Theo Hòa thượng, hiện nay có một số vị tu sĩ cho rằng tu thôi không cần học, bên cạnh đó nhiều vị lại cho rằng tu cần có sự hiểu biết giáo lý, giới luật của đức Phật thì mới đưa ra thực hành để đạt được kết quả trong tu tập. Chính vì thế, trước đây khi nhiều vị quan niệm vào tu chỉ cần giữ giới được rồi, cần gì chú trọng vào việc học nữa. Nhưng thực tế trong cuộc sống của chúng ta không có sự hiểu biết thì không làm được gì cả. Cho nên trong tu học, vị tỳ kheo cần có sự hiểu biết. Hòa thượng cũng khẳng định, người tu sĩ không phải học chỉ để học, học chỉ để biết mà học là để thực hành cái biết của mình vào thực tiễn thì cái biết đó mới có giá trị trong cuộc sống. Điều này được đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong Chơn lý số 42 “Học để tu”. Vậy theo Tổ sư Minh Đăng Quang, người xuất gia cần học nhưng cái gì? Để nắm rõ, Hòa thượng giám luật đã phân tích nội dung trong cuốn Chơn Lý Học để tu này.
Theo đó phần dẫn đề Đức Tổ sư đề cập đến sự tu tập của ngài A Nan: “Thuở xưa, trong các hàng đệ tử của Phật, chỉ có ông A-nan là bậc nghe nhiều, học rộng, chữ giỏi văn hay hơn hết! Ông là em một họ của Đức Thích-ca, thường đi theo, hầu cận khít bên chân Phật. Ông nổi tiếng là bậc “đa văn quảng lý”. Chính ông là một vị đệ tử Phật, giỏi nhứt về sự nhớ dai. Các kinh tạng soạn chép ra sau này, phần nhiều là do ông trùng tuyên đọc lại, cho các vị A-la-hán viết theo nên đầu mỗi quyển kinh, chúng ta hằng thấy, ông A Nan nói câu thuật rằng: Ta nghe như vầy!… Ông A Nan đã là người thông minh, tài trí giỏi hay, thế mà đối với sự “học để tu” trong đạo Phật, ông là một người vô duyên nhứt hơn ai…”
Theo Hòa thượng, Ngài A Nan là một trong thập đại đệ tử của Phật, có trí nhớ rất tốt, cho nên khi Ngài làm thị giả cho đức Phật, Ngài được nghe các bài thuyết giảng của đức Phật trực tiếp thuyết. Ngài nhớ hết các bài giảng của đức Phật. Thế nhưng do Ngài cứ nghĩ có đức Phật bên cạnh nên chưa quyết tâm tu, vì thế chưa chứng thánh quả. Khi đức Phật nhập diệt, chư đệ tử của Ngài quyết định kết tập lại kinh điển, nhưng vì ngài A Nan chưa chứng thánh nên đức Ngài Ca Diếp không cho tham dự. Bắt buộc Ngài A Nan phải về tu, khi nào chứng thánh thì mới được vào dự kết tập kinh điển. Ngài Ca Diếp cho rằng, nếu một vị chưa chứng thánh mà nói thì giáo lý khó được truyền bá tồn tại lâu dài. Khi bị không cho tham dự, Ngài A Nan rất buồn, vì trong quá trình làm thị giả cho đức Phật, những lời dạy của đức Phật ngài A Nan nhớ rất nhiều, nhưng không được tham dự kết tập kinh điển. Đau khổ chừng nào thì ngài A Nan càng tự tìm lại bản thân và quá trình tu tập của mình. Ngài là người nhớ giỏi, đa văn… nhưng việc thực hành tu tập thì không có, cho nên đến khi đức Phật nhập diệt thì Ngài vẫn chưa chứng Thánh quả. Từ suy nghĩ hối hận, Ngài tăng trưởng tư duy, nỗ lực tu tập qua một đêm Ngài chứng A La Hán. Nhờ đó Ngài được tham dự kỳ kết tập kinh điển, theo đúng quy định của Ngài Ca Diếp.
Thông qua cuốn Chơn lý Học để tu, Hòa thượng Giám luật đã chỉ ra vấn đề người xuất gia phải học, chứ không phải tu không học. Mà học ở đây chính là học pháp giải thoát để gần các pháp vô lậu, đoạn tận phiền não. Vì tu không học như tu mù, học không tu như cái đãy đựng sách. Vì thế, Hòa thượng cho rằng, Tổ sư đã chỉ dạy: Học chân lý, sống đúng chân lý” Vì thế người xuất gia cần phải luôn luôn đặt vào một đề tài để tư duy, lấy một ý tưởng mà viết thành một bài pháp, gần bậc thiện trí để học hỏi và mỗi ngày cần đọc vài trang kinh để nắm rõ giáo lý. Qua đó Hòa thượng chỉ ra, nếu người xuất gia học mà không thực hành thì không có kết quả. Biết lý thuyết mà không thực hành thì giống như một người nằm trên bờ sông. Không được hưởng những pháp lành trong đó. Vì thế chúng ta phải vừa học, nhưng cũng cần thực hành hay nhập vào btrong đó, từ đó mới thấy, cảm nhận được pháp lành. Chứ nếu ai cứ ngồi trên bờ sông mà diễn ra: nước sạch, nước mát… thì đó chỉ là trong tưởng mà thôi.
Ngoài ra Hòa thượng cũng nhấn mạnh, người xuất gia học để tu, chứ không phải học để tranh luận. Vì nếu chỉ để tranh luận thì không bao giờ có kết luận. Mà theo Hòa thượng, cái chính là chúng ta học, thực hành những gì học để đạt được con đường giác ngộ giải thoát. Cái chính ở đây theo Hòa thượng, Tổ sư mong muốn thông qua bài Chơn lý Học để tu nhắc nhở những vị Khất sĩ cần ngoài việc học thì phải có sự thực hành trong tu tập, lấy Giới – Định – Tuệ làm nền tảng để phát triển nội tâm trên con đường tu học của bản thân.
Buổi chiều cùng ngày HT. Giác Giới cùng chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đã hướng dẫn các hành giả tham gia pháp đàm theo đúng chương trình của Khóa tu. Các hành giả đã được các hòa thượng giải đáp những thắc mắc, cũng như những cảm nhận, tự ngộ của bản thân khi tu tập đúng hay là cần điều chỉnh.
Minh Thiện – Thiện Dưỡng
The post Khóa tu Khất sĩ lần thứ 30: HT Giác Minh chia sẻ đề tài “Học Để Tu” appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.