01/05/2022 17:29

Bạc Liêu: Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước trong khối đoàn kết toàn dân tộc Bạc Liêu hiện nay

  PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI ĐOÀN KẾT SƯ SÃI YÊU NƯỚC TRONG KHỐI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TẠI BẠC LIÊU HIỆN NAY ĐĐ.ThS.Thiên Giả (Thạch Dương Trung) Trụ Trì Chùa Moni Serey Sophol Cosdon (Bạc Liêu) Ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây,H.Phước Long,Bạc Liêu, ĐT: 0786933750 Ủy Viên UBMTTQVN huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu Khóa XI(2019-2024)  

TÓM TẮT 

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu với chức năng, nhiệm vụ tập hợp, vận động các chức sắc, sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu luôn thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đoàn kết đồng bào Phật tử cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống cho đồng bào Dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, cùng tương trợ lan toả tấm lòng từ của những người con Phật, thực hành đường hướng tốt đẹp trong hoạt động tôn giáo.

Từ khóa: chùa Moni Serey Sophol Cosdon, Bạc liêu, Hội đoàn kết Sư Sãi yêu nước(HĐKSSYN), PGNT Khmer.

  1. MỞ ĐẦU

Từ năm 1997, sau khi tái lập tỉnh Bạc Liêu, Hội đoàn kết Sư Sãi yêu nước (HĐKSSYN) tỉnh Bạc Liêu  đã củng cố, kiện toàn lại Hội ĐKSSYN  nhằm động viên và phát huy truyền thống yêu nước của Tăng sĩ và Phật tử Khmer góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Hội HĐKSSYN tỉnh Bạc Liêu tích cực vận động, luôn là cầu nối giữa chư Tăng, chức sắc, đồng  bào phật tử  Khmer với các Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và toàn thể các cấp, là trung tâm đoàn kết, vận động bà con dân tộc Khmer tích cực học tập, lao động sản xuất, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.  Vậy vai trò của HĐKSSYN Bạc Liêu đạt được những  thành tựu gì trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương? Còn tồn tại những hạn chế nào? Đó là vấn đề trọng tâm của bài viết.

Chư Tôn đức tham dự Đại hội Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh năm 2018
  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện được bài tham luận, chúng tôi tiến hành phương pháp điều tra điền dã, ghi nhận thực tế các số liệu của HĐKSSYN thông qua các vị Chức sắc của hội. Trong đó, chúng tôi trực tiếp khảo sát, phỏng vấn, ghi chép lại các thông tin liên quan đến hoạt động của Hội cũng như nhận thức của đồng bào Khmer về vai trò của HĐKSSYN đối với đời sống của họ. Từ đó, rút ra những kết luận quan trọng trong bài viết.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành thực hiện phương pháp lịch sử để đảm bảo được tính biên niên (lịch đại), tính toàn diện (đồng đại), chi tiết và cụ thể của vai trò xã hội cho chư tăng, đồng bào Khmer của HĐKSSYN Bạc Liêu. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp logic để rút ra được những mặt đạt được và hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện an sinh xã hội của hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành một số phương pháp liên quan như: thống kê, phân tích, đối chiếu, so sánh…để rút ra được kết quả nghiên cứu.

