22/04/2020 11:28

Bài dự thi số 42 - ĐĐ. Thích Thanh Tâm

CẢM NIỆM ĐẤNG ĐẠI HÙNG

 Kính dâng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhân mùa Phật đản 2564

 Tỳ kheo Thích Thanh Tâm

Cái thuở hoang vu, ai hóa thân giọt nắng, lênh đênh điểm nhịp tử - sinh. Những chiếc bóng mờ ảo giữa cuộc phù sinh đã hội nhập, trở về ngôi nhà ngày xưa một thời khắc khoải ra đi về mọi phương sở theo tiếng gọi từ cõi uyên nguyên vọng về. Một ngọn nến lụi tàn; đốm lửa đi vào hư vô sưởi ấm cõi hư linh ngàn năm mộng mị; mưa gió chợt về ôm chút tro nguội như hối tiếc một chút gì của người xưa còn đọng lại bên lề cuộc lữ.

Ngay từ những ngày đầu của tháng 4 âm lịch, trên khắp các con phố, nẻo đường dẫn về chùa, cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu rực rỡ tung bay trong ánh nắng đầu mùa, làm người đi đường thấy rộn ràng háo hức. Kiệu hoa, vườn Lâm Tỳ Ni, xe hoa, đèn… đã được chư Tăng và Phật tử trang trí trang nghiêm. Niềm vui của những người con Phật như tràn ra ngoài cổng chùa, len vào từng con phố nhỏ; đâu đâu cũng thấy người dân dặn dò nhau chuẩn bị đi rước Phật, hay về chùa lễ Phật và tắm Phật những ngày này. Người người nhà nhà đều hân hoan mừng đón kỉ niệm ngày đản sinh của Đức Phật, như kỷ niệm một ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Đấy, đã bao năm như thế, chúng con đã đi tìm Thế tôn từ những hình tướng bên ngoài; thấy thân quen với hình ảnh lễ đài rực rỡ, xe hoa đèn điện chói lòa, những diễn văn hùng hồn, cờ xí ngập trời, nhà nhà rước Phật, trẻ em nô nức kéo cha mẹ đi theo, khi mỗi lúc mùa Phật đản về. Để rồi, năm nay, 2564, những hình ảnh thân thương đó, tất cả chỉ gói gọn lại trong tâm hồn mà thôi. Từ đó, không vươn ra bên ngoài để chạy theo hình tướng, chúng con trở về góc riêng để đi tìm Ngài. Chúng con đi vào bên trong, trong nếp sống u tịch chốn thiền môn và trong tâm khảm người học trò bé bỏng của Ngài để thầm gọi: “Đức Thế tôn ơi!’

Thuở xa xưa, có một vương tử mà ngai vàng đã dọn sẵn, vó ngựa chinh phục đã sẵn sàng yên cương. Rồi một đêm, vương tử gọi quân hầu thắng cho Ngài con tuấn mã trường chinh, nhưng vó ngựa của Ngài không tung hoành chiến trận mà dấn thân vào thâm sơn tầm đạo. Gót chân vương giả từ đó lang thang khắp chốn sơn cùng thuỷ tận; cô đơn bên bờ suối, dưới gốc cây. Ngài đi tìm gì? Ngài đi tìm cái gì đó chí thiện, tìm con đường hướng thượng, tìm dấu vết của sự tịch mịch tối thượng.

Để rồi, năm tháng trôi mau. Hình ảnh tuyệt hảo của Đấng Đạo sư đã hiện hữu giữa thế gian, gần 3000 năm lịch sử. Từ đó, các hành giả dấn thân trên con đường Ngài chỉ dạy. Cho nên, trên những trang kinh kiến sâu loang lổ, ánh lửa vô thường cháy xém chữ câu. Ai đã đi theo từng đốm nắng không màu, mong vẽ lại ánh triêu dương chánh Pháp. Chúng con vẫn lặng lẽ, nhặt từng con chữ, qua từng trang Kinh, thêu dệt chân dung đấng Đại Hùng. Chúng con đã đi tìm Ngài bằng những cảm xúc như thế!

Dẫu đang phiêu dạt nơi nào trong dòng đời sanh tử, Đức Thế Tôn vẫn là nguồn ánh sáng, hướng chúng con về bến đỗ tâm linh. Ngài đã chỉ chân lý tối hậu, soi rõ chân và giả, giúp chúng con nhìn xuyên qua ảo tưởng mà tự đi vào con đường giác ngộ. Từ đó, giữa vũng lầy của cuộc sống, trong vòng xoáy của luân hồi, chu kỳ bất tận của sinh và tử, đạt được và sự mất mát, nỗi đau và niềm vui mà chúng con phải tìm kiếm một lối thoát khỏi rối loạn của vật chất, để hướng đến lý tưởng cao cả về đạo đức và nhân đạo như là thông điệp cao khiết cho sự xuất hiện của Ngài.

