PSO – Sáng ngày 10/6/2020 (nhằm ngày 19/4 nhuần năm Canh Tý), tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Xa lộ Hà Nội, Q. 2, TP. HCM), Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng Trụ trì (BDTT) cung thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng II TUWGH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, quang lâm khóa BDTT chia sẻ kinh nghiệm tu học và phụng sự, với chủ đề: “Những điều cần biết của vị trụ trì”.
Trong khuôn khổ hơn một tiếng đồng hồ, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã nêu lên một số vấn đề nổi bật về trách nhiệm của vị trụ trì trong thời đại hiện nay. Hòa thượng nhắc lại, vào thời đức Phật còn tại thế, Giới luật vẫn chưa được thiết lập, chư Thánh Tăng đệ tử chuyên tâm tu tập, chứng đắc quả vị giải thoát. Thời đó, chư Tăng tu tập, hành đạo rày đây mai đó, Tịnh xá Trúc Lâm, Tịnh xá Kỳ Viên đã được kiến lập nhưng không có một vị trụ trì cố định. Chư Tăng tự ý thức, giác ngộ tu hành, mỗi vị đều là trụ trì, với ý nghĩa “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”. Đức Phật là vị Pháp vương, chư Tăng là đệ tử, quyến thuộc của Pháp vương, nhiệm vụ chính yếu của chư Tăng là tu tập, chứng ngộ chân lý, trở về với bản thể chơn như và giữ gìn mạng mạch Phật pháp.
Đến thời kỳ Phật pháp truyền sang Trung Hoa, vào thế kỷ thứ VIII, Phật giáo đời nhà Đường hưng thịnh, Tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814), một vị Đại thiền sư đời Đường đã biên soạn những quy định cho các sinh hoạt thường nhật của người xuất gia và được kiết tập trong Bách Trượng Thanh quy rất nổi tiếng. Vì lúc bấy giờ, mỗi tu viện có rất đông chư Tăng tu học nên việc ra đời bộ Thanh quy này là cần thiết. Bộ Thanh quy có 9 chương, trong đó chương thứ 5 đặc biệt nhấn mạnh các điều lệ liên quan đến vai trò trách nhiệm của vị trụ trì.
Điều đó cho thấy rằng, trong quá trình Tăng đoàn Phật giáo phát triển, thời Phật tại thế, trong 12 năm đầu không có giới điều, bởi chưa có vị Tăng nào phạm lỗi. Từ năm thứ 12 trở đi, trong chúng Tăng có vị hành sai pháp, nên đức Phật bắt đầu kiết giới để giúp cho chư Tăng yên ổn tu tập. Đến thời Tổ Bách Trượng, danh từ “Trụ trì” mới chính thức định hình. Nhờ Thanh quy này, chư Tăng tu học, sống trong lục hòa, mâu thuẫn nội tại trong Tăng đoàn được hóa giải, mỗi vị đều có thể chuyên tâm tu hành, mang lại lợi ích cho mình và tha nhân.
Ngày nay, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được ban hành vào ngày 18-9-2018 gồm có XV chương, 85 điều. Trong đó chương thứ X chuyên bàn về Trụ trì – Bổ nhiệm Trụ trì. Điều 53, trong chương X quy định về trách nhiệm của Trụ trì như sau:
1) Trụ trì là người thay mặt Giáo hội và chịu trách nhiệm trước Giáo hội trong việc quản lý, điều hành các hoạt động Phật sự tại tự viện theo nguyên tắc dân chủ tập thể quyết định theo đa số, cá nhân phụ trách; tuân thủ theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và các quy định khác của Giáo hội. 2) Trụ trì phải tuân thủ sự quản lý, hướng dẫn của Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện nơi quản lý cơ sở Tự viện. 3) Trụ trì phải tuân thủ pháp luật Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở tự viện. 4) v.v…
Như thế trách nhiệm của người trụ trì được chi tiết hóa và yêu cầu một vị trở thành trụ trì phải ý thức rõ về trách nhiệm này. Cũng như việc nhận đệ tử, người thầy, trụ trì một tự viện không thể thiếu bổn phận dạy dỗ, nuôi dưỡng. Ý thứ 5 trong Điều 53 cũng ghi rõ: Trụ trì có trách nhiệm tiếp nhận đệ tử xuất gia và hướng dẫn Chúng điệu tu học trong thời gian tập sự 02 năm tính từ ngày Ban Trị sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia. Hướng dẫn, dạy bảo chúng điệu về Giới luật Phật căn bản, uy nghi, thời khóa tụng niệm và Phật pháp căn bản. Chỉ có trụ trì mới là người giới thiệu cho chúng điệu thọ các giới theo luật Phật và theo học tại các trường đào tạo Phật học.