3. NỘI DUNG

3.1. Khái quát về Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Bạc Liêu

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, diện tích tự nhiên 2.582 km2 , có 56 km đường bờ biển. Toàn tỉnh có 5 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã với 64 xã, phường, thị trấn. Bạc Liêu có dân số đông chủ yếu 3 dân tộc (Kinh-Khmer-Hoa). Người Khmer có dân số 68.129 người chiếm 7,66%. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số (89,98%) -người Hoa (2,34%), còn lại các dân tộc khác như: Chăm,Tày, Nùng, Thái v.v…chiếm tỉ lệ 0,05% dân số toàn tỉnh.  Đồng bào Khmer sinh sống ở hầu hết 7/7 huyện, thành phố, thị xã, tập  trung  đông nhất ở xã Hưng Hội, huyện Vỉnh Lợi – xã Vĩnh Trạch Đông  và xã Vĩnh Trạch thành phố Bạc Liêu – Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình – xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân – Phường 1 và phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai. Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 10 tôn giáo khác nhau đạt 128.029 người, nhiều nhất là Phật giáo có 76.206 người, tiếp theo là Công giáo đạt 45.226 người, đạo Cao Đài có 5.550 người, đạo Tin Lành có 618 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đạt 354 người. Còn lại các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo có 39 người, Minh Sư Đạo có 15 người, Hồi giáo có 14 người, Baha'i giáo có 5 người và Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ có 2 người<1>. Thời kỳ chưa có Đảng, đồng bào Khmer-Kinh-Hoa Bạc Liêu cùng nổi dậy chống thực dân Pháp, nổi bật là sự kiện Hương Chủ Chọt (Trần Kim Túc) vào năm 1927 ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, dưới sự chỉ huy của ông Chủ Chọt làm rạng danh khắp vùng. Và trong 2 cuộc khàng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Sư sãi và đồng bào Khmer đã góp phần không nhỏ về sức người, sức của, hy sinh cả xương máu của chính mình cho độc lập Tổ quốc.

Giống như  các tỉnh Tây Nam bộ khác, tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại Bạc Liêu đều theo Phật giáo. Hệ phái Phật giáo Nam tông là nét đặc trưng tôn giáo của người Khmer, đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer luôn gắn bó với ngôi chùa. Chùa là nơi trang nghiêm thờ phụng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, vừa là trung tâm bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, phong tục và truyền thống văn hóa nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc Khmer, đồng thời cũng là nơi tập hợp đoàn kết các tầng lớp dân cư.

Theo Thượng Tọa Tăng Sa Vong<2> : Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 22 chùa và 6 Sa-la-tean (Niệm Phật đường) Nam tông Khmer. Trong mỗi chùa có 1 Ban Quản trị (22 Ban) với 430 thành viên. Với Sa-la-tean có 6 tiểu ban QT gồm 30 thành viên.

TT. Tăng Sa Vong – Trụ trì chùa Buppharam

Thời gian qua Chùa Kos Thum, xã  Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia – Chùa Xiêm Cán, Vĩnh Trạch Đông và chùa Đìa Chuối công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Hiện Hội đã lập thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận thêm 3 chùa Di tích Lịch sử Văn hóa – Chùa có công …(chùa Khna Rộn, Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, chùa Hộ Phòng cũ, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai và Cái Giá cũ, Hưng Hội, huyện Vỉnh Lợi).

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (HĐKSSYN) Tỉnh Bạc Liêu luôn đề cao chức năng và hoàn thành nhiệm vụ của mình là tập hợp, vận động các chức sắc, sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh nhà nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm đoàn kết, vận động bà con dân tộc Khmer tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đại hội đại biểu Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu năm 2019

3.2. Vai trò của HĐKSSYN trong khối đại đoàn kết tại Bạc Liêu hiện nay

 Xã hội ngày càng biến động và yêu cầu cần xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó sự đóng góp của cộng đồng Khmer ở Nam Bộ là hết sức quan trọng. Trong xã hội biến động thì xã hội người Khmer cũng biến động hết sức gay gắt và khắc nghiệt. Đã một bộ phận người Khmer bỏ tôn giáo của mình, bỏ tôn giáo truyền thống, bỏ phong tục tập quán để đi theo tôn giáo khác. Ngoài ra còn bỏ phum, sóc để đi nơi khác hoặc đi nước ngoài định cư dẫn đến bản sắc Khmer không còn thuần túy.

