PSO - Sáng ngày 9/12/2024, Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN đã quang lâm về chùa Vĩnh Tràng (TP.Mỹ Tho) để có buổi chia sẻ về một số điểm mới trong Hiến Chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VII đến với chư Tăng Ni hành giả tham dự khóa Huân tu Kiết Đông lần 2, do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Mở đầu buổi thuyết giảng, Hòa thượng bày tỏ sự hoan hỷ khi Ban Tổ chức khóa Huân tu Kiết đông lần thứ 2 đã dành thời gian để Hòa thượng có dịp chia sẻ một số vấn đề căn bản của Hiến chương nhằm giúp chư Tăng Ni nắm rõ hơn để thực hành trong quá trình tu tập và hành đạo giữ xã hội Pháp quyền và thời đại kỷ nguyên số.
Với chuyên đề này, Hòa thượng đã trình bày về các phạm trù như: Lịch sử ra đời của Hiến Chương GHPGVN; Tại sao Hiến Chương cần sửa đổi nhiều như vậy? Việc sửa đổi đó có lợi ích gì cho Tăng Ni? Và những điểm mới trong Hiến chương GHPGVN đang có hiệu lực hiện nay.
Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đã luôn đồng hành cùng dân tộc, nhưng trong giai đoạn đầu của lịch sử Phật giáo chưa được thống nhất, kể cả trong thời đại vàng son Lý – Trần. Sau năm 1975, với bối cảnh của đất nước, Phật giáo có cơ hội thống nhất vì vậy chư Tôn đức đã quyết tâm ngồi lại để thực hiện lý tưởng tốt đẹp này. Năm 1981 Giáo hội thành lập và cho ra đời bản Hiến chương đầu tiên.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời tôn trọng và duy trì truyền thống các tổ chức, Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp.
Hiến chương sửa đổi lần thứ VII (năm 2022) được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Hiến chương đầu tiên được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước nhất trí thông qua năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ II năm 1987; lần thứ hai tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III năm 1992; lần thứ ba tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV năm 1997; lần thứ tư tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI năm 2007; lần thứ năm tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII năm 2012; lần thứ sáu tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VIII năm 2017.
Hiến chương sửa đổi lần thứ VII được thông qua, bao gồm 14 chương, trong đó có Lời nói đầu và 87 điều. So với Hiến chương cũ thì Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 nhiều hơn 1 chương và 16 điều. Mục đích của việc tu sửa Hiến chương là để phù hợp, đáp ứng một cách tốt nhất cho các hoạt động Phật sự, cho công việc tu tập của các chức sắc tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào Phật tử, quản lý Tăng Ni, tự viện theo đúng chánh pháp… Căn cứ sửa đổi Hiến chương GHPGVN dựa trên Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2015 và căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Hòa thượng chủ giảng cho biết Giới luật của Phật chế là để hướng dẫn Tăng Ni tu tập có khuôn phép, tránh những cơ hiềm của thế gian. Còn Hiến chương là những điều lệ mang tính Pháp lý để cho tập thể Tăng Ni hoạt động trong khuôn khổ và chịu trách nhiệm trước quốc gia.
Có 3 yếu tố cơ bản mà Hiến chương không bao giờ thay đổi đó là: Luôn tuân thủ giới luật Phật chế định; Phụng hành Giáo pháp; và Xiển dương Chánh pháp. Tuy ngôn ngữ Hiến chương có khác nhưng nội hàm của nó không khác với mục đích hình thành Giới luật thời Đức Phật.
Hòa thượng cũng nhấn mạnh: Hiến chương sửa đổi là phù hợp với Luật nhà nước quy định. Tuy nó có tính chất cao nhất với Phật giáo nhưng nó không thể so sánh với Pháp luật được. Việc điều chỉnh Hiến chương là để cụ thể hóa quyền lợi của tín đồ Phật giáo trước Pháp luật.
Nói về việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, cấp hành chánh thứ tư của Giáo hội - Ban Quản trị. Hòa thượng cho rằng: ngoài là để phù hợp với Luật pháp quy định còn là để thuận lợi trong quá trình yết ma trong các hoạt động Phật sự tại bổn tự theo đúng với tinh thần Giới luật Đức Phật chế định. Đây là lộ trình quan trọng để xây dựng cho Giáo hội nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung ngày càng vững mạnh trong hiện tại, tuy vậy cần phải có thời gian mới hoàn thành được đề án này.
Tự viện, Tăng Ni là nhân tố cốt lõi trong nguyên lý vận hành của Giáo hội. Cho nên xây dựng Tự viện vững mạnh, Tăng Ni tu học tinh nghiêm là điều quan tâm hàng đầu của mọi thời đại. Để trang bị cho Tăng Ni có đầy đủ kiến thức và khả năng phụng sự, hoằng truyền Phật pháp trong đương đại, chúng ta cần phải biết kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống với giáo dục khoa học hiện đại, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất cho Giáo hội các cấp.
Thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cũng như Ban Tổ chức khóa Kiết Đông, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang dâng lời niệm ân lên Hòa thượng Thích Huệ Thông. Sự quang lâm chia sẻ của Hòa thượng là một niềm khích lệ lớn đến với chư hành giả tham dự khóa tu.
Thượng tọa bộc bạch: Được xuất gia tu học trong giáo pháp Đức Phật dưới sự dìu dắt của chư Tôn đức là một hạnh phúc lớn, vì vậy Tăng Ni trong BTS Phật giáo Tiền Giang luôn phát nguyện cố gắng phụng sự để lập công bồi đức, phần nào đền trả bốn ơn sâu nặng. Tuy vậy chúng con vẫn luôn muốn nhận được sự chỉ dạy, nhắc nhở nhiều hơn nữa của chư Tôn đức mới mong hoàn thành trách nhiệm mà chư Tôn đức và Tăng Ni tin tưởng giao phó. Xin nguyện noi theo tấm gương của Hòa thượng để phụng hành Phật pháp. Nguyện cầu chư Phật gia hộ Hòa thượng luôn nhiều sức khỏe để làm thạch trụ chốn tòng lâm cho Tăng Ni nương đức.
Như Tùng - Trung Thượng