02/12/2018 00:38

Hà Nội: Lễ kỷ niệm 10 năm sáp nhập PG thủ đô và kỷ niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

Sáng ngày 01 tháng 12 năm 2018, nhằm ngày 25 tháng 10 năm Mậu Tuất, tại Trung tâm văn hóa Hà Nội – phường Văn Quán – quận Hà Đông – Hà Nội, BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 10 năm hợp nhất Phật giáo Thăng long với Phật giáo xứ Đoài (12/2008 – 12/2018) và kỷ niệm 710 năm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308 – 2018).

Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban thông tin truyền thông TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban giáo dục Phật giáo GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, chư tôn đức Tăng Ni lãnh đạo Phật giáo 30 quận huyện thị trong toàn thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Phúc Nguyên – Phó vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ; ông Bùi Tuấn Ngọc – Phó trưởng Ban dân vận Thành ủy; bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Tuấn Bình – Phó trưởng phòng an ninh đối nội công an thành phố Hà Nội; bà Phạm Bảo Khánh – Phó Ban tôn giáo thành phố Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và sự tham dự của đại diện Phật tử tiêu biểu từ các đạo tràng trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Mở đầu chương trình là diễn văn kỷ niệm 10 năm hợp nhất của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban tổ chức. Theo đó, từ quá trình hoạt động Phật sự của GHPGVN thành phố Hà Nội trong 10 năm qua đã rút ra được một số bài học quý báu, đó là:
Thứ nhất: GHPGVN thành phố Hà Nội phải biết trân trọng, kế thừa những giá trị tốt đẹp của hai truyền thống Phật giáo Thăng Long và Phật giáo xứ Đoài để vận dụng, phát huy vào quá trình hoạt động Phật sự trong thời đại mới; Phối hợp chặt chẽ với BTS GHPGVN các quận huyện thị, với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các cấp, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động Phật sự.
Thứ hai: GHPGVN thành phố Hà Nội phải luôn giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của mỗi cá nhân trong BTS GHPGVN các cấp. Vận dụng trí tuệ tập thể, thực hiện nguyên tắc “thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức” trong việc điều hành công tác Phật sự của Giáo hội các cấp. Đề ra chương trình hoạt động Phật sự phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn.
Thứ ba: Để hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh thì điều quan trọng tất yếu là nhân tố con người. Do vậy BTS GHPGVN các cấp cần đặc biệt coi trọng đến việc tiếp nhận người xuất gia, bổ nhiệm – kiêm nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục Phật giáo, nhằm đào tạo Tăng Ni có đủ phẩm hạnh, trình độ Phật học và thế học, đủ khả năng đảm trách các công việc Phật sự của Giáo hội.
Thứ tư: Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện phải luôn trau dồi phẩm hạnh, nâng cao nhận thức để thay mặt Giáo hội điều hành, quản lý các hoạt động Phật sự tại cơ sở tự viện theo đúng quy định của pháp luật nhà nước và quy định của Giáo hội; Tích cực thực hiện công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử nhằm làm tròn sứ mạng của “Như Lai sứ giả”, hoàn thành trách nhiệm được Giáo hội giao phó. Không làm những việc để nhân dân, Phật tử cơ hiềm, làm mất uy tín của Giáo hội.
Sau đó, Đại đức Thích Minh Đồng - Phó thư ký Phó văn phòng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã báo cáo khái quát công tác Phật sự 10 năm hợp nhất. 
Sau khi sáp nhập, GHPGVN thành phố Hà Nội có 29 đơn vị Phật giáo cấp Huyện trực thuộc. Đến năm 2014, huyện Từ Liêm được chia tách thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, GHPGVN quận Nam Từ Liêm và GHPGVN quận Bắc Từ Liêm cũng được thành lập, nâng tổng số GHPG cấp Huyện lên thành 30 đơn vị. Số lượng Tăng Ni là 2105 vị, số lượng tự viện là 1696 ngôi với nhiều danh lam cổ tự nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Sau khi hợp nhất, nhân sự BTS GHPGVN thành phố Hà Nội nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) có 90 thành viên, bao gồm 84 ủy viên chính thức, 6 ủy viên dự khuyết. Ban thường trực BTS có 26 ủy viên, do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm trưởng ban.
Sang đến nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), nhân sự BTS GHPGVN thành phố Hà Nội được tinh giảm còn 77 ủy viên. Ban thường trực BTS có 19 ủy viên do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm trưởng ban. Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), nhân sự BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội gồm 75 thành viên. Trong đó Ban thường trực BTS có 19 ủy viên, do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm làm trưởng ban.
Trong quá trình hoạt động Phật sự 10 năm qua, nhân sự BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, BTS GHPGVN các quận huyện thị trực thuộc luôn giữ gìn sự ổn định, đoàn kết hòa hợp và không ngừng được củng cố. Biết vận dụng trí tuệ tập thể, triển khai các hoạt động Phật sự trên tinh thần “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, phù hợp với thực tế của xã hội, đúng với chủ trương hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của hội đồng thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thượng Trung – Phó trưởng Ban tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã công bố quyết định khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm 10 năm hợp nhất Phật giáo thủ đô, quyết định tặng huy hiệu vì sự nghiệp xây dựng thủ đô, quyết định tặng bằng khen và kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc nhằm ghi nhận những đóng góp của tập thể và cá nhân Tăng Ni Phật giáo Thủ đô trong 10 năm qua.
 
