05/08/2024 09:53

Chữ "Hiếu" dưới lăng kính kết nối truyền thông

Vì sao phải hiểu nhau?

Chúng ta nghĩ gì khi một bà mẹ chỉ có duy nhất một đứa con, đang là quan chức có vai vế trong xã hội, vẫn không thể sống chung với gia đình nó mà phải trở về tá túc bên gia đình chồng dù ông ấy đã qua đời từ lâu? Trong một năm họ chỉ nói chuyện hay gặp nhau vài lần dù chúng ta giờ đây có thể kết nối qua vô số phương tiện từ điện thoại, đến zalo, messenger…

 

Trong tác phẩm “Vàng trên biển đá đen” (1) của Elena Pucillo Truong, nhà văn Ý sống và viết truyện ngắn ở Việt Nam, chúng ta thấy có một câu chuyện buồn trong đó nói về thân phận các bậc cha mẹ. Một bà lão bị cô con dâu tiếm quyền, đối diện sự ruồng rẫy ngay trong chính ngôi nhà của mình.

 

Bà cô đơn và bất lực. “Bị giam hãm giữa bốn bức tường, tôi như chết từng ngày, lặng lẽ ngồi cô đơn trên thành giường mà chẳng có căn phòng riêng nào để trú ẩn. Những tiếng động bên kia bức tường là của những người xa lạ, của những người hàng xóm không quen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của tôi…”.

 

Ở một đoạn khác “… sự khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại giữa những chồng gạch xây cao, như con chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chấn song để tìm tự do” (truyện Con chim nhỏ trong lồng).

 

Ngày nọ, bà thấy mình “… chẳng còn gì khác, đứa con dâu đã vứt bỏ tất cả những gì còn lại trong căn nhà, quần áo, vật dụng, cuộc đời… và sự phiền hà duy nhất mà tôi mang lại cho đứa con dâu chỉ là một bát cơm… nhưng tôi cũng chẳng còn muốn nuốt”. Cuối cùng, bà đã chọn cho mình một lối thoát: lao mình ra ngoài cửa sổ tìm chút tự do cho riêng mình! “… trên môi tôi vẫn nở một nụ cười” .

Một câu chuyện buồn nhưng rất tiếc không phải là cá biệt vì chúng tôi biết các bạn có nhiều chuyện kể hay hơn. Tình cờ trên mạng thấy đăng một bài viết theo dạng sưu tầm về “Bài thi tuyển dụng kỳ lạ”. Chuyện kể rằng: Một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin dự tuyển vào vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh vượt qua các vòng đầu tiên và đến vòng cuối cùng, đích thân giám đốc phỏng vấn anh để đưa ra quyết định tuyển dụng. Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Từ trường trung học cho đến khi vào đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào chàng trai này không đạt danh hiệu xuất sắc.

 

Vị giám đốc hỏi:
“Trong bốn năm đại học, anh có đi làm thêm không?”. “Dạ không, thưa ông”, chàng trai trả lời.
“Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”.
“Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi, vì vậy toàn bộ tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
“Mẹ anh đang làm công việc gì?”.
“Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta”.
Vị giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp và mềm mại. Ông hỏi:

“Anh đã bao giờ giúp đỡ mẹ trong việc giặt quần áo chưa?”.

“Chưa bao giờ”, chàng trai thẳng thắn đáp. “Tôi cần tập trung học cho thật tốt. Hơn nữa, mẹ tôi giặt thì nhanh hơn tôi chứ”.

Nghe vậy, vị giám đốc nói:

“Tôi có một yêu cầu nhỏ. Hôm nay về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi”.

 

Chàng trai trẻ cảm giác cơ hội trúng tuyển của mình rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và đề nghị rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai nhưng vẫn đưa hai tay ra cho con rửa.

 

Chàng trai chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của anh rơi xuống khi anh rửa tay cho mẹ. Lần đầu tiên, anh nhận ra đôi bàn tay của mẹ không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước.

 

Đó cũng là lần đầu tiên chàng trai nhận ra chính đôi bàn tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để có thể trang trải tiền học phí cho anh. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá cho những bảng điểm xuất sắc của anh.

 

Sau khi rửa sạch đôi bàn tay mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, mẹ con anh đã trò chuyện với nhau rất lâu.

 

Sáng hôm sau, chàng trai quay lại công ty.
Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc hỏi:
“Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được gì trong ngày hôm qua không?”.
“Tôi đã rửa tay cho mẹ và cũng giặt nốt chỗ quần áo còn lại”.
“Cảm giác của anh như thế nào?”, vị giám đốc hỏi. Chàng trai trả lời trong nước mắt:
“Thứ nhất, tôi hiểu rằng nhờ có mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay. Thứ hai, tôi hiểu kiếm tiền vất vả thế nào. Và thứ ba, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình”.

