Đó là phát biểu định hướng của Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại Hội thảo Nghi lễ Phật giáo Toàn quốc năm 2022, do Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội kết hợp với Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hải Phòng tổ chức tại Draco – Thăng Long Hotel, khai mạc vào sáng nay 2-7.
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hoà thượng Chủ tịch gửi đến chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức Ban Nghi lễ, các Ban, Viện trung ương, Ban Trị sự Phật giáo TP. Hải Phòng, Ban Nghi Lễ thuộc BTS GHPGVN các tỉnh thành trong cả nước, quý học giả, nhà nghiên cứu cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chào mừng trân trọng, lời chúc sức khỏe, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Phát biểu định hướng, Hoà thượng nhấn mạnh “Hội thảo chuyên đề Nghi lễ Phật giáo toàn quốc năm 2022 tại TP. Hải Phòng của Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN phối hợp cùng Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN Hải Phòng được tổ chức trọng thể trong vị thế ngôi nhà GHPGVN ngày càng được nâng cao với những thành tựu vượt bật trên nhiều lĩnh vực hoạt động Phật sự sau 40 năm xây dựng và phát triển, điều nầy thể hiện sự xương minh của Phật giáo giữa lòng dân tộc, sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết hòa hợp của chư Tôn đức, toàn thể Tăng Ni Phật tử, nhất là trong quá trình đồng hành cùng dân tộc đã tạo được sự tin tưởng và hỗ trợ của Nhà nước, Ban Tôn giáo, MTTQVN và các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương điều này tạo nên những thuận lợi nhất định để Phật giáo đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, nhất là ngành Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời đại Hội nhập và phát triển. Tất cả những thuận lợi to lớn nầy chính là nội lực, là nền tảng và cũng là động lực để Ban Nghi lễ trung ương hướng đến những mục tiêu và hoàn thành trách nhiệm của mình để góp phần vào sự ổn định và phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập.”
Trọng tâm của Hội thảo lần nầy để Ban Nghi lễ Trung ương có định hướng về việc biên soan, thống nhất nghi lễ, đồng thời kết hợp với Ban Văn hóa Trung ương trong đề án ngôn ngữ để Việt hóa trong nghi thức Phật giáo nhằm thống nhất trong đa dạng trên tinh thần tôn trọng nghi lễ từng vùng miền, Hệ phái của Phật giáo Việt Nam.
Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một nền Văn hóa tâm linh đặc thù lấy giáo lý Đức Phật làm trung tâm, kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã hơn 2000 năm, văn hóa Phật giáo đã thắm sâu một cách nhuần nhuyễn vào phong tục tập quán, tâm tư tình cảm, cung cách lễ nghi trong nếp sống người dân Việt và Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với văn hóa ấy, chính vì vậy mà cả hình thức lẫn nội dung của Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trở nên đa dạng và phong phú. Trên tinh thần đó, Hoà thượng Chủ tịch chỉ đạo nên thống nhất về mục đích, ý nghĩa của nghi lễ Phật giáo đó là phương tiện gần gũi và dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình để dẫn dắt chúng sanh đến với ngôi nhà giác ngộ giải thoát của đạo Phật.
Hoà thượng nhắc lại Trung bộ kinh (Majjhima Nikaya) Đức Phật đã nhiều lần lên tiếng phê phán những nghi lễ cổ hủ không mang lại sự giải thoát và chỉ trích việc lợi dụng nghi lễ làm công cụ trên sự mù quáng của tín đồ. Theo Đức Phật, thọ trì và giữ chặt những thiết chế nghi lễ là tự trói buộc mình, không đem đến giải thoát, hướng thượng, thì được xem là hành trì giới cấm thủ (sīlabbata-parāmās). Trong khi đó, những thiết chế, những lễ nghi do Đức Phật chế định đều nhằm đem đến giải thoát cho bản thân, an lạc cho số đông, cho đời nầy và đời sau nên được gọi là Thiện pháp, Thiện giới.
