- Thượng tọa giới thiệu về nền văn minh hiện đại của nhân loại hiện nay thông qua 04 cuộc cách mạng công nghiệp
PSO – Sáng ngày 23/7/2019, tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) tỉnh Bến Tre - chùa Viên Minh, phường 2, TP. Bến Tre, TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên HĐTS, Phó ban Thông tin truyền thông TƯ, Phó ban kiêm Chánh thư ký ban Hoằng pháp TƯ, Tổng Biên tập Kênh Thông tin Tổng hợp – Kênh Truyền hình Phật Sự Online TV, đã có buổi chia sẻ chủ đề “Hoằng pháp trong thời đại Phát triển” cho chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì tham dự trong Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh Giáo hội năm 2019 do Ban Trị sự tỉnh tổ chức.
Mở đầu, Thượng tọa chia sẻ nền văn minh hiện đại của nhân loại hiện nay thông qua 04 cuộc cách mạng công nghiệp đã đem đến. Có thể nói, thế giới giờ đây là phẳng, chỉ trong vòng vài thao tác nhỏ trên computer có kết nối internet, hay chiếc điện thoại thông minh là ta có thể biết được cả thế giới này một cách rõ ràng và nhanh nhất. Nhân loại đã ứng dụng một cách triệt để nền khoa học công nghệ vào đời sống tạo nên những kết quả ngoài sức tưởng tượng, đột phá về tư duy, cải cách trong lao động. Thượng tọa giới thiệu về 4 giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp:
– Cách mạng công nghiệp đầu tiên xảy ra vào thế kỷ 18 với sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.
- Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra đầu thế kỷ 19, ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt.
- Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
- Cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Nhờ sự ứng dụng linh hoạt từ các cuộc công nghiệp khoa học, đời sống sinh hoạt của nhân loại được tiện lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết như: bộ điều khiển từ xa, trí tuệ nhân tạo robot, thiết bị nghe nhìn, cơ giới hóa Công-Nông nghiệp vv… Chất lượng công việc được nâng cao, đời sống phát triển. đặc biệt, sự bùng nổ của nhiều phương tiện truyền thông như: Internet, thư điện tử, các mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo, Youtube,… và các công cụ tìm kiếm như: Google, Yahoo…làm cho thế thu gọn trong tầm tay và mọi thông tin đến với nhau một cách nhanh chóng, tiện lợi. Tất cả những điều này cùng tạo nên một thời đại của công nghệ số trên lãnh vực truyền thông đại chúng tự do ngôn luận.
Thượng tọa nhấn mạnh, đây cũng chính là một cơ hội tốt nếu người con Phật biết nỗ lực ứng dụng công nghệ để thực hiện nhiệm vụ Hoằng pháp lợi sanh thì sẽ mang đến sự tích cực về cái thiện, tinh thần Từ bi-Trí tuệ, vị tha cho xã hội đất nước và nhân loại. Đó cũng chính là cách chúng ta thực hiện lời Phật dạy một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. “Thời đại công dân mạng, truyền thông số, ai ai cũng có thể làm truyền thông. Nhưng để truyền thông có hiệu quả, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, và hơn ai hết cần một sự liên kết thực sự hiệu quả, có tổ chức bài bản, chuyên nghiệp mới là điều mà cộng đồng Phật tử mong chờ”. Do vậy, Đại hội Phật giáo toàn Quốc nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã đưa ra chương trình phương hướng hoạt động Phật sự tại điểm 8 là “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng Pháp”.
Phật giáo phát triển, Thông tin-Truyền thông và Hoằng pháp được phát triển số hóa, thế hệ trẻ là những nhân tố tiềm năng, sử dụng thành thạo công nghệ, internet… Các hoạt động Phật giáo như sinh hoạt gia đình Phật tử, các khóa tu mùa hè, các khóa học và tập huấn về giá trị sống (life values) theo tư tưởng đạo đức Phật giáo chuyên biệt cho sinh viên, giới trí thức, người lao động trẻ đã và đang có giá trị tích cực, thúc đẩy xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ đồng thời góp phần làm cho Phật giáo phát triển ngày thêm phát dương quang đại.
