ĐI TÌM CƠ HỘI VÀ BƯỚC QUA THÁCH THỨC
KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀO CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP
(*) Tham luận của Thượng tọa TS. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN tại Hội thảo Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên năm 2019 tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đông
TÓM LƯỢC:
Trong xu thế phát triển không ngừng của thời đại kỷ nguyên số, trước những thuận lợi, thách thức đối với quốc gia, dân tộc trong thời kỳ bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ, Phật giáo cũng không ngoài cuộc, trên tinh thần nhập thế Hoằng dương Chánh Pháp. Chương trình “Hội thảo Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử” tại tỉnh Lâm Đồng năm 2019 – Chủ đề trọng tâm “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử” - Những Sứ giả Như Lai trên hành trình nhập thế kết nối đạo đời Hoằng pháp lợi sanh cần chuẩn bị gì và “Đi tìm cơ hội, bước qua thách thức khi ứng dụng công nghệ số vào công tác Hoằng pháp như thế nào?”
HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương và chư Tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp Trung ương tại buổi tọa đàm về ứng dụng công nghệ số trong công tác hoằng pháp
A. DẪN NHẬP:
Mở đầu cho bài Tham luận, xin phép trích dẫn lời khai thị của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong Thông điệp gửi đến Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc (PL.2563 – DL.2019). Ngài dạy rằng:
“Vesak là sự kiện thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Đức Phật: ngày Đức Phật đản sinh, ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Đây là sự kiện hy hữu của toàn nhân loại như trong Kinh điển Nikaya có ghi: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người. Đó là đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác”. Đức Phật là bậc Đạo sư đại Giác ngộ. Ngài đã đem đến cho nhân loại bức thông điệp hòa bình, hạnh phúc thương yêu, mở ra con đường mà tự thân mỗi người phải vượt qua sự cám dỗ và chi phối của lòng tham, sự sân hận, si mê của con người để tiến đến cảnh giới giác ngộ, đó chính là con đường tu tập Giới - Định -Tuệ hướng đến sự an lạc, giải thoát là lẽ đích thực và cứu cánh của cuộc sống.
… Lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam đã minh chứng về một nền Phật giáo nhập thế. Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam giành được nền độc lập tự chủ vào đầu Thế kỷ thứ X, trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Phật giáo đã trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên bản lĩnh, bản sắc văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Các vị Thiền sư cao Tăng, đồng thời cũng là những nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại, là những người có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời kỳ Phật giáo vàng son, cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc.
TT.TS. Thích Minh Nhẫn trình bày tham luận
Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng trước những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay càng khẳng định điều đó. Đồng thời, khẳng định vai trò và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế.”
Có thể nói, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) 2019 được tổ chức tại Việt Nam lần thứ 3 thành công viên mãn với nhiều kỷ lục được xác lập, thêm một lần nữa khẳng định tầm nhìn, uy tín, và vị thế của Đất nước Việt Nam ta nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nói riêng trên lộ trình hội nhập toàn cầu, mở ra nhiều vận hội mới trong tương lai gần. Một trong những yếu tố làm nên thành công rực rỡ này chính là việc ứng dụng công nghệ số cùng sự tham gia truyền thông tích cực của các phóng viên, báo đài từ Trung ương đến địa phương và các kênh truyền thông chính thống của Phật giáo mang nội dung kết nối, quảng bá khi lần đầu tiên Vesak LHQ 2019 được xác lập kỷ lục là Đại lễ Phật Đản quốc tế lớn nhất, Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất và vượt kỷ lục.
Trong xu thế phát triển không ngừng của thời đại kỷ nguyên số, trước những thuận lợi, thách thức đối với quốc gia, dân tộc trong thời kỳ bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ, Phật giáo cũng không ngoài cuộc, trên tinh thần nhập thế Hoằng dương Chánh Pháp. Chương trình “Hội thảo Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử” tại tỉnh Lâm Đồng năm 2019 – Chủ đề trọng tâm “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử” - Những Sứ giả Như Lai trên hành trình nhập thế kết nối đạo đời Hoằng pháp lợi sanh cần chuẩn bị gì và “Đi tìm cơ hội, bước qua thách thức khi ứng dụng công nghệ số vào công tác Hoằng pháp như thế nào?”
