Chánh niệm thường được định nghĩa là tưởng niệm chơn chánh, hay ghi nhớ những điều chơn thật, những đạo lý cao siêu, những điều có lợi ích thiết thực cho mình và người. Chánh niệm là nhớ đến những lỗi lầm của mình để sám hối, suy niệm về bốn trọng ân để đáp đền, nhớ đến giới pháp đã thọ để huân tu, quán xét để thấy cuộc đời là biển khổ mà khởi lòng thương và ra tay cứu độ. Ðây là một pháp môn tu tập rất nhiệm mầu, là ý thức sáng tỏ về sự sống của chính bản thân mình, qua đó thanh lọc những ý niệm xấu ác, chấm dứt những dong duổi của tâm ý về quá khứ và tương lai, mà ý thức ngay trong giờ phút hiện tại.
Tối ngày 22/11/2024, tại Thiền đường ViSaKha – Thiền viện Phước Sơn (số 358, đường Bắc Sơn – Long Thành, phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã trang nghiêm diễn ra khóa thiền dành cho giới trẻ với chủ đề: “Chánh niệm – Tỉnh giác giữa sóng gió cuộc đời” chủ trì buổi lễ do Đại đức Phước Toàn - Uỷ viên Thường Trực, Phó Văn Phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Tp Biên Hoà và hơn 160 thiền sinh đồng tham dự.
Phát biểu trong phiên khai mạc khóa thiền, Đại đức Phước Toàn, cho biết: Chánh niệm là tâm trọn vẹn với đối tượng thực tại, trong khi tỉnh giác thấy biết đối tượng ấy một cách trung thực và trong sáng. Như một tấm gương, hướng vào đối tượng đủ vững vàng và trọn vẹn, thì lập tức phản ánh rõ ràng trung thực đối tượng ấy. Tấm gương quay qua hướng khác ví như thất niệm, tấm gương bị rung động ví như tạp niệm, và mặt gương không bằng phẳng ví như vọng niệm, thì không thể soi thấy vật gì rõ ràng trung thực được. Cũng vậy, tâm thiếu chánh niệm sẽ không có tỉnh giác để soi chiếu đối tượng đúng với thực tánh của nó.
Tỉnh giác là phẩm chất của tánh biết rỗng lặng trong sáng, nó có khả năng thấy được hoạt động của ý thức – thấy được sự sinh diệt của tâm ý thức đó. Chính vì thế mà Đức Phật dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ là có thể tỉnh giác trên thực tại thân, thọ, tâm và pháp mà không nương tựa, không dính mắc vào pháp nào.
Do cuộc sống luôn chứa đầy bất mãn khi chúng ta không biết hài lòng, luôn than phiền không thỏa mãn, không hạnh phúc, không đủ đầy vì chưa bao giờ thực sự cảm nhận sự hiện diện những thứ mình có. Lần cuối cùng chúng ta ăn một món ăn bằng mọi giác quan là khi nào? Chúng ta có thực sự ngửi thật kỹ, nhai thật chậm, nếm món ăn từ từ để hương vị hòa quyện trong miệng?
Chúng ta có thể sống chánh niệm trong mọi hoàn cảnh cuộc sống: Ăn chánh niệm, học chánh niệm, uống cà phê chánh niệm và kể cả yêu chánh niệm. Mọi thứ vẻ đẹp của cuộc sống chỉ có thể cảm nhận khi chúng ta tương tác bằng mọi giác quan.
Thực ra việc tu hành trong đạo Phật có nhiều pháp môn, nhưng chỉ riêng môn Chánh niệm – Tỉnh giác, nếu được tu tập một cách thuần thục viên mãn thì cũng hóa giải được những căn bản phiền não, những triền phược khổ đau và đem lại sự an lạc hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại. Vậy Chánh niệm là gì? Chúng ta phải áp dụng trong đời sống tu tập ra sao? Tại sao chúng ta phải Chánh niệm tỉnh giác? Phật tử phải làm gì để nuôi dưỡng và duy trì Chánh niệm?
Được biết, khóa thiền vipassana “Chánh niệm – Tỉnh giác giữa song gió cuộc đời” do Đại đức Phước Toàn trực tiếp hướng dẫn sẽ diễn ra từ ngày 22/11 đến 24/11/2024, các thiền sinh tham dự sẽ không được dùng điện thoại trong suốt khóa thiền, các sinh hoạt ăn và nghĩ hoàn toàn miễn phí.
Ban TT.TT Phật giáo Đồng Nai