Vị giám đốc nói: “Đó cũng chính là điều tôi cần tìm ở một quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên biết ơn khi được người khác giúp đỡ, thấu hiểu công sức lao động của người khác và không xem tiền bạc là mục đích sống duy nhất. Anh đã hiểu được những điều đó, vì vậy chào mừng anh gia nhập công ty chúng tôi”.

 

Nhưng câu chuyện ấy phải chăng có thật hay hư cấu? Chúng ta tin rằng ngoài đời còn nhiều câu chuyện “hay” hơn thế! Nhưng mặt khác, lại vẫn có những đứa con lạnh lùng với cha mẹ mình, cá biệt, có đứa đuổi cha mẹ ra khỏi nhà hay đưa cha mẹ vào trại nuôi người già sau khi họ ký xong giấy tờ nhà, chuyển quyền sở hữu… hoặc làm nhiều hành động táng tận lương tâm khác như đánh đập cha, ông mình vì phân chia tài sản không theo ý chúng. Tại sao như thế? Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “Hiểu được đau khổ của chính mình là hiểu được đau khổ của cha mẹ tổ tiên… Chúng ta là những người thừa kế đau khổ của họ”.

Ngay cả khi trong một gia đình nề nếp, gia giáo những tưởng mọi thứ diễn ra rất “quy cách” thì vẫn có những cách dạy dỗ chưa thực sự phù hợp. Vì thế, những gia đình vất vả đông con, hoặc những người kinh doanh tối ngày không có điều kiện gần gũi con cái, thì việc chúng được sống “tự do” và phát triển theo một cách hoàn toàn bản năng là điều có thể hiểu được.

 

Bên cạnh đó, với sự khắt khe quá mức, hoặc từ những cơn nóng giận không kiềm chế được, nhiều ông bố-bà mẹ đã có những hành động với con cái mình lúc chúng còn bé một cách quá thô bạo dẫn đến tổn thương trầm trọng tâm hồn đứa trẻ. Cộng đồng mạng đã từng chứng kiến và thể hiện sự phẫn nộ với câu chuyện một đứa trẻ bị bố mẹ lột truồng trói ở hè phố vì mắc lỗi, một bé gái bị mẹ đẩy ngã, đánh chửi và để lại siêu thị không cho về nhà chỉ vì nó vô tình làm mất gói kẹo… hay rất nhiều trường hợp con đi chơi game bị bố mẹ đến tận nơi đánh chửi, thậm chí còn làm nhục con trước mọi người với mục đích cho nó xấu hổ sẽ chừa… Hoặc cha mẹ vì mê thành tích mà ép con học đến “phờ phạc”, theo những ngành trái với ý nguyện của chúng. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã mang trong mình một cá tính riêng, phần còn lại, phụ thuộc vào chính môi trường sống của chúng. Tốt hay xấu chỉ một phần do tính cách, còn lại là sự giáo dục của gia đình và nhà trường.

 

Quay trở lại những ví dụ đã dẫn chứng ở trên về cách cha mẹ “phạt” con cái một cách thô bạo, những trận đòn thù ấy đã vô tình gây nên tổn thương cho đứa trẻ. Nó sẽ mãi mãi không bao giờ quên khoảnh khắc “ô nhục” đó, sẽ hằn sâu trong tâm trí và trở thành nỗi hận thù có thể kéo dài suốt đời. Tôi biết lý do vì sao đứa con duy nhất không cho mẹ ở cùng, biện giải rằng vợ nó không muốn, trong thâm tâm nó vẫn “thù” mẹ nó vì ganh tỵ khi thấy mẹ thương đứa em (dù tật nguyền) nhiều hơn lúc còn nhỏ, dù đứa em đã qua đời.

 

Hạnh lắng nghe

Đau khổ do cha mẹ gây nên lúc ta còn nhỏ có lẽ là những đau khổ sâu kín nhất. Chúng ta có thể thù ghét cha mẹ và nghĩ rằng không thể hàn gắn với cha mẹ khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng: “Tuy nhiên với thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và thực tập nhìn sâu , chúng ta có thể chuyển hóa và phục hồi truyền thông ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất trong gia đình. Truyền thông với tâm thương yêu là một phương pháp vô cùng hữu hiệu để thiết lập thông cảm và mở lối thay đổi” (2).