Khái niệm “trụ trì” được hiểu trên hai lãnh vực, đó là Cơ sở trụ trì và Pháp tạng trụ trì. Cơ sở trụ trì tức trụ trì về mặt cơ sở, đây là y báo của vị trụ trì. Vị trụ trì là chánh báo, nếu chánh báo trang nghiêm, y báo (cơ sở) sẽ trang nghiêm. Y báo, chánh báo trang nghiêm, tức Giáo hội trang nghiêm. Pháp tạng trụ trì tức trụ trì về mặt Phật pháp. Nói rõ hơn là vị trụ trì học hiểu giáo pháp, hành trì giáo pháp, và truyền bá giáo pháp.
Vị trụ trì, tiêu chuẩn đầu tiên phải là vị nghiêm trì Giới luật, tuân thủ đầy đủ các hành sự như Bố-tát, An cư Kiết hạ, Tự tứ,… của Tăng đoàn. Bởi Giới luật là nền tảng của người tu tập, của việc ổn định Tăng đoàn. “Tỳ-Ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Tỳ-Ni tạng diệc, Phật pháp diệc diệt”, nghĩa là, Giới luật còn hành, Phật pháp cũng còn; Giới luật không còn hành, Phật pháp cũng mất. Vị trụ trì có giới đức, hành đạo với tinh thần vô ngã vị tha, không chấp trước, làm tròn trách nhiệm của một người trụ trì, của Giáo hội giao phó, là đã đóng góp rất lớn cho đạo và cho đời.
Trong Nội quy Ban Tăng sự cũng có đầy đủ tính chất Khai, Giá, Trì, Phạm như tính chất của Giới luật, nhưng tùy theo môi trường, xã hội hiện đại mà phương tiện đặt ra nhiều yêu cầu, luật định chi tiết thích hợp. Cũng như, việc một vị Tăng sau khi xuất gia, thọ Cụ túc giới, 5-7 năm sau, mới được nhận lãnh trách nhiệm trụ trì. Trong thời gian 5-7 năm này, vị Tỳ-kheo tu tập đầy đủ uy nghi giới hạnh, trau dồi học hỏi có một trình độ Phật pháp nhất định, rồi mới được phép đi hành đạo, được bổ nhiệm trụ trì. Được như vậy, bước chân của vị ấy vào đời là bước chân của vị xuất trần thượng sĩ, như câu “Cư trần bất nhiễm, Bồ-đề địa”, sống trong trần mà không nhiễm trần là vậy.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta đang đối diện với sự khủng hoảng trên nhiều phương diện do ảnh hưởng của ngành công nghệ 4.0. Phương tiện truyền thông nhanh chóng, thuận lợi, vừa có lợi ích mà mặt trái của phương tiện này cũng khiến cho Giáo hội ưu tư, và cần có biện pháp ngăn chặn điều tiêu cực phát sinh. Vị trụ trì cũng ý thức việc này, thành lập đạo tràng để hướng dẫn giáo pháp cho Phật tử tín đồ mọi lứa tuổi cảnh giác, có nhận định rõ ràng trước các quan điểm tư tưởng sai lầm, tiêu cực và giữ vững tâm niệm của mình trong Chánh pháp.
Tự viện, chùa chiền là nơi giảng dạy giáo pháp, truyền bá Chánh pháp, hướng dẫn người dân đạt được một đời sống hạnh phúc, an vui. Đối với đất nước Việt Nam, chùa viện là biểu tượng, là linh hồn của dân tộc. Đối với xã hội, chùa viện là chiếc nôi giáo dục, giúp công dân hoàn thiện nhân cách, xây dựng một xã hội an bình thịnh vượng.
Vì tính chất đặc thù, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn trọng và duy trì các truyền thống, pháp môn và phương tiện tu hành của các thành viên sáng lập GHPGVN. Tự viện là giáo sản của Giáo hội nhưng Giáo hội vẫn tôn trọng ý kiến, vai trò của vị trụ trì ở mỗi tự viện tông môn. Vị trụ trì thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở tự viện theo đúng Hiến chương của Giáo hội và Pháp luật của Nhà nước.
Cuối buổi giảng, Hòa thượng đã giải nghi một số vấn đề liên quan đến Nội quy Tăng sự, giúp cho đại chúng hiểu rõ hơn các luật định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban Văn hóa Truyền thông Hệ phái
The post TP.HCM: Buổi chia sẻ với chủ đề: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT CỦA VỊ TRỤ TRÌ của HT.Thích Huệ Thông appeared first on Phật Sự Online Miền Đông.