Ngày nay, thiền không còn xa lạ đối với nhiều người ở các đô thị lớn Việt Nam. Nhiều sinh viên, kể cả giảng viên, duy trì thực tập thiền mỗi ngày để thu nạp năng lượng tích cực nhằm có thể tiếp nhận, phát triển tri thức một cách chủ động và toàn vẹn, đồng thời làm chủ thân tâm tạo ra niềm an lạc mỗi ngày. Nhiều sinh viên thực hành thiền mà tôi có duyên tiếp xúc, trải lòng rằng thiền đã mang đến những đổi thay tích cực trong tâm lý của họ. Từ đó, tôi nghĩ thiền rất cần cho các sinh viên hiện đối mặt với nhiều áp lực trong học tập, va chạm với nhiều cú sốc trong cuộc sống (tình yêu, công việc làm thêm, quan hệ bạn bè…), những lo toan về việc làm sau khi tốt nghiệp. Thiền như một liệu pháp giúp họ an trú trong chánh niệm mỗi khi phải đối mặt với nhiều áp lực của xã hội cũng như những trắc trở của cuộc đời.
Hiểu một cách đơn giản, thiền là biện pháp hữu hiệu giúp người thực hành tự thanh lọc các nhiễm ô và thăng hoa tâm ý của họ. Điều đó sẽ đem lại sự thanh tịnh, định tĩnh và an lạc, làm chủ cảm xúc lẫn hành vi. Đây còn được xem là nền tảng quan trọng giúp phát triển tuệ giác, đem lại sự hiểu biết chân tự nhiên và xã về thiền như thế nhiều sinh viên sẻ, bởi nó như là hỗ trợ tâm lý thật về qui luật hội. Cách hiểu này được phần quan tâm, chia liệu pháp giúp cho con người.
Trong các lớp học môn Tâm lý học tôn giáo do tôi phụ trách tại trường đại học, khi giảng đến thiền, đồng thời nhấn mạnh đến những ý nghĩa của nó, nhiều sinh viên quan tâm đã đặt các câu hỏi thảo luận, gợi mở nhiều điều thú vị nhằm đưa thiền gắn với trị liệu tâm lý, hữu ích trong việc xây dựng nhân cách con người. Ngoài ra, một số sinh viên cho rằng sự hiểu biết về thiền giúp vận dụng vào việc tham vấn, trị liệu cho thân chủ họ sau này.
Trong chương trình học, lớp đi thực tế của chúng tôi nghe một số vị Sư giảng sâu về thiền, mối quan hệ giữa thiền với tâm thức, hành vi con người. Nhiều lần, chúng tôi đến Thiền viện Viên Không Ni và đắm mình trong không gian thiên nhiên tươi tắn, yên tịnh với màu xanh cây cỏ, được nghe Sư cô Liễu Pháp – Phó khoa Anh văn Phật pháp (Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh) trình bày về thiền mạch lạc, khúc chiết nên dễ hiểu, dễ nắm bắt. Như vậy, thiền đến với chúng tôi một cách bình dị mà sâu lắng dưới cảnh sắc cô tịch của núi rừng Viên Không
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, thiền bắt đầu được các trường đại học, công sở tiếp nhận vì những ích lợi của nó đối với tâm trạng, cảm xúc và trí tuệ con người. Ở Anh, năm 2019, môn học Chánh niệm được đưa vào giảng dạy ở 370 trường học để học sinh thực tập mỗi ngày. Đây có thể xem là cách để cải thiện sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên thông qua việc điều tiết hơi thở và các phương pháp điều chỉnh cảm xúc. Thanh thiếu niên không chỉ ở Anh mà còn nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần, gia tăng tính bạo lực và hung hãn… do tác động của gia đình và xã hội mang lại.
Riêng tại Việt Nam, qua tìm hiểu của cá nhân, thiền bước vào giảng đường một số trường đại học, tuy không nhiều, nhưng đã tạo ra những ích lợi thiết thực cho giảng viên và sinh viên. Tại thành phố Hồ Chí Minh, những buổi nói chuyện về thiền hoặc dưới tên gọi “chánh niệm” đã thu hút nhiều giảng viên, sinh viên các Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham gia.
Nhà sư Minh Niệm nhiều lần đến hai trường đại học này chia sẻ về cách thực tập chánh niệm cho những ai quan tâm và thu hút sự lắng nghe, học hỏi từ người tham dự. Ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo-Đạo đức nhiều lần tổ chức các lớp nói chuyện về lợi ích của thiền đối với sức khỏe cho giảng viên, sinh viên. Diễn giả là một vị Ni sư nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn thiền tập cho sinh viên, công chức. Vào tháng 8/2019, một lớp học về thiền thu hút hơn 30 cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia.