Bên cạnh đó một số ít tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer chưa nhận thức đầy đủ về hiến pháp và pháp luật Việt Nam, có thái độ thiếu hợp tác với chính quyền đi ngược lại với những gì tốt đẹp của tôn giáo và lợi ích dân tộc. Nhận thức về vai trò của chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ và thống nhất; còn xem nhẹ công tác vận động họ trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Đứng trước tình hình diễn biến phức tạp đó, Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu luôn thực hiện tiêu chí với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đoàn kết đồng bào Phật tử cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống cho đồng bào Dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, cùng tương trợ lan toả tấm lòng từ của những người con Phật, thực hành đường hướng tốt đẹp trong hoạt động tôn giáo. Các quý chư tôn đức lãnh đạo trong Hội phát huy vai trò của mình tích cực vận động, luôn là cầu nối giữa chư tăng, chức sắc, đồng bào Phật tử Khmer với các Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và toản thể các cấp, là trung tâm đoàn kết, vận động bà con dân tộc Khmer tích cực học tập, lao động sản xuất, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Đại hội đại biểu Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu năm 2019

Hiện nay chư tôn đức trong tỉnh hội tham gia các tổ chức đoàn thể gồm có đại biểu HĐND tỉnh 01 vị , ĐB HĐND huyện 03, HĐND xã 05 vị,  thành viên MTTQ tỉnh 03 vị, viên MTTQ huyện, thị, thành phố vị  04 vị,  thành viên MTTQ xã, phường 04 vị.

Hội đoàn kết Sư  sãi Yêu nước tỉnh (Tỉnh hội) phối hợp với các ngành chức năng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và phát động, tham gia đầy đủ chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Song song với việc triển khai, bồi dưỡng  kiến thức về giáo luật cho Phật tử và đồng bào Khmer với nhiều hình  thức đa dạng như hội họp, buổi lễ  tại gia đình và lồng ghép vào các ngày lễ hội dân tộc, tôn giáo, các chương trình sinh hoạt lễ tục dân gian của Phật tử trong chùa, trong phum srok v.v....

TT. Tăng Sa Vong- Giảng sư lớp sơ cấp Phật học tại chùa Buppharam

Hội thường  xuyên phát động trong  giới Chư tăng, Phật tử  phát huy tốt truyền thống đoàn kết tôn giáo–dân tộc, phối hợp cùng với Trụ trì, Ban Quản trị các chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc tuyên truyền vận động Phật từ bà con Khmer trong tỉnh, đồng thời luôn tuyên truyền nhắc nhở quý chư Tăng và đồng bào Phật tử nâng cao tinh thần cảnh giác các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc chia rẽ khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

3.3. Một số thành tựu đạt được

3.3.1. Trong công tác hoằng pháp, giáo dục và đào tạo

 Việc tu học, hành đạo của Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện đúng theo quy định trình tự các thủ tục xuất gia, từ thọ giới bậc Sa Di đến tuổi chuyển thọ giới bậc Tỳ khưu.  Do có tác động sự lãnh đạo, chỉ giáo của chư tôn đức trong Tỉnh hội, Tăng chúng luôn tu dưỡng, giữ gìn kỷ cương giáo luật đúng theo chánh pháp.  Hội thường xuyên phát động trong giới chư Tăng, Phật tử  phát huy tốt truyền thống đoàn kết Tôn giáo – Dân tộc, phối hợp cùng với Trụ trì, Ban quản trị các chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc tuyên truyền vận động Phật từ bà con Khmer trong tỉnh.

Lớp bổ túc văn hóa tại chùa Ghositaram

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội VI (nhiệm kỳ 2018-2023) và phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội toàn khóa. Ban chấp hành Tỉnh hội cùng với các vị Trụ trì – Giảng sư các chùa trong tỉnh vào dịp tết, lễ hội Tôn giáo - Dân tộc, trong các buổi thuyết giảng và những ngày thọ giới hàng tháng, hướng dẫn Chư tăng – Cư sĩ – Phật tử tu học hành đạo, thực hiện đúng theo chánh pháp, am hiểu về giáo lý Phật giáo, giáo dục Phật tử sống đoàn kết hài hòa, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, gương mẫu, làm lành tránh dữ, sống tốt đời đẹp đạo.