Với trí tuệ sâu sắc Ngài hướng chúng con đến sự thực hành và nhìn thấy, chứ không phải là một tín ngưỡng bằng lời nói để chỉ đơn thuần là tin. Cuộc sống của Ngài là bài Pháp đơn giản nhưng sâu sắc, một sự kết tinh của tầm nhìn với sự thật kinh nghiệm sống. Ngài luôn nhắm đến các vấn đề con người, vấn đề khổ đau, mở ra cánh cửa giải thoát cho kiếp người. Như vậy, Ngài xuất hiện với một thông điệp của sự giải thoát và an lạc trong cuộc sống, mở tung cánh cửa cuộc đời nhằm tạo dựng một thế giới an bình cho nội tâm và ngoại cảnh; bằng cách chuyển hóa từ chính trong sự nhận thức tầm thường của dục vọng, từ sự ham muốn thúc đẩy của dục ái và từ sự ham muốn dứt khoát xả bỏ tư duy giữa cái ta và của ta mà đi đến bến bờ hạnh phúc. Sự xuất hiện ấy như một lời minh triết trao đến loài người, làm tan vỡ hệ tư tưởng ràng buộc trong xã hội đã ăn sâu vào tâm trí con người. Sự giải thoát khỏi hệ lụy của một hệ tư tưởng thần thánh thời ấy đã mang đến nhiều hạnh phúc cho nhân loại; bất kể đó là nam hay nữ, sang hay hèn và bất kể người đó thuộc sắc tộc gì hoặc địa vị nào trong xã hội.

Chúng con cảm nhận, sự xuất hiện của Đức Thế Tôn trong kiếp sống nhân sinh để xua đi muộn phiền; cho ánh sáng từ bi và trí tuệ hiện hữu như tiếng chuông vang vọng giữa đam mê. Tiếng chuông ấy đưa người về tỉnh giác. Giữa đêm trường thanh vắng, tiếng chuông ngân dài, âm vang mấy ngàn năm lịch sử đã qua. Tiếng chuông giữ nhịp thời gian, là ký ức, là hoài niệm, là dòng chảy cuộc đời. Dẫu giữa lòng phố thị náo nhiệt, bất an, nhiều âm thanh hỗn tạp, nhưng chúng con vẫn thấy ấm lòng khi nghe tiếng chuông ngân.

Trong không gian u lắng, tịch mịch, giữa chốn thiền môn, ánh trăng nửa vành nghiêng mình treo giữa khoảng không. Tiếng quạ rớt qua làn sương mờ ảo như tiếng tơ lướt nhẹ qua từng phím đàn. Ánh nến ai le lói cuối đêm dài, hay là của ông chài cần mẫn trong chuyện mưu sinh. Cây phong bờ sông đỏ rực như ánh lửa chiều tà với niềm cô quạnh. Nỗi buồn hoài cổ hay mơ về một cung đàn xưa, giọt sầu nặng như hạt mưa, màn the cung Quế, lưa thưa lạnh lùng. Nghe lòng mình xao xuyến nỗi cô liêu. Chợt, trong khoảnh khắc ấy, tiếng chuông chùa thanh thoát, u nhã, huyền nhiệm mời con người trở về với giây phút hiện tại.

Tìm tâm nơi cơm nước. Thấy Phật lúc nói cười. Đây là câu đối mà Cố thiền sư Huyền Quang – bậc danh Tăng Việt Nam thời hiện đại - đã treo trong phòng khách một ngôi chùa cô quạnh giữa mênh mông ruộng lúa như một thông điệp cao khiết trong chốn bùn lầy tử - sanh. Điều này cho thấy, việc tu tập không phải ở phương trời nào xa vời, không phải ở ngôi chùa đồ sộ nào trên núi cao trập trùng mà chính nếp sống hằng ngày - môi trường để tìm tâm và thấy đức Phật hiển hiện trong từng khoảnh khắc nói - cười của thế gian.

Từ đó, con không còn lang thang ra phố thị để đi tìm Ngài, hay tìm chính bản thân mình? Không còn đứng trên cầu nhìn dòng sông Hàn cuộn chảy - các hạt nước đun đẩy, nương tựa nhau dịch chuyển - mà thốt lên ta chẳng là gì giữa biển đời mênh mông, hay về đâu giữa một thế giới muôn màu? Khi nội tâm có Phật, con đã tìm được bến đỗ bình yên. Hộ trì sáu căn, đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm; trau dồi ba học, vào ra cười nói tướng đoan nghiêm. Xem trọng vào hình thức hoành tráng hay đơn giản, vươn ra bên ngoài hay trở lại bên trong, tất cả đều là rỗng; chỉ làm vướng tầm nhìn của mình, làm cho ta chao đảo theo sóng thức luân hồi. Cuộc sống đơn sơ, nào xá chi chút danh vọng hão huyền; hiện pháp lạc trú, đâu cần chi tham hương vị giữa thế gian.

Cúi chiếc bóng linh hồn

Giải mã từng sợi vải

Nghe hư không dàn trải

Một chút tình liêu trai.

Một chút bâng quơ để nghe hương lúa trở mình, nghe đá lặng thinh và cuộc đời xuất gia có còn lạnh lẽo. Mùa Phật đản 2564 trở về trong hoài niệm về thân phận con người, chúng con mong, được gióng lên tiếng chuông tỉnh thức bên dòng sông đục - trong, trong trạng thái tĩnh lặng giữa trầm hương huyền ảo, để cảm niệm trọn vẹn ân đức đấng Đại Hùng. Biết đâu thực tại bây giờ và ở đây, gương mặt xưa nay, ẩn tàng trong một tiếng chuông khuya!

Trung ẩn sơn, Thiệu Long tự, Pl. 2020-2564

TTT.

Download Android Download iOS
Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

Thiểu dục tri túc - Một góc nhìn về chủ nghĩa tiêu thụ và bảo vệ môi trường của Phật giáo

PSO - Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý.

TP.HCM: 245 Phật tử tham dự Hội thi Giáo lý Phật tử 2024 tại quận Phú Nhuận

Sáng ngày 17/11/2024, tại Tổ đình Kim Sơn (phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận đã tổ chức Hội thi Giáo lý Phật tử cấp quận, huyện năm 2024 với sự tham gia của 245 thí sinh. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, có sự chứng minh và tham dự của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận cùng đông đảo Ph

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online