Nhưng trong số đó, có hơn 300 thanh niên, sinh viên từ 14 đến 30 tuổi đã chọn cho mình những ngày nghỉ đặc biệt hơn hết, đó là trở về tham dự khóa tu mừng năm mới tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội diễn ra trong hai ngày 31/12/2018 và 1/1/2019. Các bạn trở về nương tựa ngôi nhà tâm linh để tìm cho mình những phút giây sống chậm bình lặng và an nhiên bên quý Thầy và các bạn đồng trang lứa, rũ bỏ lại ngoài cánh cửa thiền môn những mệt nhoài của công việc, những áp lực của thi cử học hành, những sân si não hại của cuộc sống thực tại.
Ngay từ đầu giờ chiều, tưởng chừng như tiết trời Đông Hà Nội muốn thử thách lòng người với nhiệt độ 10 độ C lạnh buốt, vậy mà cũng không cản được những trái tim cùng chung nhịp đập. Hơn 300 bạn trẻ đã cùng trở về mái già lam thanh tịnh, lễ Phật lễ Tổ, giao lưu làm quen với nhau để cùng đón chờ một khóa tu 48h đầy ý nghĩa.
Đúng 15h00, Hòa thượng trụ trì cùng đại diện các bạn khóa sinh tham dự khóa tu đã thực hiện nghi thức dâng hương lễ Phật, yết Tổ để cầu nguyện một khóa tu thành tựu viên mãn.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm pháp tòa, thuyết giảng cho các bạn trẻ nghe về chủ đề của khóa tu – đó chính là “Sống tử tế”.
Trước tiên, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ và cảm ơn các khóa sinh, bởi trong ngày đặc biệt này, các bạn đã bỏ việc về quê hay tham gia vào những cuộc chơi ngoài xã hội, mà chọn cho mình cách trở về chùa tụng kinh, nghe Pháp, cùng quý Thầy và các bạn đồng trang lứa đón chào một năm mới an nhiên và hạnh phúc. Hòa thượng mong rằng “trong suốt năm qua, nhờ ơn Tam Bảo gia hộ, chúng ta đã có những điều được thành công trong cuộc sống, nhưng bên cạnh đó còn có 1 số điều chưa vừa ý, ta cũng hoài niệm và bỏ qua để cho năm mới được tốt đẹp”.
Tiếp đến, Hòa thượng chia sẻ với các bạn trẻ về ý nghĩa của khóa tu mừng năm mới tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), và những mong muốn mà Hòa thượng cùng Ban tổ chức đã gửi gắm vào trong từng chương trình tu học của các bạn. Đối với dân tộc ta, Hàng năm đều có ngày Tết cổ truyền, và tất cả các tập tục đón mừng năm mới đều diễn ra trong dịp Tết này. Vào khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, ai ai cũng háo hức đón chào những điều mới và những điều tốt lành. Nhưng bên cạnh đó, cùng với sự phát triển như vũ bão của xã hội hiện nay và sự du nhập của nhiều nền văn hóa đông tây, có nhiều bạn trẻ đã “quên” đi những giá trị tốt đẹp truyền thống trong văn hóa cha ông bao đời để lại. Vì vậy, Hòa thượng luôn muốn các bạn trẻ sẽ hiểu và giữ được nét truyền thống văn hóa tốt đẹp cả nghìn năm của dân tộc vào dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên vào dịp đó, các bạn phải trở về bên gia đình. Vì vậy trong suốt những năm qua, vào ngày cuối cùng của năm Dương Lịch, Hòa thượng đều tổ chức một chương trình chào đón năm mới “để chúng ta được ngồi cạnh nhau, cùng ôn lại những truyền thống tốt đẹp, cùng chúc cho nhau những điều tốt lành, cùng hồi tưởng lại những việc được hay chưa được trong năm trước và cùng chọn một chủ đề cho năm mới để chúng ta sẽ lấy đó làm mục tiêu, định hướng trong cả một năm mới dựa trên tinh thần lời dạy của Đức Phật cũng như lời dạy của ông bà, tổ tiên từ ngàn xưa”.
Trong thời đại hiện nay, công nghệ phát triển đang giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, cũng chính điều đó làm ta trở nên lười biếng và ỷ lại. Những truyền thống quý báu dần mai một, những buổi họp đoàn viên thay bằng những cuộc điện thoại chóng vánh, những lần cả nhà sum họp quây quần gói bánh chưng và canh bánh chờ trời sáng cũng dần thưa, nhường lại cho việc “Đặt – mua” cho “tiện lợi đỡ mất thời gian”. Những tình cảm ấm áp cũng cứ thế dần nguội lạnh, cuộc sống cứ thế mà gấp gáp trôi qua chẳng đọng lại điều gì.