Họ quan tâm, chú ý đến những kỹ thuật cơ bản của thiền tập nhằm giúp ổn định sức khỏe tinh thần, hướng đến sự an lạc, xoa dịu những căng thẳng do áp lực trong việc giảng dạy, nghiên cứu mang đến. Sau khóa học này, một số người tiếp tục thực tập thiền mỗi ngày và cảm nhận được những lợi ích mà thiền mang lại, nhất là sự tập trung trong công việc lẫn cải thiện sức khỏe bản thân.
Triết lý thiền và đường lối hành thiền của Phật giáo đã hồi ứng tích cực nhu cầu thực tập thiền cho cộng đồng xã hội, nhất là giới trí thức và sinh viên, ở khu vực đô thị vốn ồn ào, nhiều căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều ngôi chùa tổ chức các khóa học về thiền, xây dựng thiền đường nhằm giúp cho Phật tử, người dân, nhất là tầng lớp trí thức, sinh viên đến học và có cơ hội thực tập như chùa Xá Lợi (quận 3), chùa Giác Ngộ (quận 10), chùa Long Phước (quận Bình Thạnh), pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2),…
Một sáng cuối tuần, tôi gặp một đồng nghiệp tại sân chùa Xá Lợi, với khuôn mặt rạng rỡ tươi tắn, chị nói mỗi thứ Bảy, Chủ nhật chị đến đây ngồi thiền khoảng một giờ đồng hồ. Nhờ đó mà chị cảm thấy luôn trẻ trung, bình an, tự tại trước nhiều đổi thay của bản thân lẫn xã hội. Nhiều khóa tu dành cho sinh viên các trường đại học do chùa Long Phước tổ chức đã đưa thiền như nội dung chính, nên các bạn hăng hái đăng ký tham gia.
Tham gia với nhiều khóa tu của chùa được tổ chức ở chùa Di Đà (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), nhóm tổ chức hướng dẫn sinh viên ngồi tĩnh tọa nơi chánh điện để quán sát hơi thở ra vào, cùng nhau đi thiền hành ngoài sân chùa trong sớm mai. Không khí trong lành mát rượi, những đồi chè xanh ngắt, xa xa nghe tiếng thác đổ làm cho tâm hồn các em thư thái, có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp sau những ngày tất bật thi cử.
Dĩ nhiên, không chỉ có thiền, các em được học các kỹ năng sống, được nghe giảng những bài pháp liên quan đến tình yêu thương con người, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội lẫn tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Khóa tu chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày nhưng đã để lại nhiều bài học bổ ích.
Một sinh viên cho tôi biết nhờ vào thiền tập giữa môi trường thiên nhiên trong lành giúp em lần đầu trong đời cảm thấy được sự an yên trong tâm hồn, đón nhận một nguồn năng lượng tốt lành sau mùa thi căng thẳng. Về lại thành phố, em cho biết sẽ đăng ký học thiền ở chùa, cố gắng thực tập thiền mỗi ngày để có được những trạng thái tâm lý tích cực mà em có duyên được trải nghiệm, đồng thời loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, các thói quen không tốt.
Từ thực tế đó, tôi nghĩ cần có những nghiên cứu sâu dựa trên nguồn dữ liệu khảo sát xã hội học về những lợi ích của thiền mang đến cho tầng lớp trí thức, sinh viên để đưa ra những kết quả chính xác. Đó là cơ sở quan trọng để hướng đến việc đưa thiền đến các trường đại học một cách rộng rãi với nhiều phương thức linh hoạt, phù hợp bối cảnh và tâm lý xã hội nhóm này.
Đưa thiền đến với sinh viên là một hành trình cần sự chung tay của các nhà quản lý giáo dục, những vị tu sĩ Phật giáo có am hiểu sâu về thiền học lẫn kiến thức tâm lý xã hội cũng như tiếng nói của truyền thông. Cần khẳng định rằng thiền rất cần thiết, hữu ích cho xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng. Đây là liệu pháp quan trọng giúp họ ổn định tinh thần vượt qua mỗi khi gặp thử thách, khó khăn trong cuộc sống, biết dẹp bỏ tự ngã, đồng thời là nền tảng tạo ra những cảm xúc, suy nghĩ tích cực hướng đến hoàn thiện đạo đức bản thân trên nền tảng giá trị trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ, qua đó góp phần định hình những nhân cách tốt đẹp ở thế hệ tri thức trẻ – những tài năng tương lai của đất nước.
Dương Hoàng Lộc