MÃ SỐ BÀI DỰ THI: VIET (86) Số lượng từ: 1800
“KHI CHO ĐI, TA CÒN TẤT CẢ!”
Hầu như mỗi ai trong chúng ta đều biết, đại dịch COVID-19 đã hoành hành tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, rồi lan rộng ra khắp các châu lục và các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Đất nước chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận dịch này là không thể kể siết! Thế giới chìm trong dịch bệnh, số ca nhiễm tính đến hiện tại hơn hai trăm nghìn ca, con số tử vong cũng tăng vọt lên hàng triệu. Việt Nam chúng ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, “Những con số biết nói” được thống kê từ Bộ Y tế khiến chúng ta ai ai cũng bùi ngùi khiếp sợ, lo lắng, có khi là ngậm ngùi xót thương. Làn sóng COVID thứ tư như một trận đại hồng thủy, chúng nhấn chìm mọi thứ, vật chất nói chi? Chúng nhấn chìm cả sự sống của con người! Những người đang ngày đêm gồng mình chống dịch nơi bệnh viện dã chiến, tiếng gào thét vì mất người thân, tiếng ai oán thấu tận trời xanh, tiếng khóc thầm, những lời chia tay trong vô vàn nước mắt, giữa sự sống và cái chết chỉ trong một sợi chỉ. COVID! Chính ngươi đã cướp mất người Mẹ hiền mà ngày đêm chờ con – những đứa con mong muốn được làm con thảo cho Mẹ dù chỉ một ngày! Nhưng giờ đây Mẹ đã không còn trên đời này, Mẹ ra đi để lại trong lòng những đứa con sự mất mát vô cùng to lớn. Mẹ bao dung, yêu thương con bằng tất cả tấm lòng. Giờ đây con muốn thốt lên rằng “Con yêu Mẹ nhiều lắm! Mẹ ơi”. Người trụ cột gia đình như Cha lại lặng lẽ ra đi trong trận dịch lịch sử, để lại trong lòng đám trẻ sự trống rỗng vô bờ. Chính Cha đã tạo nên kì tích vì sự cố gắng không ngừng, chỉ mong con thơ có ngày được bình an, hạnh phúc. Chúng khao khát hơi ấm của Cha, khẽ ngã vào lòng để nói tiếng “Con yêu Cha!”, Nhưng giờ chỉ còn là dĩ vãng mù khơi. Có thể những cảm xúc như trên là tiếng lòng sâu thẳm trong con tim những đứa con thơ muốn gửi đến Cha Mẹ. Mùa Vu lan năm nay thật đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp các tỉnh thành, nên mùa Báo Ân năm nay chúng con không thể nào bày tỏ lòng hiếu hạnh cho Cha Mẹ được.“Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha”
Chúng con không thể nào quên công ơn Cha Mẹ đã lam lũ mưu sinh vì chúng con! Nếu ai còn Cha Mẹ thì xin rằng “Hãy yêu thương họ bằng tất cả những gì bạn có. Nếu mai này đại dịch qua đi, bạn hãy về thăm, vì những sóng gió họ đã bươn chải trong suốt quãng đời nuôi nấng con. Đừng quên gửi tặng Cha Mẹ một nụ hôn hay một cử chỉ ấm áp với ý nghĩa “Con yêu Cha Mẹ rất nhiều!”. “Tình người trong đại dịch”, có thể hiểu rằng: Đây là một thứ tình cảm vượt mức tình thân, xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, ý thức tự giác giúp đời, giữa đại dịch tình người được coi trọng và trân quý biết bao. Tôi giúp họ, họ giúp tôi, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau…Vòng luẩn quẩn của sự giúp đỡ lẫn nhau giữa đại dịch như “hòn ngọc” giữa biển đông, “rất quý và đắt giá”, chẳng vật chất nào có thể mua được “tình người”. Dân gian có câu:“Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Không phân biệt dân tộc, giới tính, tuổi tác, địa vị của bất kỳ ai trong đại dịch này. Họ và ta như nhau, không giàu sang hay nghèo hèn, không chức vị tôi tớ, mà đồng lòng hô to “Việt Nam quyết tâm chống dịch”. Tình người vượt qua mọi định kiến, vươn lên cả rào cản giữa người với người để thấy được “Tình người là vô tận”. Nếu ai theo dõi các kênh thông tin đại chúng, hẳn thấy được Chính phủ Việt Nam đang chung sức cùng nhân dân chống dịch. Họ ban hành các chỉ thị giãn cách, chính sách tài chính, lương thực cho những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội…Chung quy lại những việc làm đó nhằm mong muốn nước ta yên tâm chống dịch, “ai ở đâu ở đó”, tình người lan tỏa khắp muôn nơi, từ Chính phủ đến các cơ quan ban ngành, đoàn thể, đến cá nhân. Các hoạt động thiện nguyện nhằm chung tay “đẩy lùi Covid”, tất cả những việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng, từ tình người vốn có tồn tại trong mỗi con người cũng có thể hiểu đó là “lòng trắc ẩn”. Các chiến sĩ bộ đội, công an, toàn thể y bác sĩ trên khắp cả nước đều tham gia tuyến đầu chống dịch, họ cống hiến không ngừng, có những trường hợp thân phụ, thân