Có lẽ trong cuôc sống chúng ta ai cũng có nhiều công việc để lo toan, nên thường là tâm sẽ không được bình an, hết băn khoăn lo lắng từ bản thân, đến gia đình, học đường, người yêu, công việc, đất nước… kèm theo là các cảm súc buồn, cô đơn, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, thù hận… Chính vì vậy mà chúng ta được một chút thảnh thơi, bình an là điều vô cùng quý và càng ngày phút giây thảnh thơi, bình an càng khó tìm.
Chiều ngày 23/2/2024, tại chánh điện Thiền viện Phước Sơn ( phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trang nghiêm diễn ra lễ khai mạc khóa tu học thiền vipassana Tết thượng nguyên dành cho các thiền sinh là những học sinh, sinh viên và công nhân đang lao động học tập tại tỉnh Đồng Nai, đến dự và giảng pháp trong buổi lễ có Hòa thượng Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Trường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trụ trì thiền viện Phước Sơn, trưởng ban tổ chức, cùng dự có 250 thiền sinh tham dự khóa tu học thiền vipassana trong 3 ngày từ 23 – 25 /2/2024.
Chia sẻ trong buổi khai mạc, Hòa thượng Bửu Chánh – cho biết: “Nuôi dưỡng ý chí tu học và hành thiền vipassana là điều rất quan trọng trên con đường tu học của người con Phật, tất cả chúng ta đến thiền viện trong khóa thiền đầu năm mới này là để tìm về với chính mình, về với sự thảnh thơi và bình an, với tâm kiên định chánh niệm tỉnh giác không bị chi phối bởi các ô nhiễm xung quanh, người có tâm đó chính là người sống tỉnh thức với chính cuộc đời của mình, nhận diện ra sự luân hồi mà tìm sự giải thoát trong thiền”
“Chúng ta có thể tìm thấy trong Phật giáo rất nhiều phương pháp thiền định. Các phương pháp ấy gồm có sự lý luận phân giải, tập trung phi khái niệm vào một vật thể duy nhất, lắng thật sâu vào nội tâm. Các đối tượng của thiền định có thể là hiện tượng vô thường, tính vô ngã, sự khổ đau, tình thương yêu, lòng từ bi và nhiều chủ đề khác nữa. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một chánh niệm tỉnh giác và tìm cầu giải thoát chỉ có ở nơi chính mình, không có ở bất cứ nơi đâu, nên chúng ta hãy dừng ngay lập tức sự tìm kiếm hoàn hảo để trở về với chính mình và bắt đầu an trú và tìm sự an lạc nơi chính mình”
Phân ban TTTT Phật giáo Nam tông Kinh T.Ư GHPGVN.