Vào thời Đức Phật không đặt nặng vấn đề Nghi lễ mà chỉ là sự cung nghi biểu hiện sự tôn kính Đức Phật, kính trọng đối với các bậc kỳ túc trưởng lão đạo cao đức trọng trong Tăng đoàn, là biểu hiện văn hóa trong giao tiếp hằng ngày, cho đến khi Đức Phật nhập Niết-bàn cùng với sự phát triển của Giáo hội và tổ chức Tăng đoàn cũng có nhiều thay đổi, Phật giáo vượt khỏi biên giới xứ Phật đến các vùng miền xa xôi khác và để tồn tại và phát triển, đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi hòa nhập với phong tục tập quán ngàn đời của từng dân tộc và cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trên phương tiện cúng bái, từ đó nghi lễ Phật giáo bản địa được ra đời. Hoà thượng nói
Hoà thượng khẳng định, “nghi lễ Phật giáo trước hết là biểu hiện lòng tôn kính Tam Bảo, xuất phát từ niềm tin Chánh tín hướng về Tam Bảo, người con Phật đảnh lễ cúng dường Tam Bảo bằng sự thanh tịnh của ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đây chính là nền tảng hình thành nghi thức và cung cách lễ bái trong Phật giáo. Khởi nguồn từ sự kính tin Tam Bảo, nghi lễ đã trở thành phương tiện để người con Phật giao cảm với chư Phật và chư Đại Bồ Tát, thông qua nghi lễ, hành giả có thể trở về với chân tâm thanh tịnh của mình: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Chính điều nầy, mà các bậc Tôn túc đã rất chú trọng nghi lễ và Nghi lễ Phật giáo đã trở thành một trong những pháp môn phương tiện có tác dụng thúc liễm thân tâm, tiến tu đạo nghiệp.”
Qua Hội thảo, Hoà thượng Chủ tịch gợi ý cho Ban Nghi lễ Trung ương hoạt động một cách hiệu quả, gồm 4 nội dung chính:
- Nên biên soạn nghi thức thống nhất trong các buổi lễ do Giáo hội tổ chức tại các đại lễ như Đại lễ Phật đản, Đại giới đàn, nghi thức khai hạ, tự tứ, lễ tưởng niệm các tiền bối Tổ sư hữu công và các nghi thức quan trọng khác.
- Về mặc lâu dài do tính đặc thù của từng vùng miền, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, do đó, khi biên soan nghi thức và chuyển ngữ Việt hóa hay thuần việt làm sao cho phù hợp và thể hiện tính hài hòa đáp ứng nhu cầu các nghi thức của Phật giáo đến từng vùng miền, Hệ phái trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.
- Ban Nghi lễ kết hợp Ban Văn hóa sớm thực hiện thống nhất trong nghi thức về đề án ngôn ngữ dịch thuật, Việt hóa Kinh Nhật Tụng nên dựa trên các bản Kinh mà các bậc tiền bối Tổ sư đã dịch và biên soạn để phù hợp vừa mang tính kế thừa vừa có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ, nghi thức truyền thống và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo Việt Nam;
- Có thể nói, nghi lễ như là phương tiện độ sanh cần phải có định hướng rõ và nhất quán, nghĩa là nghi lễ phải có ý nghĩa và nội dung đúng Chánh pháp thì nghi lễ mới có ích cho đạo pháp và chúng sanh; Để tiếp tục thực hiện chức năng của Nghi lễ Phật giáo, trong thời hiện đại, chúng ta cần phải quan tâm hơn về việc thay đổi những gì không còn phù hợp, để làm cho nghi lễ vẫn là nét đẹp văn hóa nhân văn của xã hội và đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trong thời đại mới, phổ biến nghi lễ đến hệ thống Giáo dục Phật giáo trên phạm vi toàn quốc.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hoà thượng Chủ tịch rất hoan hỷ và hy vọng rằng Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần nầy sẽ tập trung nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, các học giả, quý Đại biểu để đem lại những thành quả tốt đẹp cho Nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
Đăng Huy