Địa cầu chấn động,
Lịch sử lưu truyền
Phật Tổ hoằng dương chánh giáo,
Dương trần lãnh hội cơ duyên.
Từ lời Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên đã tạo nên một nét đẹp cao quý trong Phật giáo, và đã nêu lên ý nghĩa tuyệt vời:
Vu Lan Thắng hội nhiệm mầu
Rải ban ý nghĩa thâm sâu diệu kì
Ơn Phật chỉ dẫn lối đi
Hiếu tử hiểu pháp y y phụng hành.
Tất cả trong mỗi người chúng ta không ai mà không được sinh ra từ Cha Mẹ, nhờ có Cha Mẹ chúng ta mới được khôn lớn thành người, tuy cũng có vài trường hợp không được Cha Mẹ dưỡng nuôi từ tấm bé. Nhưng cái tình cảm thiêng liêng nhất về Cha Mẹ, luôn hiện hữu trong mỗi con người. Mùa Vu Lan lại trở về trên khắp mọi miền đất nước, ngày mà hàng triệu, triệu người mang nhiều cảm xúc khác nhau, người còn Cha Mẹ thì tự hào hãnh diện, người vì công việc làm ăn xa ngậm ngùi nhớ thương cha mẹ, người con gái hay con trai lập gia đình xa xứ, đều mang một nỗi niềm hoài vọng về Cha Mẹ khôn nguôi, những người đã vĩnh viễn không còn Cha Mẹ, thì phải gánh chịu niềm đau vô cùng to lớn, cả cuộc đời không còn được thấy bóng dáng thân yêu, không còn được nghe những lời yêu thương ấm áp ngọt ngào từ 2 đấng thân sinh, nhà thơ Đỗ Trung Quân từng có câu thơ:
"Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ ta làm thơ cho mẹ ta không?"
Nghe thật đau lòng nhưng quá đúng.Người mà chúng ta mang ân suốt cuộc đời, người mà vì chúng ta cho cả cuộc đời, Người mà vì chúng ta không quản hi sinh cực nhọc, Người mà đã cho chúng ta những món quà quí báu thiêng liêng, mà không vật phẩm trần gian nào có thể thay thế, Người mà sẵn sàng làm tất cả mọi việc, để cho bầy con trẻ mai sau được thành danh, Người vì chúng ta mà hiên ngang gánh chịu phong ba bão táp của cuộc đời, ân nghĩa ấy quá bao la mênh mông, dùng ngôn từ nào cũng không thể nói đủ, đúng nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã nói:
"Ngôn ngữ trần gian như túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng "Mẹ ơi!"
(Tiếng Gọi Mẹ - Vũ Hoàng Chương)
Dân gian thường nói: “Chín tháng cưu mang, ba năm bồng bế” như vậy cũng chưa đủ nói lên sự vất vả của Cha Mẹ, tình thương của Cha Mẹ đối với con trẻ là không giới hạn vô bờ bến trường tồn theo cùng tháng năm:
“Mẹ già trăm tuổi tóc sương,
Lo con tám chục năm trường chưa thôi.
Tình thương đâu nỡ dứt rời,
Phân ly họa lúc số trời đổi sang”.
(Ni trưởng Huỳnh Liên - Kinh Tam Bảo)
Nói đến Cha Mẹ thì tất cả con người trên thế gian này, từ bậc thánh hiền đến người dân tầm thường ai cũng do Cha Mẹ sinh ra, chính Cha Mẹ là người đã san sẻ một phần máu, thịt để tạo nên hình hài của con trẻ, chính Cha Mẹ đã không ngại gian truân vất vả tranh đấu với đời, để lo lắng cho con. Công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ, Cha thật không ngòi bút nào có thể tả hết.
Sanh thành dưỡng dục sánh non cao
Nghĩa nặng tình thâm biển dạt dào
Máu huyết hình hài cha mẹ tạo
Khôn dùng bút mực tả công lao.
