Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

08h00, ngày 28 tháng 11 năm 2022

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam; Thưa Hoà thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thưa Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội, cùng Chư vị Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thưa toàn thể quý vị đại biểu, Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, đoàn kết, tôi rất vui mừng tới dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và với tình cảm cá nhân chân thành, sâu sắc, tôi trân trọng gửi tới Hoà thượng Quyền Pháp chủ, Hoà thượng Chủ tịch, chư tôn đức giáo phẩm, quý vị tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng các vị đại biểu, khách quý những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội thành công rực rỡ. Thưa toàn thể quý vị, Du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân” phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Lịch sử nước ta đã ghi nhận, từ xa xưa Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Sử sách vẫn còn lưu, năm 40 tới năm 43 sau Công nguyên, có những vị Ni sư đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành nữ tướng của Hai Bà. Năm 544, vua Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc phương Bắc, lập nên nước Vạn Xuân (544-602) đã xây chùa thờ Phật và đặt tên là chùa Khai quốc (tức là mở nước). Tiếp nối truyền thống đó, từ triều đại Đinh, Tiền Lê đến Lý, Trần, thời nào cũng luôn có các vị cao tăng trí cao, đức trọng đứng ra giúp dân, giúp nước. Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, nhiều tăng, ni, cư sĩ, phật tử Phật giáo đã tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến; nhiều vị đã anh dũng hy sinh, góp phần cùng quân dân cả nước giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Sau khi thống nhất đất nước, Phật giáo là tôn giáo gương mẫu đi đầu, thực hiện thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc. Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Thưa toàn thể quý vị, Qua theo dõi và nghe báo cáo của Giáo hội, tôi rất vui mừng được biết trong nhiệm kỳ vừa qua, phát huy truyền thống vẻ vang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu, kế hoạch đề ra. Hoạt động tôn giáo ổn định, tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các hoạt động xã hội của tăng, ni, phật tử cả nước đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Nhiều tăng ni và nhà chùa có vai trò quan trọng trong vận động quần chúng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn dân cư. Giáo hội cùng các tăng ni đã tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh... với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu. Phát huy tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong nhà Phật, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác xã hội hoá các hoạt động: y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; như đã tham gia ủng hộ trên 7 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Những hoạt động có ý nghĩa cao đẹp này đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với chính quyền, với cộng đồng xã hội, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động và sinh hoạt tôn giáo; hàng nghìn tăng, ni, phật tử đã tình nguyện xung phong vào tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí...     Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.  Những kết quả tích cực trong hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy truyền thống yêu nước sát cánh đồng hành với dân tộc. Tại Đại hội này, thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022 vào những thành tựu chung của đất nước. Xin nhiệt liệt chúc mừng Giáo hội và tăng ni, phật tử cả nước. Thưa toàn thể quý vị, Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu rất quan tâm đến tôn giáo, tín ngưỡng. Về Phật giáo, Người nói: “Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách toàn diện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang”. Người cũng nói “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. Đây là một trong những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và tự do tôn giáo, đoàn kết tôn giáo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặc các tệ nạn xã hội” và “Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận. Qua đó, giữ gìn và phát huy phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Thưa toàn thể quý vị, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 - 2027 là sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tôi đánh giá cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn chủ đề của Đại hội lần này là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Tôi đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể Giáo hội để quyết tâm thực hiện thành công 12 mục tiêu tổng quát về hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra. Xây dựng tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh, phát triển; suy tôn, suy cử các quý vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự là những người tiêu biểu về đạo hạnh và năng lực, đại diện cho các hệ phái, vùng miền, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm” của Giáo hội. Thống nhất tu chỉnh Hiến chương phù hợp và đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn mới, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, khẳng định vị thế của tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam đại diện cho tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới. Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong rằng với tôn chỉ, mục đích cao cả của Phật giáo, với đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, tập hợp đoàn kết tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần tích cực vào đoàn kết, hoà hợp dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  Nhân dịp này, tôi đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước. Một lần nữa, tôi xin chúc mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúc các quý vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng ni, phật tử trong nước và ngoài nước được sức khỏe dồi dào, trí tuệ thắp sáng, Phật đạo viên thành. Chúc các quý vị đại biểu khách quý luôn mạnh khoẻ, tinh tấn và an lạc. Chúc Đại hội của chúng ta thành công viên mãn. Xin trân trọng cảm ơn các quý vị./.
Download Android Download iOS
Khai mạc Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024 với hơn 4400 Phật tử tham dự

Sáng ngày 22/12/2024, vòng thi cấp thành phố của Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, với sự tham dự của 4.403 Phật tử đến từ TP.Thủ Đức và 20 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Khai mạc Hội thi Giáo lý Phật tử TP.HCM năm 2024 với hơn 4400 Phật tử tham dự

Sáng ngày 22/12/2024, vòng thi cấp thành phố của Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM, với sự tham dự của 4.403 Phật tử đến từ TP.Thủ Đức và 20 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online