19/07/2019 23:01

Ninh Bình: HT.Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Bái Đính

Nhận lời thỉnh mời của Ban tổ chức, chiều ngày 19 tháng 07 năm 2019, nhằm ngày 17 tháng 06 năm Kỷ Hợi, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã quang lâm và có thời pháp thoại với các bạn khóa sinh đang tham dự khóa tu tuổi trẻ với chủ đề “Về nguồn” tại chùa Bái Đính – huyện Gia Viễn – tỉnh Ninh Bình.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, chùa Bái Đính đã tổ chức được 7 khóa tu mùa hè thu hút được sự tham gia của hơn 10 nghìn bạn học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Và khóa tu lần này là khóa tu thứ 7 từ năm 2017, cũng là khóa tu lần thứ 2 trong năm 2019 kéo dài từ ngày 14/7 đến 20/7/2019. Khóa tu lần này có hơn 1300 bạn học sinh, sinh viên tham gia, trong đó có cả những bạn trẻ đến từ Bình Dương, Cà Mau…và cả những người trẻ của tôn giáo bạn.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng đã bày tỏ niềm vui khi được trở về lại nơi chùa Bái Đính này để chia sẻ với các bạn trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Hòa thượng đã có lời tán thán Thượng tọa Thích Minh Quang – một vị tăng trẻ nhưng đã dấn thân hi sinh một phần thời gian tu tập của mình trong 3 tháng cấm túc an cư để mang lại niềm vui và lợi lạc cho số đông. Thượng tọa đã tổ chức rất thành công những khóa tu tuổi trẻ, hơn nữa Thượng tọa còn là một trong những vị rất chủ chốt cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tại chùa Tam Chúc – tỉnh Hà Nam. Mặc dù buổi lễ đó kéo dài nhiều ngày từ khâu chuẩn bị cho tới khi tổ chức, nhưng Thượng tọa vẫn rất kiên trì để nối tiếp thành công đó bằng khóa tu tuổi trẻ vừa qua tại chùa Tam Chúc với sự tham dự của hơn 1500 bạn trẻ. Tiếp theo đó là sự thành công của các khóa tu tại chùa Bái Đính do Thượng tọa tổ chức. Điều đó đã cho thấy Phật giáo Ninh Bình nói riêng và Phật giáo nước nhà nói chung đều có những người tu sĩ trẻ nhưng đầy tâm huyết như Thượng tọa Minh Quang và các thầy trong Ban tổ chức khóa tu lần này tại chùa Bái Đính. 
Qua đây, Hòa thượng giảng sư cũng bày tỏ niềm hoan hỷ bởi trong mùa hè năm nay đã có gần 200 khóa tu trên toàn đất nước, hàng vạn người trẻ đã được trưởng thành dưới mái chùa khi được nghe lời Phật dạy, học hỏi những tư tưởng nếp sống tốt đẹp không tách rời đạo đức văn hóa bản sắc của dân tộc Việt Nam, biết sống từ bi trí tuệ, hiểu biết, yêu thương và bao dung. 
Được biết, buổi tối của ngày tu này, các bạn trẻ sẽ được tham dự một chương trình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ – những người đã hi sinh cuộc đời mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền hòa bình dân tộc. Vì vậy, Hòa thượng đã chia sẻ cho các bạn khóa sinh về “tứ trọng ân” mà mỗi người dù là tôn giáo nào, mang màu da nào và ở bất cứ nơi đâu cũng đều phải luôn khắc ghi trong lòng. Đó chính là ơn Tổ quốc, ơn cha mẹ sinh thành, ơn thầy cô dạy bảo và ơn tất cả đồng bào nhân loại.
Ngày nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, không còn chứng kiến sự đau khổ của chiến tranh với hai miền Bắc – Nam chia cắt, không còn nhìn thấy đất nước nghèo nàn và lạc hậu. Nếu như không có thời kỳ đổi mới thì làm sao chúng ta có được ngày hôm nay…Đất Việt Nam từ năm 1975 là sạch bóng quân thù. Năm 1979 lại chiến tranh biên giới vẫn còn khó khổ. Nhưng từ sau năm 1979 trở đi thì không còn chiến tranh, đất nước thanh bình, càng ngày càng phát triển, đất nước càng ngày càng có tầm ảnh hưởng đối với bạn bè quốc tế. Điều đó không ai chối bỏ hay phủ nhận được. Công lao đó là của những người lãnh đạo đất nước, công lao đó của các chú bộ đội, các chú công an bảo vệ biên cương của đất nước, giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên, giữ gìn từng giọt nước biển của Tổ quốc. Hòa thượng chia sẻ “Nếu không có những con người đó, làm sao có được ngày hôm nay ngồi trên mảnh đất êm đềm không có tiếng súng đạn, không có sự chết chóc. Chẳng nói đâu xa, nếu không có những chú công an, những bác công nhân đang làm việc ở bên ngoài hội trường thì làm sao chúng ta có được một khóa tu yên ổn này. Vinh dự tự hào nhất chúng ta là công dân của đất Việt. Có được ngày hôm nay là do chính công lao của Tổ tiên ta, cho nên hàng năm nhà nước có để ngày 10/3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chính là ngày để mọi người nhớ về cội nguồn dân tộc, cội nguồn Tổ tiên 4000 năm lịch sử. Cho nên tôi rất thích tên của khóa tu này đó chính là “Về nguồn” – tức là hãy trở về với cội nguồn dân tộc. 
Đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S, đặc biệt tỉnh Ninh Bình có một địa thế đặc biệt trong 63 tỉnh thành trên cả nước, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Việt. Ở đây có đền Vua Đinh, đền Vua Lê là hai triều đại đầu tiên của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là triều đại nhà Đinh – một triều đại thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc của phương Bắc. Từ thế kỷ thứ nhất, sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 – 45 Tây lịch, đất nước ta phụ thuộc vào sự cai trị của nhà Hán. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ X, cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh đã thành công, lập nên vương triều nhà Đinh với tước hiệu đầu tiên ông xưng là Đinh Tiên Hoàng – tức là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền. Trước vua Đinh, còn nhà Ngô nhưng vẫn phụ thuộc vào phương Bắc, chỉ phong Vương, và họ coi họ là Thiên tử, chỉ có một Thiên tử còn tất cả là chư Hầu thuộc nước Trung Hoa. Nhưng ở triều Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng đã lập nên triều đại quân chủ đầu tiên đóng đô tại Hoa Lư. Hoa Lư là thủ đô của Đại Cồ Việt, sánh vai với đất Tràng An của kinh đô nhà Hán. Chúng ta trở về cội nguồn thì phải nhớ được điều đó. Đó chính là ơn thứ nhất, ơn Tổ quốc. Ở tại Bái Đính này, có một vị Thiền sư sống ở giữa thế kỷ thứ XI sang thế kỷ XII, đó là thiền sư Minh Không. Ngài được vua Lý Thần Tông là vị vua thứ 4 của triều nhà Lý tôn vinh làm Quốc Sư. Cũng tại nơi đây, tháng trước các nhà y học Việt Nam đã mở hội thảo tôn vinh về công lao của Thiền sư Minh Không với đất nước Việt Nam và với ngành y học của Việt Nam. Sang tới triều Trần, cũng tại mảnh đất Bái Đính này, một sự kiện quan trọng khi đức vua Trần Nhân Tông – vị vua thứ 3 của vương triều Trần, một vị vua anh minh của đất nước Việt. Trong 20 năm lãnh đạo đất nước, điểm nổi bật nhất của nhà vua đó là cùng với nhân dân Đại Việt 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông…Vì vậy chúng ta hãy tự hào về Tổ quốc của mình, tự hào về mảnh đất Ninh Bình đầy ắp dấu tích lịch sử và sự kiện quan trọng của đất nước, tự hào về vùng Bái Đính với thiên nhiên núi non sông nước địa thế hữu tình hiếm có”.
Ơn thứ hai là ơn vô cùng quan trọng. Mỗi chúng ta đều do cha mẹ sinh ra. Đức Phật cũng là một người có thật, cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da cách chúng ta 2643 năm. Đức Phật đã nhìn thấy tầm quan trọng, sự hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái. Trong 45 năm kể từ ngày Đức Phật chứng quả cho tới khi nhập Niết Bàn, Đức Phật luôn hướng cho con người về nguồn thứ hai đó chính là nguồn cha mẹ ông bà Tổ tiên, trong đó gần nhất là cha mẹ. Đã là con người thì không thể quên ơn cha mẹ. Bằng những câu chuyện được ghi lại trong kinh điển về tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật, và những câu chuyện có thực về tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái trong thời đại hiện nay, Hòa thượng đã phân tích cho các bạn hiểu về những nỗi lòng của cha mẹ, những lo âu trăn trở, những vất vả hi sinh để qua đó, các bạn khóa sinh có thể biết nhớ ơn và báo hiếu cha mẹ ngay trong hiện tại bằng những hành động nhỏ nhất bởi “cha mẹ trong nhà là Phật ở đời”, đừng làm cha buồn đừng làm mẹ khóc, đừng làm sau này bản thân phải hối hận vì đã không trân trọng những vị Phật sống trong nhà của mình.