“ĐI TÌM CƠ HỘI VÀ BƯỚC QUA THÁCH THỨC KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀO CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP”
B. NỘI DUNG:
1. Xuất phát điểm:
Phật giáo Việt Nam trong quá trình đồng hành gắn bó cùng lịch sử dân tộc đã tạo nên những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa đặc sắc, làm nên sức mạnh kiên định cho cả dân tộc cùng vượt qua mọi cuộc xâm lăng, sự đô hộ, đồng hóa hàng ngàn năm để luôn giành chiến thắng. Bằng tinh thần nhập thế, các dòng phái Phật giáo Việt Nam đã hòa nhập vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, tinh thần từ bi hướng thiện bao dung của giáo lý nhà Phật hòa quyện cùng đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hiếu tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống thiện lương của đồng bào ta bao đời nay. Phật giáo là một Tôn giáo lớn có đông tín đồ tại Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử trên hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc với sứ mệnh thiêng liêng “Hộ Quốc, An Dân”. Thời kỳ Phật giáo vàng son, cũng đồng thời là thời kỳ hưng thịnh của đất nước.
Hiện nay, trước tình hình đất nước hội nhập sâu, kinh tế và đời sống của nhân dân không ngừng phát triển; một bộ phận kẻ xấu trong và ngoài nước luôn luôn tìm mọi cách chia rẽ tinh thần đoàn kết tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự, nhằm thực hiện ý đồ “Diễn biến hoà bình”. Những thế lực ấy đã tận dụng mọi cơ hội tạo ra các thông tin tiêu cực, trái chiều, từ không thành có, chuyện nhỏ xé to, mang tính xuyên tạc, cố ý bôi nhọ đời sống phạm hạnh của Tăng đoàn và Giáo hội, làm tổn hại đến uy tín và niềm tin của đạo Phật trong lòng quần chúng.
Hơn bao giờ hết, việc đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp là một yêu cầu cấp bách nhằm phát triển các hoạt động giáo dục, văn hóa, từ thiện, an sinh xã hội và nỗ lực phát huy tốt việc ứng dụng truyền thông mạng - mạng xã hội trong việc tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni trong hoạt động Hoằng pháp lợi sanh đặc biệt là các công tác thiện nguyện xã hội nhằm chuyển tải tinh thần dấn thân cống hiến phụng sự chúng sanh của người Tu sĩ Phật giáo đến gần hơn với cộng đồng. Làm sao để nắm bắt cơ hội trong công tác truyền thông Phật giáo khi hướng đến mỗi một Phật tử có sử dụng thiết bị điện thoại thông minh sẽ trở thành thành viên truyền thông của Phật giáo, mỗi một Phật tử là một Hoằng pháp viên của thời đại công nghệ kỹ thuật số?
Trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, Truyền thông mạng – Mạng xã hội đã thực sự trở thành sức mạnh không thể phủ nhận trong đời sống xã hội, thậm chí trong một vài trường hợp ở một vài nơi, mạng xã hội đã trở thành quyền lực thứ năm sau các quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí ở một số quốc gia.
Nhận thức được điều đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật Giáo Toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã nêu bật điểm thứ 8 của phương hướng hoạt động Phật sự là: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng Pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi - Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa”
Việc ứng dụng công nghệ số vào công tác hoằng pháp là yêu cầu cấp bách để hòa nhập trong thời kỳ phát triển thần tốc của cuộc cách mạng 4.0. Công nghệ số đã lan tỏa cho lời kinh ý Phật vươn xa. Thông qua các phương tiện truyền thông rộng khắp mà giáo lý và văn hóa Phật giáo được lan truyền một cách nhanh chóng để đến với Phật tử và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đặc biệt là những ai có tâm thiện lành yêu mến đạo Phật. Phật giáo thông qua các phương thức ứng dụng công nghệ số mà nhanh chóng tiếp cận được với các quan điểm mới, những luồng dư luận thông tin thuận chiều hay trái chiều từ xã hội để có thể khẳng định quan điểm và chánh kiến của mình, từ đó có thể chủ động định hướng dư luận hay phản biện trước những tin tức chưa chính xác thiếu, thiện chí, điều mà trước đây chúng ta khó có thể làm kịp thời mỗi khi có dư luận xấu.
