung tay để tiếp ứng với đại dịch. Tiếng kệ kinh hằng ngày vang vọng chốn thiền môn cầu nguyện cho Quốc thới dân an, chúng sinh an lạc. Những chiếc áo nâu tạm thời gửi lại, các Tăng Ni xung phong lãnh trách nhiệm trên vai tham gia hỗ trợ với lực lượng tuyến đầu. Chiếc áo lam người cư sỉ thấm đẫm nắng mưa rong ruổi khắp nẻo đường đem lương thực đến cho nơi cần cứu trợ. Tinh thần tương thân tương ái, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn là giá trị nhân văn cao cả được Phật giáo luôn hướng đến. Tâm từ chính là tiên dược chữa lành những vết thương còn rỉ máu, xoa dịu cơn đau của nhân sinh trong kiếp hiện tại này. Hằng ngày, mọi người đều gửi năng lượng an lành qua thời khóa lễ tụng Kinh Dược Sư cầu mong cho tai qua nạn khỏi, nén tâm hương được đốt lên bởi chính ngọn lửa của tình thương bất diệt. Ngọn đèn chân lý vẫn soi đường cho ai còn đang bơ vơ lạc lỏng ngoài kia, hay đang quằn quại vì dịch bệnh trở về với ánh sáng của Đấng Từ Tôn. “ Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan Bâng khuâng chạnh nhớ ơn sanh dưỡng Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn” Tháng bảy Vu Lan năm nay không nhộn nhịp như năm trước vì Đất nước phải đối mặt với dịch bệnh ác liệt. Mùa hiếu hạnh man mác nổi buồn, có người lặng lẻ nuốt trọn nước mắt vào trong tiễn đưa người thân về nơi vĩnh hằng. Dịch bệnh làm cho mẹ mất con, chồng mất vợ, anh mất em,… ngậm ngùi cài lên ngực mình bông hồng màu trắng mà ngấn lệ tuôn trào. Những chiếc xe đưa người đi không trở lại, khi hay tin chỉ còn là hài cốt trao tay. Có tiếng khóc xé tan cả đêm thanh tĩnh mịch, cái chấp tay vái lạy tiễn đưa người thương đi biền biệt mất tăm. Thật hạnh phúc cho ai còn đủ cả cha mẹ và quan trọng họ vẫn được an toàn. Ngoài kia biết bao nhiêu người đang giành giật sự sống từ tay thần Chết, cái nấc nghẹn ngào khóc chẳng thành tiếng bao trùm không khí Sài Gòn trong mấy tháng qua. Trong đại dịch này sự sống còn là chuyện không thể tránh khỏi nên chúng ta phải thật trân quý những giây phút bên nhau vì không biết ngày mai sẽ như thế nào. “Sinh thành dưỡng dục mãi mang ơn Khắc cốt ghi tâm chẳng thể sờn Mẹ vốn so như lòng biển cả Cha thời sánh với đỉnh trường sơn” Từng vần thơ, câu chữ gieo rắc vào lòng người niềm thương nổi nhớ về hai đấng sinh thành. Vu Lan năm nay nhiều người xa xứ không thể về thăm cha mẹ được vì dịch bệnh tràn lan. Có người phải nói lời tạm biệt mãi mãi với người thân, chạnh lòng với nhành khăn tang khóc thương đau xót. Không có ngôn ngữ nào vượt qua ngôn ngữ yêu thương, không loài hoa nào thơm thảo bằng hoa hiếu hạnh, không có biển trời nào sánh bằng công ơn của cha mẹ và chẳng tồn tại giữa đời thường nếu chúng ta vắng đi sự bao dung. Mùa báo hiếu chỉ đơn giản là mâm cơm đạm bạc nhưng gói gọn tấm chân tình, tiếng cười của thành viên trong gia đình chính là liều miễn dịch tốt nhất cho chúng ta. Hãy để vaccine của tình thương len lỏi vào trong từng tế bào cơ thể tạo nên bức tường thành vững chắc chống lại vi rút nóng giận, ích kỷ, hơn thua,… của cuộc đời. Là người con Phật lúc nào mình cũng tuân thủ theo những quy định của Chính phủ, thực hiện tốt biện pháp phòng dịch an toàn cho bản thân và gia đình, cầu nguyện với Tăng đoàn trên khắp cả nước tạo năng lượng tích cực hướng đến những bệnh nhân đang chống chọi với dịch bệnh. Thành tâm hồi hướng phước lành cho những vong linh ra đi để họ tái sanh vào cảnh giới an lành, an ủi người ở lại đừng quá đau buồn vì đó là quy luật sinh ly tử biệt. Một mai khi đất nước khỏe mạnh chúng ta cùng nhau ca vang câu hát trong niềm vui sướng của dân tộc. Tinh thần đoàn kết tạo ra sức mạnh lúc này rất cần thiết, vì một niềm hy vọng của hơn chín mưới triệu con người Việt Nam yêu dấu. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng sẽ tung bay khắp nước hòa theo nụ cười của hàng triệu triệu trái tim tràn đầy sự yêu thương. Hãy cùng dìu dắt nhau qua khó khăn lần này và Tôi tin rằng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau.“Vu Lan trong tình người cao cả
Là vạn tình thương của mọi nhà
Là cùng dìu nhau qua dịch bệnh
Yên bình trở lại Tổ Quốc ta”