Theo các tài liệu, kho mộc bản và các thư tịch do các vị thiền sư phái Lâm Tế tại chùa Bổ Đà san khắc từ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Tiêu biểu là các bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Đến nay bộ mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với gần 2 nghìn bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn được khắc trên gỗ thị.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên và trụ trì chùa Bổ Đà giới thiệu cho khách về bộ mộc bản đặc biệt
|
Những ván kinh khổ lớn còn in, khắc sớ, điệp dùng để thực hiện các nghi lễ trong nhà chùa. Nội dung của các tấm mộc bản phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng với những đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo. Nổi bật là hình khắc Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…
|
Khách tham quan thích thú khám phá kho mộc bản tại chùa Bổ Đà
|
Với những giá trị đó, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2089/QĐ-TTg, công nhận mộc bản chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia.
Trước đó, chùa Bổ Đà đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vườn tháp chùa lớn nhất Việt Nam… Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch huyện Việt Yên cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng lập phương án bảo tồn, phát huy giá trị chùa nói chung, mộc bản nói riêng gắn với phát triển du lịch.
|
Đại diện chùa Bổ Đà và lãnh đạo địa phương nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận mộc bản chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia
|
Nguyễn Trường
Nguồn: https://www.tienphong.vn/van-nghe/moc-ban-chua-bo-da-la-bao-vat-quoc-gia-1256523.tpo
(Nguồn:
www.phatgiao.org.vn)