Ngày nay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới phẳng, sự phổ cập rộng rãi của mạng Xã hội đã toàn cầu hóa và sự ra đời vĩ đại của Internet vạn vật kết nối, sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của các phần mềm xử lý công việc, công cụ tìm kiếm gắng với trí tuệ nhân tạo, đã tạo nên một kỷ nguyên sáng tạo mới, một kỷ nguyên kết nối mới, đặt nền móng cho một sự cộng tác toàn cầu đầy khó khăn thách thức hiện nay đã và đang thôi thúc tự thân mỗi nhà Hoằng pháp phải thấy rõ trọng trách của mình trước sự tấn công ồ ạt của cơn bão mạng. Khi mà ai ai cũng có thể làm truyền thông, người người, nhà nhà đều làm “Truyền thông”. Nhất là một bộ phận “giới trẻ nhàn rỗi” thiếu lập trường và không có chánh kiến thích tham gia “cơn sốt truyền thông” để giật tít câu like? Trên các trang mạng xã hội giờ đây xuất hiện thêm nhiều “nhà báo tự do” và “anh hùng bàn phím”. Trước các tin tức xã hội có nội dung tiêu cực về Phật giáo được dư luận phản ánh, nếu cứ theo cách ứng xử như trước đây là “Nhẫn” và im lặng bằng góc nhìn “Dĩ hòa vi quý” rồi thôi kệ cho qua với suy nghĩ “Thanh giả tự thanh” thì không khác nào tạo cơ hội cho kẻ xấu có cơ hội trong việc cố ý lợi dụng xuyên tạc theo kiểu “Té nước theo mưa”, dẫn đến độ lan truyền trên mạng xã hội nhanh như chớp làm đảo điên thật giả đúng sai đến chóng mặt và không thể kiểm soát được nữa, đến khi vụ việc được sáng tỏ thì phần thông tin tiêu cực đã tràn lan, khó xóa bỏ được “hình ảnh giả danh” nhằm bôi nhọ và phỉ báng người tu vậy là vô tình ta đã tiếp tay cho kiểu “truyền thông bão mạng”, một vấn nạn đang diễn ra nhức nhối hiện nay trên các luồng sóng trái chiều của dư luận hay sao?
Đứng trước sự tương tác mãnh liệt của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong cuộc sống và mọi mặt sinh hoạt trong xã hội hiện nay, Phật giáo cũng bị chính các phương thức thông tin tuyên truyền này tác động không nhỏ vào đời sống tu hành, học tập của Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Việc tiếp cận, nắm bắt và sử dụng phương tiện truyền thông trong thời đại công nghệ số đã và đang là những cơ hội để hoằng truyền chánh pháp, nhưng đồng thời cũng là thách thức gay go trong đời sống Phật giáo ngày nay.
Thẻ đeo được sử dụng tại hội thảo Hoằng pháp
2 – “Đi tìm cơ hội và nhẹ nhàng bước qua thách thức”
Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hầu hết các hoạt động trong đời sống xã hội, mỗi Tăng, Ni, Phật tử chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp, góp phần xây dựng và phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực chủ động nhất để cùng nhau hoằng truyền chánh pháp Như Lai. Hiện nay, có rất nhiều vấn nạn trong xã hội: tham nhũng, tư duy tiêu cực, lợi ích nhóm, vô trách nhiệm, vô cảm, bạo hành, tệ nạn… Xã hội đang rất cần sự an toàn, lành mạnh, bình an, rất cần đến đạo hạnh Từ - Bi - Hỷ - Xả của người con Phật. Không ai khác ngoài chúng ta, những nhà Hoằng pháp thời kỳ đại công nghệ số có thể làm được điều này. Không ai khác mà chính người con Phật có thể tham gia góp phần giải quyết được những vấn đề này. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tri, là sứ mệnh thiêng liêng của của người Phật tử, người yêu mến Đạo Phật và của các Sứ giả Như Lai khi cái ác, cái xấu vẫn còn len lỏi hàng ngày như cỏ dại trong mưa.
Kênh Youtube Phật Sự Online TV (phatsuonline.com) chuyên về video tin tức Phật sự và các chuyên đề bổ ích khác như: Phật giáo và Đời sống; Tỏa ngát hương sen; Hỏi đáp Phật pháp...
Phật giáo phát triển, Thông tin truyền thông và Hoằng pháp được cập nhật tiếp cận công nghệ số, thế hệ trẻ là những nhân tố tiềm năng, các bạn yêu thích, đam mê, khám phá, học hỏi và sử dụng thành thạo công nghệ số, internet… sẽ góp phần vào sự chuyển mình cho công tác Hoằng pháp trong thế giới phẳng của thời đại kỷ nguyên số hôm nay. Các hoạt động Phật giáo như sinh hoạt Gia đình Phật tử, các Khóa tu mùa hè, Hội trại truyền thống, các khóa học và tập huấn về giá trị sống theo tư tưởng đạo đức Phật giáo chuyên biệt cho sinh viên, giới trí thức, người lao động trẻ đã và đang có giá trị tích cực, thúc đẩy xã hội ngày càng tiến bộ, hòa nhập, đồng thời góp phần làm cho Phật giáo phát triển hưng thịnh. Để đạt được hiệu quả cao nhất thì công tác truyền thông cần được tiến hành trên cả các kênh: Báo chí chính thống, website Phật giáo và mạng xã hội.