Tỉnh Hội luôn tạo mọi điều kiện tốt cho Tăng sinh, Học sinh Khmer trong tỉnh theo học chữ và các chương trình đào tạo được thống kê:

-Lớp học chữ Khmer ở các chùa có tổng số học sinh trên 199 tăng sinh và con em Khmer trong phum sok.

-Lớp Vini – Pa li (văn hóa Khmer) được phân bổ mở lớp 4 điểm chùa Cái Giá cũ, chùa Kim Cấu, chùa Xiêm Cán và chùa Hòa Bình cũ có 116 Tăng sinh, học sinh theo học.

-Ngoài ra có 14 vị Tăng sinh theo học các trường: Đại học-Học viện trong nước gồm Đại học Y khoa-Luật-Nhân văn xã hội , Đại học kiến trúc, Học viện Phật giáo và 8 vị học Trung cấp Phật học ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

-Trong năm 2020 Bạc Liêu có 2 vị Thạc sĩ (Phật học và Quản lý giáo dục) và 2 vị cử nhân: Phật học và Tôn giáo-Dân tộc học.

Lớp dự bị sơ cấp Phật học Nam tông Khmer tại chùa Kim Cấu

3.3.2. Từ thiện xã hội

Trong xu hướng nhập thế của Phật giáo nói chung, Phật giáo Nam tông  Khmer ở Tây Nam Bộ đã có những hoạt động tích cực đối với vấn đề an sinh xã hội cũng như hòa nhâp với toàn xã hội chung tay xây dựng để cho người dân, đồng bào Phật tử được ấm no hạnh phúc.

  Để  xây dựng quê hương Bạc liêu ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp, cho người dân có một cuộc sống an lạc và hạnh phúc hơn. Phật giáo tại Bạc liêu nói chung, Phật giáo nam Tông Khmer tại tỉnh nhà nói riêng đã đóng góp những thành quả trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân cũng  như xây dựng một môi trường xanh sạch đẹp làm thay đổi bộ mặt về mỹ quan của địa phương cũng như hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà Đảng và nhà nước đã đề ra.

Chùa Buppharam trao quà cho đồng bào Khmer nhân dịp tết Chol Chnam Thmay

Với chức năng và trách nhiệm của mình, Ban chấp hành HĐKSSYN Bạc Liêu đã hướng dẫn chư Tăng trong 22 chùa luôn làm đúng trách nhiệm của mình, cũng như đúng theo lời Phật dạy. Lấy tinh thần nhập thế qua thông điệp được Đức Phật đưa ra trên 25 thế kỷ: “Hãy ra đi, các Tỳ Khưu, đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại”<3> làm hành trang cho bản thân trên con đường xiển dương Phật pháp, đó chính là lòng Bi mẫn đối với chúng sinh. Do đó Hội đã vận động các chùa thuộc hệ phái làm tốt công tác từ thiện xã hội và đạt được những thành tích đáng khích lệ với tổng  giá trị trên 5 tỷ đồng. Một số ngôi chùa tiêu biểu đã làm tốt công tác từ thiện xã hội như: Chùa Ghositaram (Chùa Đầu), Chùa Buppharam (Chùa Chót), Chùa Khải Tông Đìa Muồng, Chùa Cosdon…

Chùa Cosdon trao quà cho bà con Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay

Trong 05 năm qua với sự nỗ lực và cố gắng của Chư tôn Đức Tăng trong  Ban chấp hành HĐKSSYN Bạc Liêu đã được một số kết thực tế và cụ thể trong hoạt động từ thiện xã hội và xây dựng nông thôn mới như sau:

- Xây dưng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà cựu thanh niên xung phong.

- Xây cầu bê tông thay các cây cầu khỉ và hỗ trợ xây dựng đường bê tông để cho việc đi lại của người dân trong phum sóc đi lại thuận tiện hơn.

