PSO – Ba tháng cấm túc An cư viên mãn, sáng ngày 16/8/2019 (nhằm ngày 16/7 năm Kỷ Hợi) tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) – nơi cấm túc An cư của 45 hành giả tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đã trang nghiêm cử hành nghi thức Tự tứ giải chế sau 90 ngày cấm túc tịnh tu y theo luật Phật dạy.
Tại buổi lễ, sau nghi thức lễ Tổ và đăng lâm Phật điện đảnh lễ Tam bảo, chư Tăng tại thiền viện đã hướng vọng cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN chứng minh cho Pháp sự và cung thỉnh Hòa thượng Thích Thông Phương – Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, kiêm y Luật sư chứng minh lễ Tự tứ.
Tự tứ, tiếng Phạn là Pravāraṇā, Trung Hoa dịch âm là Bát-lợi-ba-lạt-noa, Bát-hòa-la, dịch ý là mãn túc, hỷ duyệt, tùy ý sự, chỉ cho sự thỉnh cầu người khác chỉ điểm những lỗi lầm, khuyết điểm của mình, được tiến hành vào ngày trăng tròn kết thúc ba tháng an cư mùa hạ, tức rằm tháng Bảy, theo âm lịch các nước Việt Nam, Trung Hoa. Sự chỉ điểm này được căn cứ trên ba trường hợp kiến, văn, nghi, tức do được thấy, được nghe và được nghi ngờ. Ngày ấy, chúng Tăng tập họp, từng vị một ra trước đại chúng cầu xin được đại chúng soi sáng, bằng cách chỉ cho mình thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm, mà vì vô tình hay cố ý, mình đã sai phạm, nhưng do vô tri, không thể tự thấy biết. Sau khi đại chúng chỉ cho thấy rồi, thì thành tâm sám hối. Sám hối rồi thì sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tự nhiên phát sinh hoan hỷ, nên gọi là Tự tứ. Sau khi Tự tứ, vị Tỳ-kheo được thêm một tuổi giới, nên Tự tứ cũng gọi là thọ tuế, nhận thêm một tuổi đạo, mà ta thường gọi là hạ lạp.
Lễ Tự tứ rất quan trọng, chính Đức Thế Tôn cũng thực hiện nghi thức Tự tứ. Kinh Tăng nhất A-hàm, ghi: “Bấy giờ, đến ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật liền bảo A-nan hãy mau đánh kiền chùy, vì hôm nay rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế. A-nan hỏi thọ tuế là thế nào? Phật dạy, thọ tuế là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi 2 vị Tỳ-kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng, hôm nay Tăng chúng thọ tuế, tôi cũng muốn thanh tịnh nên thọ tuế, xin tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Tôn giả A-nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ Đức Thế Tôn có? Đức Thế Tôn nói, quá khứ vị lai hằng sa chư Phật đều có, như Ta có ngày nay. Tôn giả A-nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy mà nói, tôi đánh lên hiệu lệnh của Như Lai, đệ tử của Ngài xin tập họp lại! Tăng chúng tập họp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói, hôm nay Tôi thọ tuế: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của Tôi có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn nói đến 3 lần như vậy, rằng hôm nay Tôi muốn thọ tuế: Tôi có lỗi gì với Tăng chúng không? Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy bạch Đức Thế Tôn: Tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi gì về thân, miệng, ý. Như Lai cũng không có lỗi gì với ai. Còn phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: Con có lỗi gì với Như Lai và Tăng chúng không? Đức Thế Tôn bảo, Xá-lợi-phất, Tôn giả không có hành động gì phi chánh pháp nơi thân, miệng, ý. Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, tất cả Tỳ-kheo Tăng đây cũng muốn thọ tuế: Tất cả Tỳ-kheo Tăng đây có lỗi gì đối với Như Lai không? Đức Thế Tôn dạy, Không!”.
Tứ phần luật hành sự sao, quyển thượng, giải thích: “Sau chín tuần tu học, tinh luyện thân tâm, cũng có người không tự thấy lỗi mình, vì vậy mới cầu xin đại chúng thương xót, từ bi chỉ lỗi cho mình, để mà sám hối. Một khi đã tự thấy lỗi của mình, hoặc được đại chúng chỉ cho thấy, thì bên trong không có gì che giấu, bên ngoài hiển rõ khuyết điểm, thân khẩu đều nhờ người khác, nên gọi là Tự tứ”.
Ngày Tự tứ, như vậy, là biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hiệp của chư Tăng – yếu tố sống còn của Phật pháp – là ngày biểu hiện uy lực, sức mạnh của đại chúng. Uy lực ấy phát sinh từ uy đức, tức từ đời sống phạm hạnh thanh tịnh, từ sự nỗ lực hành trì giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, là cái thế của sức mạnh tinh thần uy nghiêm, hay sức mạnh công đức rất uy nghiêm và khó lường. Uy lực, sức mạnh này là căn bản của năng lực cứu độ trong lễ Vu lan. Bởi chính uy lực hàm đủ chất lượng các công đức này mới có thể cứu khổ, mới diệt được nghiệp và nghiệp báo, hay nói cách khác chính uy lực này mới thắng nổi nghiệp lực.
Trên tinh thần đó, Tăng chúng an cư tại thiền viện lần lượt đối thú tác pháp Tự tứ trong không khí thanh tịnh, hòa hợp, kết thúc viên mãn ba tháng an cư PL.2563.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Thích Trúc Thạnh Đạo – Ban TT-TT Phật giáo huyện Tân Phước
The post Tiền Giang: Trang nghiêm lễ Tự tứ mãn hạ tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác appeared first on Phật Sự Online Miền Tây.