Sáng ngày 13/11 (nhằm 20/10 Nhâm Dần), tại Tu viện Vĩnh Nghiệm (Quận 12), Sơn môn miền Vĩnh Nghiêm đã tổ chức lễ tưởng niệm ngày viên tịch cố Hòa thượng Thích Tâm Giác, Tổ khai sơn Tu viện.
Dịp này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, Trụ trì các tự viện, Tăng Ni sơn môn miền Vĩnh Nghiêm đã đến Tu viện Vĩnh Nghiêm dâng hương tưởng niệm, đảnh lễ Giác linh cố Hòa thượng Tâm Giác nhân ngày húy kỵ.
Thượng tọa Thích Giác Dũng, Trụ trì Tu viện Vĩnh Nghiêm đảnh lễ tri ân Hòa thượng Chủ tịch và chư Tôn đức. Theo đó Thượng tọa trụ trì tác bạch cúng dường trai tăng, hồi hướng công đức đến Giác linh Tôn sư.
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định. Năm 7 tuổi, Ngài xuất gia tu học với HT. Thích Trí Hải tại chùa Mai Xá thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Cuộc đời cố Hoà thượng gắn liền với công tác an sinh xã hội, giúp đỡ đồng bào hồi cư và nuôi dạy trẻ mồ côi. Ngài là người tiên phong trong việc đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam có thể lực tự vệ và ý chí kiên cường để giúp đỡ Phật giáo Việt Nam trong những năm pháp nạn.
Hòa thượng là người thông thạo Hán tự, biết qua Pháp văn và đã từng xuất dương tu học tại Nhật Bản. Năm 1962, Ngài trở về nước hoằng pháp và đã cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực chống lại bạo quyền, áp bức, kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Thượng tọa Thích Nguyên Duyên sám chủ và ban kinh sư niêm hương bạch Phật, khai kinh và cung tiến Giác linh
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ngài được cử giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính. Từ khi được bầu làm Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm, ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng Tổ đình Vĩnh Nghiêm, giúp Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù. Sau đó là khai sơn Tu viện Vĩnh Nghiêm, Quận 12
Ngài còn trước thuật các tác phẩm Phật giáo và võ đạo như: Duy thức học tập I; Duy thức học tập II; Hộ thân thuật; Nage – Nokata; Nhu đạo; Biến thể Nhu đạo; Nhật ngữ tự học; Phương pháp ngồi thiền; Zen và Judo.
Do bệnh duyên, Ngài viên tịch vào ngày 20/10/Quý Sửu (DL 15/11/1973). Nhục thân của ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm (Q.12, TP. HCM).
Đăng Huy