PSO – Tết – tự bao giờ đã trở thành dịp đoàn viên sum họp của gia đình và những người thân thương. Đây cũng là dịp diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó hoạt động nổi bật mang đậm nét đẹp của những ngày đầu năm đó là viếng chùa lễ Phật – một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Không biết từ khi nào, cửa Phật đã trở thành nơi khởi hành mang sự bình an cho mọi người. Mong muốn tìm được sự thanh tịnh, bình an và gạt bỏ đi những muộn phiền năm cũ và cầu mong an lành, hạnh phúc trong năm mới, đêm 30. Sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc những ngày đầu năm mới, người người rủ nhau về chốn an yên đó với những nguyện ước đầu xuân. Từ đó, những ngôi chùa trở thành ngôi nhà chung cho cộng đồng những người yêu mến đạo Phật nói chung và Phật tử nói riêng.
Với ý nghĩa đó, hòa trong niềm vui đón Tết Nguyên đán cổ truyền Xuân Canh Tý 2020, chùa Pháp Tạng (C3/8 Lê Đình Chi, Ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) đã bày trí và mô phỏng những tiểu cảnh chốn thiền môn thanh tịnh thành nét đẹp thanh bình, giản dị, đặc trưng của làng quê Tây Nam Bộ hữu tình cùng những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ngày Tết cổ truyền Việt Nam để chào đón quý thiện nam tín nữ khắp nơi đến du xuân, tham quan và lễ Phật đầu năm mới.
Ngay thời khắc giao thời năm cũ và năm mới, sau khóa lễ tụng kinh cầu nguyện đầu năm, toàn thể chư Tôn đức chùa Pháp Tạng cùng đông đảo quý thiện nam tín nữ gần xa đã trở về chùa thả những chiếc đèn hoa đăng với lời nguyện ước một năm mới nhiều điều tốt lành và hỷ lạc.
Như thông lệ hàng năm, Đại đức Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì chùa Pháp Tạng đã gửi những lời chúc Tết thân tình đến quý Phật tử, cùng thời pháp thoại trao tặng những lời đạo lý đầu năm trong không khí thấm tình pháp lữ.
Đại đức đã có những lời giải thích cho quý Phật tử hiểu rõ hơn về giá trị tâm linh của phong tục lễ chùa đầu năm, còn việc đi chùa cúng sao giải hạn hay xin xăm là phong tục tập quán dân gian.
Để có được an lành thật sự thì chúng ta cần phải giải quyết cái gốc của nghiệp, đó là giữ thân khẩu ý cho bớt tạo những ác nghiệp, đồng thời cũng phải làm phước để tăng trưởng thiện nghiệp. Hàng ngày, thực tập theo lời Phật dạy, tu tập chánh niệm trong từng giây phút sẽ giúp tăng công đức.
Trước lúc ra về, quý Phật tử đã được đón nhận những chiếc lộc đầu năm trong niềm hân hoan.
Sau đêm giao thừa, đến với bổn tự, khách viếng chùa không chỉ được trở về chốn tâm linh thanh tịnh mà bên cạnh những tiếng chuông ngân vang xen lẫn mùi trầm hương tỏa khắp, quý lữ khách sẽ được hòa mình vào khu vườn thiền thanh tịnh rực rỡ sắc hoa mùa xuân.
Đây vốn là nơi tu học thường kỳ mỗi tháng của khóa tu Thiền Phật giáo Vipassana, cùng ôn lại những lời Đức Phật từng dạy khi xưa, mỗi hành giả trở về tu tập sẽ được sự hướng dẫn của chư Tôn đức và thực tập lắng tâm thanh tịnh dưới những tán cây tươi mát.
Phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, nay khu vườn được trang hoàng thành một vùng nông thôn yên bình của vùng sông nước Tây Nam Bộ giữa chốn đô thị nhộn nhịp của Sài Thành với con kênh êm đềm, ao sen hồ súng tỏa ngát hương, những hoa thơm trái ngọt trĩu cành, chiếc ghe bé xinh bên những mái nhà tranh đơn sơ,… tạo nên một bức tranh thiên nhiên miền quê nhẹ nhàng nhưng cuốn hút lòng người, khơi dậy những nỗi niềm sâu xa nơi mỗi lữ khách về một miền đất gần gũi và nghĩa tình trên dãi đất hình chữ S thân thương.
Tại khung cảnh thiên nhiên bình yên này, những mái lá tranh mộc mạc còn được bày trí các câu đối, câu thiệu đậm chất thiền vị. Những ai đến tham quan đều có thể làm quen với những thuật ngữ nhà Phật hoặc nhắc nhở cho mọi người hãy luôn “chánh niệm tỉnh giác” để luôn có được niềm an lạc, hạnh phúc trong mỗi phút giây hiện tại.
Các góc khuôn viên chùa cũng được trang trí những tiểu cảnh mang nét đẹp truyền thống dân tộc như các phiên chợ Xuân, những hàng trái cây rau củ, những đòn bánh chưng, bánh tét,… khiến du khách nào trở về tham quan cũng cảm nhận được trọn vẹn hương vị Tết cổ truyền, nhất là các bạn trẻ sống trong môi trường hiện đại ngày nay.
Nhằm bảo tồn những tinh hoa dân tộc Việt, văn hóa xin chữ cũng được tái hiện dần nơi các chốn thiền môn. Hình ảnh ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ, thảo từng nét chữ cũng được đông đảo du khách và Phật tử vô cùng thích thú.
Đây là hoạt động thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức. Qua đó còn thể hiện ước nguyện, tâm tư của mỗi người như mong muốn xin con chữ lấy may hay cầu một năm tài lộc, phúc thọ.
Nhưng đi vào cửa Từ bi, những câu đối, câu chúc xuân ấy trở nên thấm đẫm thi vị thiền môn. Không còn những con chữ cầu tài cầu lộc dân dã, mà chuyển đổi thành những câu nói đạo lý, lời chư Phật chư Tổ dạy hay khuyên răn người sống thiện lành.
Phong tục viếng chùa lễ Phật đầu năm đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt, tuy rằng cuộc sống hiện đại ngày nay đã làm thay đổi nhiều trong nếp sống nhưng văn hóa tâm linh ấy vẫn luôn được giữ gìn đến hôm nay. Và với tinh thần đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, mái chùa sẽ luôn là nơi an vui, là điểm tựa tinh thần, đồng thời là nơi phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, tạo nét chấm phá khởi đầu một mùa xuân an vui, một năm mới hạnh phúc.
Sau đây là khung cảnh Tết cổ truyền nhộn nhịp tại chùa Pháp Tạng được ghi nhận:
Tin: Chơn Niệm Nguyệt
The post TP.HCM: Sắc Xuân Nơi Cửa Thiền và khu vườn thiền thanh tịnh nơi chùa Pháp Tạng appeared first on Phật Sự Online Miền Đông.