Hòa thượng Lý Sa Mouth cùng quý lãnh đạo cắt băng khánh thành cầu Ngã Tư Đìa Muồng

- Hỗ trợ các các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo cho người già neo đơn, hỗ trợ các phần quà nhân các ngày lễ truyền thống, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam,…

Đây cũng là một thành quả đáng khích lệ đối với Hội trong các hoạt động từ thiện xã hội trong những năm vừa qua trong hoàn cảnh  kinh tế của người dân nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer còn khó khăn.

3.3.3. Xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp

Phật giáo có truyền thống quan tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt là chú trọng kiến tạo những không gian xanh, thanh tịnh ở những nơi thờ tự. Chính cảnh quan thanh lịch, “non nước hữu tình” của các tự viện đang trở thành khu văn hóa tâm linh góp phần tích cực gắn kết con người với môi trường tự nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.


Lễ hội Dâng Y Kathina tại chùa Xiêm Cán

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là một trong 19 tiêu chí về XDNTM. Trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, môi trường thuộc tiêu chí số 17, trong đó có đề cập đến 5 nội dung. Đó là tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Ban Chấp Hành HĐKKSSYN Tỉnh Bạc Liêu đã hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường, đã vận động các Chùa trong tỉnh có ý thức bảo vệ môi trường được chư Tăng tại Bổn tự chấp hành tốt, bên cạnh đó còn kết hợp với MTTQ và các đoàn thể tại địa phương xây dựng những tuyến đường hoa dẫn vào phum sok, hướng dẫn bà con bỏ thói quen văng rác xuống sông ngòi mà mỗi nhà có hố rác riêng biệt, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng các lò hỏa táng, các năm gần đây các chùa trong tỉnh đã tu bổ và xây thêm các lò hỏa táng hiện đại hơn để đảm bảo môi trường và sức khỏe của người dân không bị ảnh hưởng do việc hỏa táng người đã mất như trước đây.

3.3.4. Công tác an ninh – trật tự 

Công tác an ninh trật tự tại địa phương cũng được Ban chấp hành hội quan tâm. Hội hướng dẫn Phật tử đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và luôn trau dồi học tập đạo đức Phật giáo, phù hợp nếp sống xã hội mới, tiến bộ và văn minh, hưởng ứng các phong trào toàn dân thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” của Mặt trận Tổ quốc, và nhiều phong trào khác của các tổ chức Đoàn thể và địa phương phát động. Thời gian từ đầu năm đến nay Ban Thường trực Hội đã kết hợp với cơ quan an ninh và địa phương kiện toàn các Tổ tự quản dòng tộc phát huy vai trò tự giải quyết bất hòa nội bộ trên tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hiện toàn tỉnh có 49 Tổ tự quản dòng tộc ổn định có 1.253 hộ với 7.249 khẩu.  “Dòng tộc tự quản” là mô hình tổ tự quản mà hiện nay đang hoạt đông có hiệu quả và được nhân rộng ở khắp các địa phương và được Bộ công an đánh giá cao.

Chư Tăng kết hợp với Ban Quản trị làm tốt công tác tư tưởng về an ninh chính trị đối với các tín đồ Phật tử Khmer trước sự lôi kéo, xúi dục của các phần tử cực đoan trong và ngoài nước. Đặc biệt ngăn ngừa kịp thời sự lôi kéo của các tôn giáo mới xuất hiện tại địa phương nhắm vào các hộ Phật tử nghèo với mục đích cải đạo theo tôn giáo họ với mục đích phá rối an ninh trật tự tại địa phương.