Đặc biệt, chư Tăng, chư Ni cần tăng cường khai thác sức mạnh của mạng xã hội hướng tới giới trẻ, giúp họ hiểu hơn về Đạo Phật, từ đó, thu hút giới trẻ đến với Phật giáo chính thống, hướng tới sự tự giác, rèn luyện, tinh tấn tu tập, rèn Thân - Khẩu - Ý nhằm xây dựng một đời sống lành mạnh, tích cực, năng động, thiện lành trong lớp trẻ hôm nay. Thời đại công dân mạng, truyền thông số, ai ai cũng có thể làm truyền thông. Nhưng để truyền thông có hiệu quả, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, và hơn ai hết cần một sự liên kết thực sự hiệu quả, có tổ chức bài bản, chuyên nghiệp mới là điều mà cộng đồng Phật tử chúng ta cần hướng đến.
Trước cơ hội quý báu cho công tác Thông tin truyền thông đang còn nhiều bỏ ngỏ ta cần khẩn trương triển khai, thực hiện sao cho hiệu quả, hữu ích và lợi lạc nhất cho công tác Phật sự nhằm xây dựng hệ thống những Như Lai sứ giả, Hoằng pháp viên trẻ hiện đại biết ứng dụng công nghệ thông tin, đường truyền tốc độ cao và truyền thông mạng - mạng xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến công nghệ kỹ thuật số đã tạo nên sự thuận tiện cho việc truyền bá và đăng tải hình ảnh tĩnh và động của các video kỹ thuật số về các hoạt động Phật sự, Hoằng pháp, hướng đến mỗi Phật tử có sử dụng thiết bị di động nghe nhìn hiện đại và điện thoại thông minh sẽ là một thành viên truyền thông của Phật giáo, là một nhà Hoằng pháp của thời đại công nghệ số.
- Cơ hội trong tầm tay ta phải biết kịp thời nắm bắt và vận dụng sao cho hiệu quả?
Cơ hội từ chính bản thân ta là những Sứ giả Như Lai thời kỳ hội nhập phải biết “đi tìm”, gần nhất chính là phát huy các tiềm năng vốn có ngay chính tự thân của mỗi chúng ta. Mỗi một Sứ giả Như lai – một Hoằng pháp viên là phải có trách nhiệm tự mình thắp đuốc lên mà đi và soi rọi cho những người xung quanh khi chính mình đã và đang mang trọng trách của người con Phật, là người giữ lửa và thắp lửa để Hoằng pháp lợi sanh.
Vậy ta cần trang bị gì cho chính ta, những Sứ giả thời công nghệ 4.0?
Câu trả lời chung của mọi người có lẽ là trang bị trình độ chuyên môn về công nghệ số và khả năng vận dụng kỹ thuật số vào công tác Hoằng pháp?
Đúng! Nhưng chưa đủ! Vì sao?
Bởi vì chúng ta không chỉ là những người kỹ sư công nghệ! Mỗi nhà Hoằng pháp thời hội nhập cùng cuộc cách mạng 4.0 ngày nay cần luôn tỉnh thức nhớ rằng mình là một Sứ giả của Như Lai đã và đang chèo chống con thuyền Bát Nhã đến bến bờ giác ngộ, tự giác - giác tha và giác hạnh viên mãn. Người thuyền trưởng trên con thuyền Hoằng pháp thời kỳ hội nhập trong thế giới phẳng cần có sự Tỉnh giác – Trí tuệ để vững tay chèo chống, sẵn sàng đối mặt với làn sóng nghịch cảnh của truyền thông. Làm thế nào để vượt qua các cơn bão dữ truyền thông bằng tinh thần Bi - Trí - Dũng và “Ẩn ác dương thiện” của bậc Giác ngộ như người làm vườn cần mẫn mỗi ngày nâng niu hạt giống tốt, ươm mầm xanh, chăm chỉ trồng hoa thơm để lấn át cỏ dại, hướng đến mục tiêu “Tịnh hóa công dân mạng”, sử dụng mạng xã hội bằng tinh thần chánh niệm, ôn hòa, thân thiện, nhân văn và tỉnh thức?