Ơn thứ ba là ơn thầy cô dạy bảo. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng người cho chúng ta được kiến thức còn có thầy cô. Hòa thượng chia sẻ về tấm gương Đức Phật “Vào năm cuối cùng sau 6 năm khổ hạnh, Đức Phật nghe 1 vị tiên tu nổi tiếng đương thời đó là ông Uất Đầu Lam Phất. Ngài lúc đó gọi là đạo sĩ đi đến học ông, và chỉ một ngày sau, đạo sĩ Gotama đã thu được hết toàn bộ kiến thức của ông Uất Đầu Lam Phất. Nhưng Ngài thấy phương pháp tu của ông không mang lại kết quả, liền từ biệt ông với lời ước hẹn “Khi nào đạo sĩ đắc đạo thành chính quả thì hãy về độ tôi”, và Ngài giữ lời hứa “khi tôi đắc đạo tôi sẽ về gặp Ngài để trả ơn Ngài đã dạy tôi trong một ngày”. Sau khi đắc đạo, Ngài về gặp ông Uất Đầu Lam Phất đầu tiên nhưng ông vừa trút hơi thở cuối cùng. Ngài đã cầu nguyện cho ông. Cũng trong thời gian 6 năm tu khổ hạnh, Ngài tu cùng 5 anh em thầy Kiều Trần Như. Khi thành đạo, Ngài trở về vườn Nai xứ Ba La Nại độ cho 5 anh em thầy Kiều Trần Như. Điều đó chứng minh rằng Đức Phật rất tôn trọng người Thầy của mình, dù vị đó chỉ dạy cho mình 1 ngày. Người Việt Nam cũng rất tôn trọng người thầy qua câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Cội nguồn của dân tộc từ xưa tới nay đều tôn vinh hình ảnh người Thầy. Việt Nam chúng ta còn rất nhiều địa phương tôn thờ hình ảnh người Thầy. Đặc biệt, vị nào mà được dân tộc, địa phương tôn vinh thờ tự thì bao giờ vị đó cũng được thờ ở chính giữa, bên tay trái thờ người Thầy của vị đó, bên tay phải thờ cha mẹ của vị đó. Cho nên con người có 2 đấng sinh thành là cha và mẹ, nhưng người dạy ta nên người chính là Thầy. Cha mẹ và thầy như nhau. Người xưa quan niệm “cha mẹ qua đời để tang 3 năm” thì thầy cũng phải để tang như vậy, “sống tết chết giỗ”.  Ở Việt Nam, người thầy được tôn vinh mãi mãi đó là ông Chu Văn An – người thầy mẫu mực sống ở thế kỷ thứ XIV. Trước đây, vị nào học xong thành tài, đỗ đạt thành quan đều về “vinh quy bái Tổ”, nhưng bao giờ cũng phải về thăm chốn cũ trường xưa và thăm người thầy của mình. Người xưa khi được vua ban quan trạng áo mão, được ngồi ngựa, nhưng khi đến chỗ Thầy, người đó không bao giờ dám đi giày ngồi ngựa hay ngồi kiệu, mà đi đất về trước Thầy. Dù Thầy chỉ là một ông giáo già, còn học trò đã trở thành một vị quan lớn nhưng khi đối trước Thầy, vị đó vẫn phải đứng dưới hoặc thậm chí quỳ xuống trước Thầy. Đó chính là “tôn sư trọng đạo”. Công lao thầy cô rất lớn, thầy rất mong rằng thông điệp này chuyển tải tới các con: Chúng ta học khóa tu “Về nguồn” tức là về với cội nguồn của dân tộc Việt là biết ơn thầy và nhớ ơn thầy qua câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, hãy kính yêu và vâng lời thầy cô, hãy luôn nhớ về thầy cô và giúp thầy cô làm tròn trách nhiệm của mình”.
Ơn thứ 4 là ơn đồng bào vạn loại, ơn những người xung quanh trong xã hội. “Chúng ta ngồi đây bưng bát cơm lên ăn, bưng cốc nước lên uống, nằm trên tấm thảm này, ngồi trên ghế đệm này đều phải nhớ ơn tất cả mọi người, từ người đã làm ra những thứ ấy cho đến những người mang những thứ ấy tới cho chúng ta hưởng thụ. Những người công nhân, nông dân, trí thức, các nhà khoa học…đều có sự hỗ tương lẫn nhau. Hãy nhớ không có những người đó sẽ không có chúng ta và ngược lại. Nên hãy biết ơn họ, biết ơn những người đã mang đến cho ta những điều tốt đẹp trong cuộc sống này“.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “trong khóa tu các bạn trẻ hãy cùng nhau vui, khỏe, đoàn kết và thực sự chấp hành nội quy nghiêm túc, lắng nghe những lời quý Thầy dạy bảo, bởi dù ở môi trường nào thì những điều đó cũng sẽ rất có ích cho chúng ta, hãy mang những điều đã học được trong khóa tu lưu giữ trong tim như một kỉ niệm tuyệt vời, hãy áp dụng những kiến thức đã học được để có được thành công trong cuộc sống hiện tại và tương lai”.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Đăng Huy – Diệu Tường
  The post Ninh Bình: HT.Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Bái Đính appeared first on Phật Sự Online Miền Bắc.    
Download Android Download iOS
Hà Nội: CLB Cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 18-12-2024 (18/11 năm Giáp Thìn) Câu lạc bộ cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ long trọng tổ chức buổi giao lưu gặp mặt cựu chiến binh Phật tử nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 -22/12/2024 nhằm tri ân và tôn vinh các Phật tử cựu chiến binh và các Phật tử đã có nhiều đóng góp vào công tác phụng đạo yêu nước.

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online