Chúng ta ngày càng trở nên thờ ơ với những người xung quanh và cộng đồng. Tình thương và trách nhiệm có vẻ như đang vơi dần đi trong đời sống hiện tại. Vì vậy, trong thời pháp thoại này, Hòa thượng đã gửi gắm tới các bạn khóa sinh thông điệp về “Sống tử tế”.
Phật giáo ra đời cách nay 25 thế kỷ và tinh thần từ bi, bình đẳng, yêu thương của Đạo Phật đã được ông cha ta đón nhận trên 2000 năm có lẻ. Ông bà ta có dạy “chết vinh còn hơn sống nhục”. Khi chúng ta đi qua 1 dòng sông, chúng ta vì lòng thương giữa con người, ta nhảy xuống cứu người, không may nếu hi sinh thì ông cha ta gọi cái chết đó là cái chết vinh quang, còn nếu chúng ta dửng dưng nhìn người ta vật lộn dưới dòng nước thì cả đời chúng ta bị hình ảnh đó ám ảnh, chúng ta tự thấy bản thân mình nhỏ nhoi và ích kỷ, ông cha ta nói đó là sống nhục. Nhân quả có dạy rằng “Quả đất tròn”. Khi ta giúp được người điều gì thì ngày mai, nếu ta ở trong hoàn cảnh khó khăn tự nhiên sẽ có người khác tới giúp đỡ. Ta đừng nghĩ rằng ta đang giàu có, đang có tiền mà chê khinh những người nghèo khó. Từ địa vị giàu sang, đến cảnh nghèo khó cũng chỉ trong khoảnh khắc. Nếu theo quan niệm của Tổ tiên ta là khi ông trời cắt lộc của người đó, hoặc theo quan điểm của đạo Phật là nếu người đó hết phúc thì từ giàu có cũng thành cảnh bần hàn. Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta phải biết sống với tình yêu thương, giúp đỡ mọi người và không cầu được trả ơn.
Sống tử tế là sống nhân hậu, yêu thương, thủy chung, liêm khiết, giữ được chữ tín, dám nghĩ, dám làm nhưng cũng dám chịu trách nhiệm và sống thượng tôn pháp luật. Ta sống nhân hậu, thương yêu người khác thì cuộc sống cũng nhân hậu và yêu thương lại đối với ta. Trong Phật giáo, bằng 8 con đường chân chính đó là: sự thấy và biết chân chính, suy nghĩ chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, cuộc sống chân chính, tinh cần chân chính, luôn nhớ nghĩ những điều chân chính và cuối cùng là chúng ta luôn nhất tâm, an trú trong điều chân chính. Nếu ta biết làm theo tám con đường chân chính đó thì tự khắc chúng ta sẽ trở thành người sống tử tế nhất.
Hòa thượng nhấn mạnh “Đức Phật có dạy về 4 điều để làm nên một cuộc sống tử tế. Đầu tiên đó là niềm tin. Khi con người có niềm tin, chúng ta dễ dàng đặt niềm yêu thương và thông cảm cho những người xung quanh. Lúc đó chúng ta sẽ có một đời sống an lạc và hạnh phúc.
Điều thứ hai là sống theo giới luật. Đối với tư cách là một công dân, chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Đối với tư cách là một người con Phật, chúng ta phải biết giữ 5 giới là không sát sinh, không trộm cắp, giữ các mối quan hệ chân chính, không nói dối và tránh xa những thứ đam mê, chất kích thích, gây nghiện.
Thứ ba đó là sống phải biết cúng dàng Tam bảo, bố thí, sẻ chia với mọi người bằng tình thương yêu nhất. Sống bố thí làm cho tâm hồn mình thảnh thơi và làm xích gần mối quan hệ giữa con người với con người. Khi ta cúng dàng Tam Bảo với tấm lòng thành kính nhất, dù giá trị của món cùng dàng không lớn lao nhưng chúng ta cũng sẽ có được những công đức lớn lao. Người có tiền trăm, bạc triệu hay các bạn sinh viên không có nhiều tiền mà biết đến chùa làm công quả, cả hai việc đó mà làm với cùng một sư nhất tâm thì đều có công đức lớn như nhau.