Buổi lễ đã được đón nhận những lẵng hoa tươi thắm của chư tôn đức Giáo phẩm HĐTS GHPGVN và đại diện các cấp chính quyền chúc mừng sự kiện trọng đại này.
 
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, chúc mừng sự kiện trọng đại này của Phật giáo Hà Nội. Đồng thời, Hòa thượng đã chúc mừng những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua của Tăng Ni Phật giáo Thủ đô, “để có được những thành tích đáng khích lệ như vậy, chính là nhờ sự đoàn kết giữa quý chư tôn đức trong Ban thường trực BTS nói riêng cũng như toàn thể Tăng Ni của Phật giáo Hà Nội nói chung”. Hòa thượng mong rằng “trong thời gian tới, chư Tăng Ni Phật giáo thủ đô hãy luôn đoàn kết, kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà các bậc tiền bối của Phật giáo xứ Đoài và Phật giáo Thăng Long đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua từ khi thống nhất GHPGVN cho tới ngày nay”. 
 
Lời đạo từ của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã khép lại chương trình kỷ niệm 10 năm sáp nhập Phật giáo thủ đô. Kế đến là chương trình kỷ niệm 710 năm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. 
Tại đây, đại chúng đã lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung tuyên tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Để bày tỏ sự thành kính, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni Phật giáo Hà Nội đã đồng khoác lên mình chiếc cà sa giải thoát để tưởng nhớ tới một vị vua đức độ nhưng cũng đồng thời là một vị Phật Hoàng đức hạnh trang nghiêm lưu danh sử sách.
 
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật kim.
Lớn lên, năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố v.v… tất cả đều hết lòng dạy dỗ. Chính Vua cha cũng đã soạn Di hậu lục để dạy dỗ cho Thái tử cách xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau nầy.
Về Phật pháp, Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc nhất là câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy. Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo.
Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo.
Trước thảm họa ngoại xâm, quân Nguyên - Mông chuẩn bị xâm chiếm nước Nam. Năm 1282, Ngài chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, trước khi cuộc chiến tranh diễn ra, Ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị Bô lão, những người đứng đầu các Bộ lạc. Toàn thể hội nghị già trẻ, gái trai đều một lòng tung hô quyết chiến.
Năm 1285, với tinh thần bảo vệ dân tộc, Tổ quốc của toàn dân, Ngãi đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất.
Với ý đồ bành trướng Phương Nam, tiến chiếm Chiêm Thành, làm bàn đạp thôn tính Đại Việt, Trần Nhân Tông lại một lần nữa lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với sự quyết tâm chiến thắng của toàn quân, toàn dân, Ngài đã chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1288. Cảm hứng trước sự chiến thắng của dân tộc, Ngài đã làm hai câu thơ lưu lại:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng”
(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu)
Sau khi đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, Ngài đã củng cố triều đình, phủ dụ, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến. Với mục đích chủ hòa, Ngài đã bỏ qua những lỗi lầm đã có của quần thần cũng như thân tộc.
Năm 41 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng.
Năm 1294, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt.
Sau khi chinh phạt Ai Lao, Ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian.
Năm 1299, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninnh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Năm 1301, Ngài hạ san, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở Hội đại thí vô lượng cho nhân dân.
Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v… Ngài đến Bố Chánh – Quảng Bình lập am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, được Vua Trần Anh Tông thỉnh vào nội cung để truyền giới Bồ tát cho Bá quan văn võ, quần thần.
Sau chuyến thăm hữu nghị Chiêm Thành năm 1301, Ngài có hứa đính hôn Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân. Năm 1305, Vua Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và phái đoàn ngoại giao mang vàng, bạc… sính lễ cầu hôn. Đến năm 1306, Ngài đứng ra chứng minh hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và Chế Mân – Vua Chiêm Thành.
Trước thành quả ngoại giao hôn phối ấy, Vua Chiêm đã dâng hai quận Châu Ô, Châu Rí cho Đại Việt làm quà sính lễ. Đây chính là điều kiện giúp cho Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam là Thuận Hóa (Huế).
Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, Ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Duơng, Vĩnh Nghiêm Lạng Giang, chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các Lễ hội…
Sau khi truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, Ngài tập trung biên soạn Kinh sách và Ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho đàn hậu học một số tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục v.v….
Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sanh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).
Theo sử cũ, Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Sau đó, Vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ.
Sau khi thu nhặt Xá lợi, Xá lợi được chia làm hai phần, một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng – Thái Bình; một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên – Yên Tử, Quảng Ninh, lấy hiệu là Huệ Quang Kim Tháp, dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Tiếp theo chương trình, Hòa thượng Thích Gia Quang đã đọc lời tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông của TW GHPGVN. 
 
Kế đến là nghi thức dâng hương tưởng niệm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
 
Sau cùng là lời phát biểu cảm tạ của Hòa thượng Thích Thanh Chính, khép lại chương trình kỷ niệm 10 năm sáp nhập Phật giáo thủ đô và kỷ niệm 710 năm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn thành tựu viên mãn.
Chùa Bằng
Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online