Toàn cảnh chùa Cosdon (chùa Moniserey Sophol Cosdon)

Bên cạnh đó HĐKSSYN tỉnh đã hỗ trợ cho các ngôi chùa trong tỉnh xây dựng mới hoặc sửa chữa lại các ngôi chánh điện của các chùa trong tỉnh, tham mưu cho các cấp lãnh đạo chấp thuận cho các chùa xây dựng thêm các salaten đáp ứng được  nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của đồng bào tại địa phương điển hình như:  Chùa Cos Thum  đã xây dựng Salaten tại xóm Sok Sáp xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân), hiện tiếp tục để hoàn chỉnh phục vụ bà con có nơi thờ Phật.  Các chùa đang xây mới Chánh điện:  Chùa Bạc Liêu Phường 7, chùa Giá Rai mới, chùa Hộ Phòng cũ (Giá Rai) và chùa Dì Quán (Hồng Dân).  Trùng tu Chánh điện chùa Kim Cấu (Tp Bạc Liêu). Xây mới Sa La (Giảng đường) chùa Cos Đôn (Phước Long), chùa CosThum; chùa Khna Rộn (Hồng Dân); Xây mới Tăng xá chùa Cái Giá cũ (Vĩnh Lợi). Xây mới tượng cảnh Phật nhập Niết bàn chùa Cù Lao (Vĩnh Lợi). Chùa Hòa Bình mới xây dựng Salaten ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Mỹ A (Hòa Bình), chùa CosĐôn, chùa Cái Giá giữa xây dựng Trai đường… Ngoài ra một số chùa tái thiết công  trình thờ tự phụ: chùa Đìa Chuối; chùa Hòa Bình cũ; chùa Điền (Hòa Bình), chùa Đầu Sấu; chùa Ngan Dừa (Hồng Dân), chùa Giá Rai cũ; chùa Hộ Phòng mới (Giá Rai). Tổng chi phí khoảng 21 tỷ 635 triệu đồng.

3.4. Thuận lợi và khó khăn

Những thành tựu đạt được của Hội ĐKSSYN tỉnh Bạc Liêu đó là luôn được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, được sự ủng hộ tạo điều kiện của Chính quyền – Ban Tôn giáo Dân tộc – MTTQ và sự giúp đỡ của Công an các cấp cộng với sự nỗ lực của Ban Thường trực Hội. Hội luôn được sự tín nhiệm của quý Chư tăng và Phật tử, góp phần thực hiện tốt nhiều lĩnh vực thuộc về văn hóa, giáo dục, từ thiện-xã hội, nhất là phong trào bảo vệ an ninh-trật tự, công tác hòa giải nội bộ ở phum sok được ổn định tình hình chung. Đặc biệt, với vai trò là thành viên của MTTQ, Hội đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo ngày càng đạt được hiệu quả thiết thực hơn.

- Các điện thờ, tự viện đã trùng tu tôn tạo góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử, Chuyển tải đạo đức Phật giáo đến các tầng lớp nhân dân với phương châm làm lành tránh dữ, sống tốt Đời đẹp Đạo.

-Trụ sở Hội được Nhà nước giúp đỡ ủng hộ, công trình  này đến nay đã hoàn thành sẽ được khánh thành, sớm đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện cho Hội có nơi làm việc và sinh hoạt, hoạt động Hội được thuận tiện hơn. Với tổng chi phí 2 tỷ 297 triệu (Nhà nước hổ trợ 1tỷ 947 triệu đồng – Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Hội ĐKSSYN tỉnh ủng hộ 350 triệu đồng).

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác an sinh xã hội nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế cần được khắc phục và cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội:

- Việc vận động các chùa trong hội tham gia các công tác từ thiện xã hội chưa được đồng bộ, chỉ có một số chùa hoàn thành tốt công tác này. Chư tăng chưa vận động tuyên truyền  rộng rãi đến đồng bào Phật tử tại địa phương nhất là bà con người Khmer tham gia các hoạt động an sinh xã hội một cách tự ý thức. Việc hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt nên các vị sư rất ngại trong việc vận động đồng bào là các dân tộc anh em cùng chung tay trong các hoạt động thiện nguyện.

-Việc chấp hành pháp luật, một ít chùa chưa thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về xây dựng, trùng tu, tái thiết tự viện, điện thờ lớn nhỏ trong khuôn viên chùa. Xây dựng các công trình thiếu quy hoạch cụ thể, không cân nhắc, không lượng sức. Vì thế dẫn đến trì trệ, gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến sự tu học và hành đạo của Chư tăng-Phật tử.

