Sáng ngày 15/4 tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Số 25 Tôn Đản, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội), Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trọng thể khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”.
Chứng minh và tham dự hội thảo có: HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS; HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng - đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; cùng chư Tôn đức Ban TT HĐTS, cùng chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội; đại diện các Ban, Ngành Trung ương và TP. Hà Nội; Tăng Ni, Phật tử thành viên Ban Văn hóa Trung ương cùng các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, di sản văn hoá, các nhà quản lý về tín ngưỡng tôn giáo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết, “Qua ba đợt khảo sát ở miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Đông và Tây Nam Bộ với hàng trăm ngôi chùa của tất cả các hệ phái, có thể nói, đề án kiến trúc Phật giáo nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo Tăng ni, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư,… và kết quả khảo sát đã cho thấy thực trạng kiến trúc Phật giáo còn nhiều vấn đề nan giải. Vì thế, ở hội thảo này, Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến từ chư tôn đức Tăng ni, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, di sản văn hoá, các nhà quản lý về tín ngưỡng tôn giáo, nhằm định hướng bảo tồn kiến trúc Phật giáo truyền thống và phát huy hơn nữa kiến trúc Phật giáo trong tương lai thông qua những nguyên tắc, hay có những quy chuẩn trong kiến trúc Phật giáo, vừa bảo đảm tính thống nhất của tư tưởng Phật giáo, lại vừa đảm bảo tính đa dạng hệ phái, vùng miền,…”
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc
Hội thảo khoa học: tập hợp được gần 70 bài tham luận, tập trung vào các nội dung: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay: đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng, miền; và Định hướng, giả pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam: thực trạng, định hướng, giải pháp và đề xuất, khuyến nghị đối với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà quản lý tôn giáo, di sản về tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới công trình Phật giáo hiện nay.
PGS, TS. Chu Văn Tuấn - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu đề dẫn
Hội thảo được tổ chức sẽ cung cấp tư liệu, cơ sở khoa học, thực tiễn để Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN triển khai Đề án Kiến trúc và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong các năm tiếp theo hiệu quả, khả thi. Đồng thời, giúp Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng xã hội hiểu hơn về giá trị di sản, kiến trúc Phật giáo, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, những tinh hoa của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, khắc phục những nhận thức chưa đúng, những hạn chế trong hoạt động trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới các công trình Phật giáo hiện nay; góp phần định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo tính truyền thống, tính dân tộc và tính thời đại, trong đó, cần quan tâm yếu tố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu tập của Tăng Ni, Phật tử, công chúng phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Ban THTT PSO