mẫu mất phải thọ tang ngay nơi công tác, bởi không thể về được, vì đó là nhiệm vụ mà đất nước, dân tộc giao phó. Nhưng may nhờ đồng đội, tập thể chia sẻ nỗi đau to lớn ấy, để tạo động lực cho những chiến binh anh dũng an tâm chống dịch. Những tấm gương hy sinh thầm lặng phải được kể đến, như các chiến sĩ công an hy sinh anh dũng giữa đại dịch. Thật khó có thể tin giữa thời bình họ lại hy sinh hiến thân bảo vệ Tổ quốc! Trung úy Nguyễn Văn Chiến, thượng úy Phan Tấn Tài, đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh,…và nhiều tấm gương anh dũng đã không ngần ngại “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, xin phép gọi họ bằng danh hiệu “Chiến binh thép”! Họ ra đi, để lại trong lòng người thân và đồng bào sự tiếc thương, cảm động, hơn cả là sự cảm ơn những chiến binh thầm lặng trong tuyến đầu chống dịch. Có khi lặng nhìn, ta cảm thấy mình thật nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc, cũng có khi ta như hạt nước nhỏ giữa biển cả trùng trùng sóng biển. Những việc làm mang đậm tình người ấy ắt hẳn sẽ chạm đến những trái tim đang thao thức từng ngày cống hiến cho xã hội như thế hệ tiền bối đi trước. Mới đây, được tin anh Vũ Quốc Cường qua đời vì dịch bệnh. Chính phủ đã viết thư chia buồn, động viên gia đình anh vì những cống hiến mà anh thực hiện trong suốt thời gian qua. Trước khi mất, anh tham gia hoạt động bếp ăn “Cường Béo”, một bếp ăn xã hội giúp người khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công việc thiện nguyện mà anh cùng cả hội thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua, giờ tạm gác lại, anh đã mệt lắm rồi, anh đành giao phó bếp ăn cho các hội viên duy trì để phục vụ bà con khó khăn, Bởi lẽ đời là “vô thường”... Các chiến sĩ chống dịch trên khắp đất nước, các ca sĩ diễn viên, các tăng ni cùng Phật tử vào tuyến đầu chống dịch. Công ty Shopee cống hiến không ngừng cho đất nước ta để đại dịch nhanh chóng kết thúc: Đóng góp máy thở oxi, áo bảo hộ, các vật cần thiết để phục vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh thành ở miền Nam chống dịch. Ông Đoàn Ngọc Hải vác bình Oxy đến tận nhà bệnh nhân điều trị Covid, thủ tướng Phạm Minh Chính đi tận nhà thăm hỏi người dân với phương châm “Thà chịu khổ 10 ngày, 20 ngày còn hơn chịu khổ cả năm”. Một bó rau, một bao gạo, một ít gia vị, một thùng mì gói cũng đủ cho bà con chống chọi dịch bệnh này!…Họ đồng thời cũng quyên góp một chút “tình người” vào đại cuộc “Đẩy lùi đại dịch”…Và còn nhiều tấm gương khác trên mọi miền Tổ Quốc mà không sao kể hết. Xin phép gọi đó là “Những đóa hoa tỏa ngát hương thơm cho đời”. Họ như những tượng đài bất tử về lẽ sống hiến dâng cao đẹp. Đức Phật Thích ca từng dạy hàng đệ tử rằng: “Bình an đến từ trong thân tâm, đừng tìm kiếm nó ở bên ngoài”. Giữa trận đại dịch này, chúng ta hãy nuôi dưỡng thân tâm an lạc, thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cùng chung tay vượt lên nghịch cảnh hiện tại. Sẽ không còn những tiếng khóc than thảm sầu khắp chốn, sẽ không còn những cái chết vì dịch bệnh, sẽ không còn những tiếng thở than vì mất mác quá lớn, những tiếng gào thét thấu tận trời xanh sẽ chìm dần vào dĩ vãng… Khi cho đi ta còn tất cả, những thứ ta cho đi chẳng hề mất đi mà đâu đấy ta thấy được những nụ cười rạng rỡ, cũng có khi là nước mắt của sự vui mừng. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, tôi có gạo có tiền có thể cho tất cả để thấy rằng lòng tôi trải rộng ra muôn dân, để đất nước tôi ngày càng đoàn kết, ngày càng tiến bộ văn minh trong tình thế ngặt nghèo như thế! Lev N.Tolstoy từng khẳng định rằng: “Ai cũng nghĩ về chuyện thay đổi thế giới, nhưng chẳng ai nghĩ đến việc thay đổi chính bản thân mình”. Vì thế, chúng ta nên thay đổi ý thức trách nhiệm của cá nhân trong sự hiểu biết, từ việc thay đổi nhận thức cá nhân đến thay đổi nhận thức về cộng đồng, là điều tất yếu! Dân tộc Việt Nam hãy cùng nhau lan tỏa tình người trong đại dịch, để cùng nhau sưởi ấm những trái tim đã từng đóng băng vì mất mát đau thương, vùi lấp đi hạnh phúc vốn có như một hành động ủi an xoa dịu, cảm thông họ. Đến một lúc nào đó, tình người san sẻ hết đi mọi khổ đau, bất hạnh về thể xác lẫn tinh thần, để tình người chạm đến trái tim ấm nồng và sắp bị băng hoại do cú sốc quá lớn.