Bên cạnh đó, mỗi người cần phải xây dựng cho mình một “Chuẩn mực của lòng tin”. Lòng tin vào chính bản thân mình như hoa sen vươn lên từ trong bùn vẫn dịu dàng tỏa hương thơm ngát.
Phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh và oai nghi. Không chỉ có hạnh Từ Bi mà còn phải có trí Tuệ của người con Phật và nhân cách đẹp của người Phật tử. Sống có lý tưởng đúng đắn và lẽ sống cao đẹp như buổi đầu tâm nguyện quy y làm người Phật tử và lý tưởng cao đẹp của 1 người xuất gia là trọn đời noi theo gương sáng của Đức Phật, hành trì giáo pháp của Phật và phụng sự chúng sanh. Hành giả hoằng pháp chính là tấm gương soi phản chiếu của lòng tin và hạnh nguyện để cư sĩ Phật tử tại gia nhìn vào mà củng cố đức tin.
Lòng tin chỉ có ở tự thân Sứ giả Như Lai mới chính là niềm tin lan tỏa và trụ lại vững chắc trong lòng tín đồ Phật giáo khi đến với ngôi nhà chung của Phật pháp, nơi đó có các sứ giả là nhịp cầu kết nối đạo đời để cùng nhau chung lòng Hoằng pháp lợi sanh.
Chính lòng tin vào người soi đường dẫn lối sẽ giúp cho bước đi của tín đồ truyền thông thời công nghệ số thêm vững vàng, bền bỉ. Từ đó, khi đối diện với những dư luận trái chiều, những lời xuyên tạc sai trái, cư sĩ Phật tử sẽ không bị lung lay dao động và sẵn sàng kết nối sẻ chia sự thật trên phương tiện truyền thông cá nhân tạo nên hiệu ứng tích cực mà không cần phản biện. Những Sứ giả truyền thông 4.0 thời nay bằng thái độ sống nhập thế tích cực, thân thiện, từ bi, hoan hỷ, luôn biết vận dụng linh hoạt các phương thức hoằng pháp vào đời sống hiện thực mà hướng dẫn cho tín đồ Phật tử học Phật, công quả và bền lòng hộ trì Tam Bảo.
Tất cả được hội tụ và chắt lọc để tự hoàn thiện và nâng cao mình mỗi ngày bằng Giới - Định - Tuệ và vận dụng tinh thần Bi – Trí - Dũng của người con Phật làm phương tiện nhập thế phụng sự đạo pháp và nhân sinh bằng lẽ sống cao đẹp của đời mình.
Cùng với sự chủ động “đi tìm” và nắm bắt cơ hội mới để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ truyền thông sao cho vững vàng và tỉnh thức trong sự năng động của người làm truyền thông thời đại kỷ nguyên số, chắc chắn rằng lòng tin có thực từ phẩm hạnh và sự cống hiến sẽ ở lại vững chắc và bền lâu trong trái tim người mộ đạo dành cho những Sứ giả Như Lai thời công nghệ số mang sứ mệnh cao quý là Hoằng dương Chánh pháp.
Khi lòng tin đủ lớn với chính mình và lan tỏa đức tin cho mọi người thì không có thử thách nào có thể làm ta lùi buớc mà trái lại sẽ giúp ta “nhẹ nhàng bước qua thử thách” và vững vàng đi tới và bước tiếp.
Nói thì dễ nhưng phải làm mới gọi là là cứu cánh. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài tham luận hôm nay, chỉ xin mạn đàm “Lòng tin cho người Hoằng pháp thời đại 4.0”. Đó là “Cơ hội” mà ta phải “Đi tìm” trong thời kỳ ứng dụng công nghệ số vào công tác Hoằng pháp thời đại mới. Hy vọng rằng mỗi một bài Tham luận trong kỳ Hội thảo này với chủ đề trọng tâm “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử” sẽ là những cánh cửa mở ra cho người làm công tác Truyền thông Phật giáo bước vào trải nghiệm để tích lũy dần những kinh nghiệm ứng dụng truyền thông số trong công tác Hoằng pháp thời đại kỷ nguyên số.
Mỗi vị sứ giả truyền thông cần phải trang bị đầy đủ tinh thần Từ Bi – Trí Tuệ, trình độ về công nghệ số, vốn sống, kỹ năng, lòng tin, sự năng động cầu học và cầu tiến, không cho phép mình tụt hậu hay chậm trể bước đi trên con dường “tác nghiệp”. Đó là tự học, tự nâng cấp trình độ IT, tư duy tích cực để sẵn sàng tiếp thu cái mới, cái hay và ứng dụng ngay trong công tác hoằng pháp mỗi ngày. Nhưng trên hết vẫn là giữ vững lòng tin cho chính mình kiên định một con đường Hoằng pháp lợi sanh.