Khá đông tu sĩ có khả năng thuyết giảng và tự nguyện làm truyền thông để truyền bá chánh pháp bằng biện pháp tự vận động kinh phí để phục vụ cho công tác truyền thông Phật giáo. Những người Phật tử sử dụng mạng xã hội làm truyền thông đều cùng có một tấm lòng thiện lành là muốn truyền bá lời Phật dạy và làm công tác xã hội – từ thiện nhân đạo vì lợi ích cho xã hội và cộng đồng.
Tuy nhiên, Bên cạnh sự phát triển thuận lợi, thì mạng xã hội đang bị một bộ phận nhỏ cố ý lạm dụng một cách tiêu cực nhằm khai thác mặt trái của các thông tin để câu view (câu lượt xem) thực hiện ý đồ riêng. Từ đó, đã dẫn đến việc mất an ninh trật tự chung, an toàn riêng đối với thanh, thiếu niên khi tham gia mạng xã hội, Internet đồng thời cũng ảnh hưởng đến niềm tin và uy tín của Phật giáo.
Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người mỗi Phật tử, Tăng, Ni chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội để tất cả cùng sống tốt, sống thiện. Hiện nay, có rất nhiều vấn đề trong xã hội: tham nhũng, tư duy tiêu cực, lợi ích nhóm, vô trách nhiệm, giành giật, tệ nạn… Dân tộc đang rất cần sự bình an, rất cần đến Từ, Bi, Hỷ, Xả. Không ai khác ngoài chúng ta có thể làm được điều này. Không đạo nào khác ngoài đạo Phật có thể giải quyết được những vấn đề này. Chư Tăng, chư Ni cần tăng cường khai thác sức mạnh của mạng xã hội để hướng tới giới trẻ, giúp họ hiểu hơn về đạo Phật, về Phật giáo tại Việt Nam và về những người con Phật xung quanh họ. Từ đó, thu hút giới trẻ đến với Phật giáo chính thống, hướng tới tinh tấn tu tập, tu Thân, tu Khẩu, tu Ý nhằm xây dựng một đời sống an lạc, bền vững.
Chư Tôn đức Tăng, Ni, tín đồ Phật tử sử dụng điện thoại thông minh và thiết bị nghe nhìn có ứng dụng mạng xã hội và có ý thức tự nguyện tuyên truyền hình ảnh hoạt động Phật sự, công tác Xã hội – Từ thiện nhân đạo của Tăng, Ni, Phật tử và tổ chức Giáo hội các cấp. Nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ, vô ngã vị tha, hòa bình, hòa hợp của đạo Phật trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước. Thông qua group Zalo Phật sự Online của mỗi tỉnh thành, chúng ta xem và chia sẻ tin tức đến Phật giáo đến với cộng đồng xã hội qua zalo, Facebook youtube… bằng việc làm nhỏ này chúng ta cũng đang là những người làm truyền thông một cách tích cực.
Thượng tọa chia sẻ thêm về ứng dụng điện toán đám mây (cloud computing) trong công tác lưu trữ tài liệu, Văn phòng di động. Nhằm tiện lợi cho công tác hành chánh Giáo hội, ở bất kỳ đâu chỉ cần có kết nối mạng là tất cả các văn bản, công việc đều được xử lý tiện lợi, nhanh gọn.
Tiếp đến, Thượng tọa chia sẻ về sự tiện ích của thẻ thông minh ứng dụng mã QR code trong công tác quản lý danh bộ Tăng Ni, hệ thống hóa tài liệu, văn bản Giáo hội bằng cơ sở Dữ liệu số. Tất cả văn bản, Hiến chương, Nội quy, Nghị quyết vv… của Giáo hội đều được cập nhật để giúp cho công tác tra cứu, trích lục và sử dụng trong các công việc cần thiết.
Sau cùng, Thượng tọa giảng sư gửi lời tri ân đến lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre đã tạo cơ duyên để Thượng tọa tiếp tục trở lại đây chia sẻ đến toàn thể Tăng Ni trụ trì trong toàn tỉnh lần thứ 2. Thay mặt Ban Tổ chức ĐĐ. Thích Pháp Thông, UV BTS, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh, gửi lời tri lời tri ân sâu sắc đến Thượng tọa giảng sư. Buổi chia sẻ pháp thoại khép lại trong những tràng vỗ tay giòn giã của cả hội chúng.
Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Bến Tre