-Một số thành viên BCH tỉnh Hội chưa có phát huy hết vai trò của mình, chưa đoàn kết trong việc hành động các hoạt động của tỉnh hội đề ra.

4. Kết Luận

Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu tiếp tục là tổ chức tập hợp vận động sư sãi, đồng bào Phật tử Khmer phát huy tinh thần yêu nước, phụng đạo giúp đời, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo như lịch sử đã từng ghi nhận; không ngừng tu dưỡng đạo đức, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hợp, bình đẳng các tôn giáo để “hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh”, thực hiện các hoạt động phật sự theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tích cực thi đua yêu nước, có nhiều cống hiến để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tóm lại, HĐKSSYN tỉnh Bạc liêu luôn thể hiện tinh thần Phật dạy rằng hiện hữu vì lợi ích cho số đông, vì an lạc cho số đông, nên từ khi mới thành lập cho đến ngày nay, đã qua các nhiệm kỳ và mãi đến nghìn sau sẽ mãi mãi đồng hành với tỉnh nhà chăm lo đồng bào Dân tộc được an vui, hạnh phúc, xây dựng môi trường xanh sạch đẹp, vinh quang cùng hưởng, khó khăn cùng gánh, HĐKSSYN tỉnh Bạc liêu, bà con người dân tộc Khmer và các dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh nhà luôn luôn song hành, gắn bó, tạo thành một xã hội hòa hợp, phát triển, cũng như đóng góp vào việc xây dựng ngôi nhà chung của nhân loại được an lạc, hòa bình và thịnh vượng.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đại đức Naranda Mahathera, Phạm Kim Khánh (dịch), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Hồng Đức
  2. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, ngày 12 tháng 3 năm 2003
  3. http://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?DocID=12724
  4. Báo Cáo Tổng Kết hoạt động HĐKSSYN Tỉnh Bạc liêu năm 2019, 2020, 2021.

 

Giới thiệu tác giả

ĐĐ.ThS. Thiên Giả (Thạch Dương Trung)

Ủy Viên UBMTTQVN huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu Khóa XI(2019-2024)

Trụ trì Chùa Moni Serey Sophol Cosdon (Bạc Liêu)

Ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, H. Phước Long, Bạc Liêu, ĐT: 0786933750

ĐĐ. ThS: Thạch Dương Trung; Pháp Danh: Thiên Giả, Sđt: 0786933750, Email: thachduongtrung@gmail.com,  tốt nghiệp Cao học Phật học khóa I (2017-2019) tại Học Viện Phật giáo Việt Nam Tại TP. Hồ Chí Minh. Thiên Giả đã bảo vệ luận văn thạc sĩ với đề tài “Nghiên Cứu Công Tác Bảo Tồn Kinh Tạng Trên Lá Buông Của Phật Giáo Nam Tông Khmer Nam Bộ”. Đồng thời, Thiên Giả đã hoàn thành các bài viết: Nghi lễ cúng hạ thủy Ghe Ngo: Trường hợp chùa Đìa Muồng, Huyện Phước Long, Tỉnh Bạc Liêu, Kinh lá buông: Giá trị Và Giải Pháp Bảo Tồn, Giới Thiệu Bộ Kinh Lá Buông Tại Chùa Ghositaram Bạc Liêu, Kinh Lá Buông Với Đời Sống Văn hóa Tâm linh Của Đồng Bào Khmer Nam Bộ.

<1> http://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?DocID=12724

<2>  TT. Tăng Sa Vong, UV HĐTS TW Giáo Hội, Phó trưởng Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Phó Trưởng ban  thường trực HD9KSS Yêu Nước Tỉnh Bạc Liêu

<3> Đại đức Naranda Mahathera, Phạm Kim Khánh (dịch), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr 119

Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu

Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online