Muốn truyền thông hiệu quả, bước đầu tiên là ta phải “biết lắng nghe”. Chúng ta biết nhiều bệnh viện tâm thần hiện nay có những chuyên viên đến chỉ để nghe bệnh nhân trút “bầu tâm sự” mà chưa cần tương tác ngay. Họ tin rằng “Phương pháp này giúp cho rất nhiều bệnh nhân xả bỏ được những uất ức tùy miên ngủ ngầm trong tâm họ bấy lâu mà không cần uống một viên thuốc nào! Pháp lắng nghe giúp con người mở mang tầm hiểu biết của chính mình về những thông tin từ mọi phía, nó giúp ta có sự bình tĩnh trong việc xử thế, nó là nền tảng đầu tiên giúp ta nhận định được đâu là chánh đâu là tà. Việc lắng nghe quan trọng như vậy nên trong nhà Phật từ lâu đã nâng nó lên thành một pháp tu gọi là tu hạnh Lắng nghe.

 

Lắng nghe trong nhà Phật là pháp môn tu đặc biệt mà Đức Quán Thế Âm đã áp dụng. Đó là phương pháp “phản văn văn tự tánh” tức là không vướng mắc chạy theo âm thanh bên ngoài, mà quay ngược lại nghe tự tánh của mình. Nghe tự tánh là nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh. Đạt đến mức độ nghe này thuật ngữ trong nhà Phật gọi là “Nhĩ căn Viên thông”. Trong cái tịch tịnh yên lặng mà như sấm sét đó tất cả lậu hoặc tiêu tan, phiền não rơi rụng, tuệ giác bừng sáng, thực tại phơi bày. Cái nghe vượt ra ngoài không gian, thời gian, không còn gì ngăn ngại, trên thì hợp với bản giác diệu tâm mười phương chư Phật, dưới cảm thông lòng cầu mong được cứu độ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi”.

 

Theo Krisnamurti, có sáu điều kiện nghe: Nghe trong tĩnh lặng; nghe không qua mạng che; nghe vượt qua ngôn từ; nghe không tư tưởng; nghe tạo nên tự do; và nghe không cố gắng.

Ông nói về việc nghe không qua mạng che: “Bạn nghe cách nào đây? Phải chăng bạn nghe thông qua chính những dự phóng tham lam, dục vọng, sợ hãi, âu lo của mình, phải chăng bạn chỉ nghe điều bạn muốn nghe, điều làm bạn hài lòng, thỏa dạ, thấy dễ chịu, tạm thời xoa dịu khổ đau?… Nếu bạn chỉ nghe theo dục vọng của mình, rõ ràng bạn chỉ nghe theo tiếng nói của bạn, bạn chỉ nghe theo tiếng nói dục vọng của mình…”. Hay nghe vượt qua ngôn từ, không tư tưởng là “Khi bạn nhìn một đóa hoa, hãy cứ nhìn, đừng gọi tên, đừng phân loại, đừng bảo nó thuộc loài nào, giống nào – làm thế là bạn không còn nhìn hoa nữa. Vì vậy, tôi mới nói, nghe là vụ việc khó khăn bậc nhất, nghe người cộng sản, đảng viên xã hội, vị dân biểu, nhà tư bản, bất kỳ người nào, vợ bạn, con bạn, người hàng xóm, người lái xe buýt, tiếng chim – chỉ nghe một cách đơn giản thôi – chỉ khi bạn nghe mà không kèm theo ý tưởng, tư tưởng, niệm tưởng, bạn mới tiếp cận trực tiếp và có tiếp cận bạn mới hiểu điều người ấy nói là thực hay giả, đúng hay sai, bạn không cần phải thảo luận”.

 

Chúng ta phải tập tánh nghe từ ngay trong chính mình. Tóm lại, xã hội chúng ta đang không biết lắng nghe. Chúng ta phóng tâm theo những chuyện bên ngoài nhiều quá, không lắng nghe quanh mình còn bao nhiêu tiếng thở than, bao nhiêu nỗi băn khoăn, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu trăn trở. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta về nhà hỏi han cha mẹ một lời, nghe các cụ tâm sự về nỗi đời riêng cần chia sẻ. Phần đông chúng ta sống thờ ơ, hững hờ. Còn đó những bức xúc không được giãi bày, giải quyết, những buồn phiền chất chồng, để rồi đưa đến những cái chết vì tự tử do bế tắc, không thấy sự chia sẻ, đánh mất niềm tin vào công lý hay thiện tâm của con người khi không tìm ra lối thoát.

 

Hạnh lắng nghe là phương pháp tu quan trọng có khả năng trị liệu và chuyển hóa. Chuyển hóa nhận thức của người và chuyển hóa tâm thức của chính chúng ta. Lắng nghe là nhịp cầu thông cảm giúp người tu định tĩnh, sáng suốt, tâm từ tâm bi rộng mở, trí huệ phát sinh, sẵn sàng lắng nghe, san sẻ nỗi khổ niềm đau để cùng mọi người vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời.