Điều thứ 4 là trí tuệ. Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, tiếp xúc với mọi người, chúng ta phải biết suy nghĩ trước sau để đánh giá và có hành động cư xử đúng mực trong mọi tình huống. Hãy dùng trí tuệ trong tình yêu thương, hãy dùng trí tuệ để sống với nhau, biết phân tích lợi ích tác hại bằng trí tuệ của con người, bởi trí tuệ là điều quan trọng nhất trong số 4 điều trên để chúng ta có thể sống một đời sống tử tế”.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng “hãy nguyện một năm sống chân thật, sống bằng tấm lòng tử tế nhất, tin vào luật nhân quả, nếu sống tử tế với người khác thì chúng ta cũng sẽ nhận lại được sự tử tế. Nếu tất cả cùng sống tử tế sẽ thiết lập được một cuộc sống chân hạnh phúc”.
Sau thời pháp thoại đầy ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì truyền trao, các bạn khóa sinh tiếp tục đến với một nghi thức vô cùng thiêng liêng đó chính là nghi thức phụng thỉnh Tổ Tiên về lễ Tam Bảo, nghe pháp cùng tu với con cháu. Đây chính là việc nhằm tái hiện lại nghi thức cổ truyền ngày 30 Tết, các gia đình thường ra mộ hoặc làm mâm cơm dâng lên bàn thờ thắp hương mời Tổ tiên cùng về với con cháu.
Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm đối trước Phật đài tụng thời kinh Vu lan báo hiếu, hồi hướng công đức lành về cho Tổ tiên ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.
Khi hoàng hôn buông xuống, bữa cơm ngày cuối cùng của năm cũ đã tới, cũng là lúc cả gia đình tâm linh cùng quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm cuối năm đoàn viên sum họp ấm áp với bánh chưng chay và những món ăn chay thanh tịnh. Trong tiếng nhạc thiền du dương dịu dàng, lòng người dường như cũng nhẹ nhàng lại. Thầy cùng đồng lòng với trò, bình đẳng không phân biệt, mỗi người một hộp cơm bé xinh, lắng lòng lại thưởng thức bữa ăn thanh tịnh, cảm nhận trong lòng sự ấm áp đồng điệu của những con tim cùng chung một nhịp đập tỉnh thức.
Buổi tối cùng ngày, khi chỉ còn cách mấy tiếng ngắn ngủi nữa là sẽ bước sang năm mới 2019. Tất cả các bạn trẻ đã cùng về lại lễ đài, cùng bên nhau dâng lên cúng dàng Tam Bảo những lời ca tiếng hát của tuổi trẻ để ca ngợi quê hương đất nước giàu đẹp, ca ngợi lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, nêu cao tinh thần hòa bình của dân tộc, xiển dương giáo lý Phật Đà dưới sự chứng minh của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Phó Ban hoằng pháp TW, Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Phó trưởng Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử TW, trụ trì chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng) cùng sự tham dự của Ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A, NSND Lan Hương, NSUT Đỗ Kỷ, Võ sư Trần Nam Trung – Chủ nhiệm võ đường Nam Thiên Phật Môn Quyền.
Kết thúc chương trình văn nghệ, Hòa Thượng Trụ Trì cùng quý chư tôn đức Tăng, các vị khách mời và toàn thể các bạn khóa sinh đã cùng đối trước Phật đài, lắng đọng tâm tư nhìn lại một năm đã qua, sám hối trước Tam Bảo, trước bàn thờ Tổ tiên những điều muộn sầu, lo lắng, những điều không vui xảy ra với chính mình và gia đình. Nhìn lại lần cuối, khép lại quá khứ để rồi từ đó sẽ mở cửa tương lai. Tất cả cùng nhau nhìn về một năm mới sắp đến, viết ra cho mình những kế hoạch, những ước mơ trong năm mới và treo những điều tốt đẹp đó lên cây ước nguyện, thầm cầu mong những điều mình mong muốn sẽ thành hiện thực. Cây ước nguyện chính là tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc, cho sự tươi mới, cho sự phát triển xum xuê tươi tốt, dự báo một năm mới đầy may mắn, mạnh khỏe, thành công và đầy bình an.
Sau đó, các bạn trẻ lại tiếp tục được tham gia vào những trò chơi dân gian như: Nhảy sạp, đập niêu đất, nhảy dây, kéo co,..v.v.. Những trò chơi chính là tái hiện lại của một lễ hội làng, của những gì dân dã, quen thuộc và bình dị nhất. Các bạn đã được sống lại với những kí ức tuổi ấu thơ, được cười giòn tan như những đứa trẻ con ngây ngô ngày nào bên đám bạn đồng trang lứa.