Trên thế gian này điều hạnh phúc nhất là những người còn Cha còn Mẹ, và bất hạnh lớn nhất là những kẻ mồ côi. Cuộc sống bé thơ thật êm đềm biết bao khi được Cha Mẹ yêu thương chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ trong tình cảm ngọt ngào, êm ái, thật không còn hạnh phúc nào hơn, đó chính là những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình mênh mang thấm đượm.
Hạnh phúc nào bằng có Mẹ Cha
Niềm vui thấm đượm ấm êm nhà
Hành trang cuộc sống cho con trẻ
Vị ngọt yêu thương mãi đậm đà.
Dù ở bất cứ độ tuổi nào, Cha Mẹ cũng là nơi nương dựa vững chắc cho chúng ta, là chiếc nôi tình yêu thánh thiện đưa chúng ta vào giấc ngủ ngọt ngào, ấm áp, xóa đi những đau sầu triền miên của nhân thế.
“Có tát cạn biển đông mới tỏ tường lòng mẹ
Không trèo qua non thái sao thấu hiểu tình cha”.
(Tục ngữ Việt Nam)
Khi con ra đời con là niềm vui, là hạnh phúc ngọt ngào của Cha Mẹ, vì con Cha Mẹ sẵn sàng chấp nhận đắng cay vất vả, miễn sao con trẻ được lớn lên trong bình an và hạnh phúc, cái tình cảm thiêng liêng cao cả bất tận ấy, ta chỉ có thể tìm được nơi Cha Mẹ mà thôi.
Cha Mẹ cho con hết cuộc đời
Âm thầm vất vả chẳng hề ngơi
Thiêng liêng bất tận tình yêu ấy
Tỏa sáng bao la đến tuyệt vời.
Đức Phật đã dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật." vì vậy mà đạo Phật xác định : “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cùng cực là bất hiếu” Có thể nói báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi người con chúng ta. Mùa hiếu hạnh lại đến, gợi lên cho chúng ta những cảm xúc thật êm đềm thân thương về Cha Mẹ, những người đã cho chúng ta hình hài và sự nghiệp.
"Lễ Vu Lan bâng khuâng nhớ cha, xót ơn dưỡng dục
Mùa báo hiếu ngậm ngùi thương mẹ, tưởng đức cù lao".
(Tục ngữ Việt Nam)
Mùa Vu Lan lại đến, hình ảnh Đại Hiếu Mục-Kiền-Liên, người con hiếu hạnh muôn thuở lại sống dậy cùng với hình ảnh đức Phật từ bi mở đường cho chúng sanh cơ hội báo hiếu thật là cao đẹp, thánh thiện. Ý nghĩa Vu Lan đã trở thành 1 nét đẹp rạng ngời, và nét đẹp này không chỉ không chỉ dành riêng cho người con Phật mà nét đẹp này đã phổ biến chung khắp cả năm châu bốn biển, nói lên tình yêu thương ngọt ngào của con cái dành cho hai đấng sanh thành.
Lời Phật Tổ mấy ngàn năm trước
Tạo duyên lành dẫn bước chúng sanh
Vu Lan hiếu hạnh xây thành
Tạo nên nét đẹp cao thanh ấm tình.
Nét đẹp của Vu Lan không chỉ là sự thể hiện của người con hiếu, mong được báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ trong quá khứ, mà còn là sự thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được luôn sức khỏe và an lành. Đồng thời qua lời kinh tiếng kệ, người con được thấm nhuần giáo lý tỉnh thức của đạo giác ngộ để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại.
Vu Lan thể hiện tinh thần
Phận con hiếu dưỡng song thân thế nào
Thấm nhuần đạo lý thanh cao
Vui trong cuộc sống vui nào vui hơn.
Truyền thống Vu Lan còn là ngày cứu khổ - giải đảo huyền (nạn bị treo ngược) cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Vì vậy người Phật tử đến chùa tụng kinh Vu Lan và kinh Báo ân, không chỉ để cứu khổ cho Cha Mẹ nhiều đời, mà còn cầu nguyện cho mọi người bị nạn trong cảnh khổ như treo ngược gấp rút, được thoát ra cảnh ấy hưởng được trạng thái an lạc.