 

“Im lặng để nghe. Lắng nghe để hiểu. Có hiểu mới có thương. Hiểu là trí tuệ. Còn thương là lòng từ bi. Trí tuệ và từ bi là hai vị hộ pháp trái và phải, đồng hỗ trợ việc thực hành Bồ-tát đạo là “hạnh lắng nghe” của hành giả từ lúc khởi đầu đến nơi thành tựu một cách hoàn hảo”.

 

Kết nối truyền thông bằng ái ngữ và tâm thương yêu Khi còn bé, con cái hay trách cha mẹ là không lắng nghe mình, độc tài, gia trưởng, muốn các con phải chiều theo ý mình, hạn chế tự do của chúng. Nhưng rồi khi lớn lên, con cái có bao nhiêu đứa chịu khó lắng nghe cha mẹ, để hiểu tâm tư họ, liệu có ai đi làm về ngồi lại, dành ít phút tâm sự với cha mẹ, hay chỉ lo công việc sự vụ, và lo cho gia đình nhỏ của mình? Nuôi cha mẹ không phải chỉ cho họ ăn họ mặc là đủ. Họ rất cô đơn, lại mang mặc cảm bất lực, bệnh hoạn, già yếu, như người thừa trong gia đình khiến họ sợ làm khổ con cháu…

 

Trong bài viết năm ngoái, chúng tôi đã đề cập đến chữ hiếu – chính là lòng từ bi. Khi chúng ta yêu thương, lân mẫn hoàn cảnh ai đó, tình yêu thương đòi hỏi phải có sự cảm thông hai chiều, gọi là tương thông, tương dung, nghĩa là cùng nhau chia sẻ và nâng cao tâm hồn nhau lên. Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “Không chỉ người trẻ, mà ngay cả người lớn cũng phải biết “lắng nghe”, “nhìn lại”.

 

Cuộc sống hôm nay, người ta quá bận rộn, không có thời gian để nhìn nhận đúng sai mọi việc. Tu thiền giúp con người ta nhìn sâu, nghe rõ, hiểu biết mọi việc, để chấp nhận, tha thứ và nuôi dưỡng yêu thương. Bố mẹ hiểu con không đúng, thì sẽ làm khổ con cái, làm người trẻ mất phương hướng… Vì thế, bố mẹ cũng phải “nhìn lại” mình, biết “lắng nghe” để hiểu sâu con cái, có như thế mới tạo nên hạnh phúc gia đình, mới có sự yên bình trong cuộc sống”.

 

Thiền sư nói thêm “Nếu anh chờ khi những người thân qua đời thì là quá trễ để có thể xin họ chia sẻ tâm tình với anh. Một em bé dù lớn dù nhỏ ngồi lại với cha mẹ và hỏi han cha mẹ về những kinh nghiệm, khổ đau, hạnh phúc của cha mẹ là một điều hay. Hãy chỉ ngồi và lắng nghe với hơi thở chánh niệm, đồng thời lắng nghe mình, chúng ta sẽ phát triển khả năng nghe sâu nhìn rõ và ta có thể có nhiều cơ hội truyền thông tốt đẹp hơn với cha mẹ và những người ta thương”.

 

Khi chúng ta thấy một người đau khổ, chúng ta sẽ khởi lòng từ bi. Chúng ta muốn giúp người ấy bớt khổ, thì chúng ta phải lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ có thể giúp chuyển đổi tâm thức người ấy. Không chỉ ngồi bên cha mẹ hay người thân, phải tìm ra những tuệ giác để có những hành động tích cực nhằm cải thiện tình trạng. Lắng nghe với tâm thương yêu chỉ là khởi đầu của quá trình tương tức, tương dung và tương trợ. Thực hành hạnh Hiếu là nhằm kết nối tương thông với cha mẹ và cả với những người xung quanh, anh chị em tạo nên một cộng đồng hiếu hạnh trong đó “Truyền thông với tính chất nuôi dưỡng và chữa trị là thức ăn cho việc duy trì các mối quan hệ”.

 

Trong tinh thần ấy, hãy mở lòng trước một mùa Vu lan đang đến.

Nguyên Cẩn/Tạp chí VHPG số 351

 

Ghi chú:

1. Nguyên tác tiếng Ý L’ORO TRA LE PIETRE NERE; Trương Văn Dân chuyển ngữ; Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2018.

2. Thích Nhất Hạnh; The Art of Communicating; Chân Đạt chuyển ngữ; Nxb Thế Giới, 2018.

3 . Thích Nữ Hằng Như ; Tu hạnh lắng nghe, https: //thuvienhoasen.org/a34320/tu-hanh-lang-nghe.

4. Krisnamurti; Sống thiền 365 ngày; Đào Hữu Nghĩa chuyển ngữ; Nxb Thời Đại, 2010.

5. Pháp thoại với Thiền sư Nhất Hạnh ở chùa Bằng – Hà Nội, đầu tháng 5.2008. Báo Lao Động.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online