Đúng 23h30, toàn thể đại chúng đã vân tập về lễ đài, cùng quý thầy đỉnh lễ Tam Bảo, tĩnh tọa ngồi thiền trang nghiêm vững chãi. Trong thời khắc đất trời chuyển giao, thời khắc bánh xe thời gian sắp hoàn thành một vòng quay trong chu kỳ của mình, đại chúng nhất tâm giữ lòng thanh tịnh, hướng về Phật đài, lắng nghe từng tiếng chuông ngân vang trong đêm lặng, để những nỗi muộn phiền dần được buông bỏ, sự an lạc thảnh thơi cứ thế lắng sâu tràn đầy trong tâm thức. Ai ai cũng thầm cầu nguyện những điều tốt đẹp cho riêng mình, hồi hướng về Tổ tiên quá vãng được siêu sinh Tịnh Độ, cha mẹ hiện tiền tăng phúc tăng thọ.
Đúng thời khắc giao thừa, các bạn đã được đón nhận lời chúc mừng năm mới 2019 đầy ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm về thông điệp “Sống tử tế”. Hòa thượng nhấn mạnh “Từ xa xưa cho đến tận ngày nay, Phật giáo đi vào cuộc đời nhằm tạo nên một XÃ HỘI TỬ TẾ :
+ Nơi đó mọi sự tranh chấp quyền lợi nguy hiểm bị lên án. Sự yên lành, hòa bình chế ngự sự hơn, thua, sự vu cáo, kết án người vô tội bị phản đối kịch liệt.
+ Nơi đó người tự chiến thắng chính mình được tôn vinh nhiều hơn kẻ đã thắng triệu người khác bằng chiến tranh vũ khí hay kinh tế.
+ Nơi tình thương chế ngự hận thù; tử tế chế ngự ác độc, mọi lòng tham không ô uế lòng người.
+ Nơi đó mọi chúng sinh, đều được đối xử công bằng, tế nhị và thương yêu… tất cả mọi hành động đều xuất phát từ lòng từ bi.
Mọi thứ hiện hữu trên cuộc đời này đều luôn thay hình đổi dạng, từ hoàn cảnh sống cho đến thân tâm của chúng ta: sinh diệt và biến đổi trong từng giây từng phút. Chính sự vô thường này đã khiến cho những ai chưa có cơ hội tỏ bày lòng biết ơn của mình đối với ân nhân và chưa kịp sống tử tế với nhau .. thì sẽ cưu mang niềm tiếc thương, ân hận khi biết được người thân yêu đã vắng bóng, xa lìa. Để không tạo ra sự hối tiếc, hụt hẫng về sau, ta cần phải sống cho tử tế và hết lòng quý mến nhau trong thời điểm hiện tại, không nên chờ đợi, hứa hẹn sẽ làm điều gì đó ở tương lai.
Vì thế, chúng ta phải thường xuyên chính niệm tỉnh thức, tử tế thiện lành để thiết lập một nếp sống an vui hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh phồn thịnh. Đồng thời, phát huy khả năng hiểu biết và lòng thương yêu vô hạn vốn có trong mỗi con người”.
Lời chúc phúc và sách tấn của Hòa thượng trụ trì kết thúc cũng là lúc đồng hồ điểm 0g00′ – ngày 01/01/2019, ngày đầu tiên của năm mới, ngày đất trời thêm một tuổi mới. Các bạn sinh viên, thanh thiếu niên vô cùng vui mừng khi tiếp tục được đón nhận lời chúc phúc năm mới của cặp vợ chồng vàng của làng điện ảnh Việt – NSUT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương. Từ đó, lại càng háo hức chờ đợi ngọn lửa được Hòa thượng đón nhận từ bàn thờ Phật truyền ra bên lửa trại. Ngọn lửa hồng bập bùng cháy trong đêm u tịch, như chính sức trẻ và nhiệt huyết của các bạn trong thời hiện đại. Ngọn lửa mang lại sự ấm áp giữa đêm đông giá lạnh, khiến những trái tim như đang hòa cùng một nhịp đập và sát lại gần nhau hơn, trao cho nhau tình bạn cao quý, cùng nắm tay nhau hát vang, nhảy múa bên đám lửa hồng trong thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, chính tình đoàn kết của các bạn đã tạo nên sự ấm áp xua tan đi cái giá lạnh khắc nghiệt của đêm đông Hà Nội. Những tiếng chúc tụng “CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2019” cứ vang mãi khắp không gian, phá tan đi cái tĩnh lặng vốn dĩ của màn đêm…