Vu Lan cứu khổ đảo huyền
Từ nơi tích cũ lưu truyền đến nay
Chúng sinh nghe được pháp này
Tâm hồn an lạc thoát đày ải kia.
Từ lễ Thắng hội quan trọng này đã tạo nên một kì tích đời đời trong trong Phật giáo, trong lòng dân tộc Việt Nam:
Lễ Vu Lan oai lực cấp kỳ, ác sự tiêu trừ, đạo pháp bồi tu, cội nguồn Bát Nhã bày xinh thánh thiện,
Mùa Kiết Hạ công thần diệu viễn, thiện căn tăng trưởng, đảo huyền tống tiễn, bánh xe Chân Như tỏa rạng linh huyền.
Ngoài ra Vu Lan còn là nét đẹp truyền thống tri ân và báo ân, một nét đẹp nổi bật trong Phật giáo, người Phật tử quan niệm có 4 đại ân lớn đó là ân Cha Mẹ, ân Thầy Tổ, ân Quốc gia và ân chúng sinh. Do đó, Vu Lan còn có một ý nghĩa quan trọng nữa là lễ hội tri ân và báo ân của người con Phật, và đến ngày rằm tháng bảy Phật tử đều cố gắng sắp xếp thời gian quý báu đến chùa tụng kinh, lễ Phật, phóng sinh, bố thí làm nhiều điều thiện lành để đền đáp bốn ân nặng, xứng đáng là người Phật tử thuần thành.
Bốn ân quan trọng bội phần
Sáng ngời phương tiện quý trân tặng đời
Ngọt ngào tặng gởi muôn nơi
Nói lên truyền thống tuyệt vời Phật gia.
Và qua ý nghĩa Vu Lan còn là nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hiện tại phải biết hiếu thuận với Cha Mẹ, thuận thảo với bà con, thân thuộc. Nhất là phải chăm sóc Cha Mẹ khi ốm đau, già yếu, cả vật chất lẫn tinh thần.“Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
(Tục ngữ Việt Nam)
Ngày Hội Vu Lan đã thể hiện tinh thần báo hiếu vô cùng cao đẹp nói riêng của người Phật tử, và cũng là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con trên thế gian này, là người Phật tử phải biết nhận thức sâu sắc về lời Phật dạy, phải biết chăm sóc yêu thương Cha, Mẹ, để cho Cha, Mẹ và bản thân mình, ngày nào cũng là ngày Vu Lan, tháng nào cũng là tháng Vu Lan. Vì cuộc đời vốn dĩ vô thường ai trong chúng ta cũng có thể biết được rằng, một ngày nào đó chúng ta mồ côi Cha Mẹ, hay chính bản thân chúng ta một khi vô thường lên tiếng gọi, thì sẽ là người ra đi trước cả Cha Mẹ.
Hiểu sâu đạo lý vô thường
Cho nên hãy biết yêu thương hết mình
Đáp đền ân nghĩa Thân Sinh
Và nuôi dưỡng được cái tình lớn lao.
Cho nên báo hiếu Cha Mẹ là chúng ta phải báo hiếu hằng ngày, hằng tháng, chứ không chờ đến ngày Vu Lan, hoặc mùa Vu Lan, đây là điều thiết thực nên làm với tất cả người Phật tử. Hãy nên biết rằng, tuế nguyệt qua mau, tuổi già phút chốc sẽ tìm đến gõ cửa, tiền tài, của cải vật chất, địa vị thế gian, rốt rồi cũng sẽ phai tàn, nhưng tình yêu thương bao la của cha mẹ với con cái là không bao giờ phai nhạt, mà sẽ còn hoài theo năm tháng, sống mãi trong lòng của mỗi người con. Ngay từ giờ phút này chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu, đừng để sau này hối tiếc những việc đã qua, thì ôi thôi đã quá muộn màng.
Vu Lan năm 2020
Tác giả: Bảo Minh Trang