Trang web hoangphaponline.com chuyên về video giảng pháp của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
C - LỜI KẾT:
Trong xu thế vận hành đổi mới và hội nhập toàn cầu hiện nay, Phật giáo Việt Nam có lịch sử hơn 2000 năm đã không ngừng hòa nhập thích nghi nhưng vẫn lưu giữ, bảo tồn những bản sắc riêng của một nền Văn hóa Phật giáo với tinh thần “Hộ quốc - An dân” luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng như một bản trường ca bất hủ đầy tự hào:
“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.”
(Nguyễn Trãi – “Bình Ngô đại cáo” – Bản dịch Ngô Tất Tố)
Có thể nói rằng "Những giá trị Nhân văn và giá trị Văn hóa của Phật giáo" đã có ảnh hưởng tích cực đến quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân ta từ hàng nghìn năm nay. Trong đó có những yếu tố về mặt lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc giúp cho đạo Phật trở thành một tôn giáo lớn luôn đồng hành, phục vụ thiết thực cho sự phát triển đi lên cùng đất nước. Lịch sử Việt Nam ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, luôn đồng hành gắn bó cùng dân tộc với sứ mệnh thiêng liêng là “Hộ Quốc - An Dân”. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự nỗ lực kiên trì bền bĩ vận dụng truyền thông số cùng việc chiêu mộ hiền tài từ trong đội ngũ cư sĩ Phật tử là tầng lớp thanh thiếu niên trong các đội nhóm Gia đình Phật tử, Khóa tu mùa hè, Hoằng pháp viên đặc biệt là đào tạo các nhà Hoằng pháp trẻ ứng dụng tốt công nghệ thông tin… tất cả sẽ làm nên một bước ngoặt mới theo chiều hướng chuyển biến tích cực khi ứng dụng công nghệ số với sứ mệnh cao cả “Hoằng Pháp lợi sanh”. Từ đó, không chỉ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và khơi dậy lòng tin và chánh kiến cho đồng bào Phật giáo, các vị nhân sĩ trí thức và cộng đồng lương giáo mà còn hướng đến đến “Tịnh hóa công dân mạng”, sử dụng mạng xã hội theo tinh thần Chánh niệm, để tạo nên không gian mạng an toàn và hướng thiện góp phần giảm thiểu những vấn nạn và nguy cơ đang rình rập bủa vây trong cộng đồng với sự nhiễu loạn thông tin như hiện nay.
Mỗi “Sứ giả Như Lai về truyền thông số” hãy giữ vững tâm nguyện lành, định hướng đúng đắn trên hành trình thắp lửa và giữ lửa cho ngọn đuốc Đạo Pháp luôn cháy bỏng niềm tin và nội lực bằng cách ghi nhớ, tâm niệm lời dạy ân cần tin cậy của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN tại các khóa tập huấn Truyền thông: “Tâm trong – Trí sáng – Ngòi bút thép – Ẩn ác Dương thiện”.
Hòa thượng GS.TS. Brahmanpundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ (ICDV) - Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (Thái Lan) đã có lời phát biểu trân trọng tại Đại lễ Vesak 2019 rằng: “Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề của Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới”.
Chủ đề của Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó thể hiện thái độ nhập thế tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định.
Trong kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017- 2022, đã diễn ra trang trọng tại Thủ đô Hà Nội, tháng 11 năm 2017 với Chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng khẳng định: “Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để “Hộ Quốc An Dân””
Phát biểu tại lễ Khai mạc Vesak Liên Hiệp Quốc 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lời suy ngẫm lắng đọng sẻ chia: “Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn”.
Thay cho lời kết…
“ĐI TÌM CƠ HỘI VÀ BƯỚC QUA THÁCH THỨC KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀO CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP NHƯ THẾ NÀO?”
Nhẹ nhàng bước qua thách thức…
Tiếp tục hành trình “Đi tìm cơ hội” cùng sự phát triển và bùng nổ Kỷ nguyên số.
Còn lại những trăn trở suy tư về những chặn đường xa.
Nhưng vẫn vững vàng niềm tin người thắp lửa hôm nay và soi đường vững bước hướng tới tương lai…
“Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc!”
PHẬT PHÁP MÃI VỮNG BỀN!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.