Hội thi viết "Đạo Phật trong trái tim con": Đạo Phật đi vào cuộc đời

Nghe đọc bài:

 

Đạo Phật đi vào cuộc đời

 

Phật giáo đã đến và song hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm. Trên chặng đường đầy thăng trầm ấy, đạo Phật đã chứng kiến và mang ánh sáng của một đạo đời chân chính đến soi lối cho dân tộc kiên cường như một sự gắn bó và đóng góp thầm lặng. Khi cánh chim tự do tung bay trên bầu trời Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trước những ngõ nhà, tiếng cười của những em thơ, giấc mộng nằm sâu dưới đất mẹ của “những người làm nên đất nước” và trên khắp nẻo đường quê hương, đạo Phật đã hòa vào con người, đất nước Việt Nam như một mối lương duyên. Cho đến hôm nay, đạo Phật Việt Nam vẫn thuần túy với những giá trị vốn có, vẫn không ngừng hun đúc cho con người Việt Nam mầm sống thiện lành, mang hình hài của một dân tộc thiện lương với những phẩm chất đạo đức và giá trị truyền thống tốt đẹp. Một nền văn hóa Phật giáo rực rỡ đã hòa quyện cùng văn hóa dân tộc. 

 

Đạo Phật không phân biệt. Đạo Phật là đạo của chúng sinh, yêu thương tất thảy chúng sinh và mở ra con đường giác ngộ để đoạn trừ khổ đau. Đạo Phật đến để dạy cho con người nuôi dưỡng tâm hồn và đối đãi với cuộc đời bằng tình yêu mầu nhiệm. Nhờ vào ánh sáng của Phật pháp, con thấy mình biết quán chiếu cuộc đời sâu sắc hơn. Con tin vào cái gọi là “vô thường”, không phải để đau khổ mà là để mình bình an hơn, để con biết trân trọng những gì mình đã đi qua và những gì đang có. Những người, những điều đến trong đời đều là cơ duyên sẵn có mà con cần phải gặp trên con đường nhân quả. Và trong vô vàn những lời Phật dạy, con biết nhiều hơn về tình thương và thấu hiểu. 

 

Khi được biết về cuộc đời Đức Phật, biết về Tam bảo cùng những câu chuyện và lời dạy từ đạo Phật, kì thực đạo Phật vô cùng gần gũi và giản dị. Vẫn là sự thật cốt lõi của cuộc đời qua “Tứ Diệu Đế” và con đường chân chính qua “Bát Chánh Đạo” như người đời vẫn thường nghe khi nói đến đạo Phật, nhưng sự truyền đạt giản dị mà sâu sắc cũng đủ sức khiến bao người nhìn nhận chân chính về cuộc đời. Ngày Đức Phật Thích Ca đản sanh đã đánh dấu cho một sự hứa hẹn về chân lí giác ngộ, những lời dạy về đạo đức, về chân thân cuộc đời và con đường chân chính. Những giá trị ấy không hề cao siêu, xa vời với con người mà nằm ngay bên trong mỗi cá thể, đợi chờ nở hoa khi được nuôi dưỡng, tu tập chứ không phải được “sinh ra” một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Đạo Phật đến để dạy cho chúng ta cách trân trọng sự sống, yêu thương người bên cạnh, sẵn sàng bao dung với những điều chưa hạnh phúc, tử tế với thế gian, bình đẳng với nhau. Và đạo đức là đôi mắt của con người chân chính. Dùng đôi mắt ấy để thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu vẻ đẹp và những “vô thường” của cuộc đời để đón nhận khổ đau như một lẽ tự nhiên, không dày vò và oán trách. Từ đó, quán chiếu sâu vào mọi điều để sống an lạc và trân trọng những giá trị đang hiện hữu bên cạnh. 

 

Đạo Phật đến, đã trao những điều thiện lành đến với con người, những điều mà bất cứ ai cũng có và có thể phát khởi. Khi nội lực được nung nấu ngày một nhiều hơn, ta sẽ đủ sức bảo vệ chân đạo trong cuộc đời mình, duy trì thân – khẩu – ý thanh tịnh. Và rồi, lòng ta được gột rửa tinh khôi, bông hoa lương thiện sau khi được tưới tiêu sẽ nở những cánh hoa đẹp nhất, những cánh hoa của trí tuệ và tình thương. Đó cũng chính là những mầm duyên thiện lành được gieo trồng ở kiếp sống này, và khi đến với một kiếp sống khác, mầm cây ấy được lớn lên trong sự tươi mát. 

 

Những điều đến từ đạo Phật không phải là những lý thuyết cứng nhắc mà xuất phát từ cuộc đời. Vì vậy mà ta có thể hiểu và thực tập như một điều đạo đức trong cuộc sống. Trong một lần thuyết giảng, Thiền sư Làng Mai Thích Nhất Hạnh từng nói: “Điều mà thầy thích nhất trong đạo Bụt là tinh thần bao dung, không kỳ thị. Nếu chúng ta thực tập tình thương theo giáo lý đạo Bụt thì tình thương đó phải trải rộng khắp tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Ta không chỉ thương giáo lý đạo Bụt mà còn thương cả giáo lý của đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái,... Ta không cho rằng chỉ có cái thấy, cái hiểu của ta là đúng, còn cái hiểu, cái thấy của những truyền thống khác là sai. Đây là lý do vì sao một Phật tử chân chính không bao giờ gây chiến với các tôn giáo khác. Đạo Bụt không mang tính giáo điều. Những giáo nghĩa Bụt dạy là con đường giúp cho ta chuyển hóa, không phải là chân lý để ta thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ những phương tiện bạo động. Bụt đã từng dạy rằng chúng ta phải thực tập thế nào để có tự do, không bị mắc kẹt vào những giáo lý của đạo Bụt, và cả ý niệm về Bụt trong ta”. Một trong số những lời dạy của Thiền sư mà bất kì ai cũng có thể đón nhận và hiểu được. Quả thật, đạo Phật dạy ta cách quán chiếu cuộc sống bằng những lời lẽ rất đời, rất người như vậy. Niềm tin của con người luôn đến từ những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Vì mong muốn lòng mình tươi mát, trí tuệ và rộng mở hơn, con người đến với đạo Phật. Niềm tin đó không giống với sự tôn thờ một đấng tối cao hay siêu nhiên nào. 

 

Ánh sáng của Phật pháp giống như một người thầy, người bạn chân thành của con người, đồng hành với tư cách bình dị để củng cố vẻ đẹp ở con người mà không mong cầu về một sự tôn thờ vĩ đại nào. Bởi Phật phát khởi trong tâm mỗi người để cổ vũ nhân cách trong sạch, trái tim từ bi được thường trực. Dù là ai, đến từ đâu, mỗi người đều có thể có được cơ duyên đến với ánh sáng của Phật pháp từ bi, trí tuệ để hoàn thiện mình, sống an vui và mang đến những hạnh phúc tương tự cho mọi người. Nhờ vậy mà ai cũng có thể sẵn sàng nhìn thấy giá trị tốt đẹp ở người khác. Bởi rằng, mỗi chúng sinh đều có Phật tính, đều chứa đựng bản tánh thiện lành và “là Phật sẽ thành”. Cơ duyên luôn kết nối những người lương thiện, tốt đẹp với nhau thông qua những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời. 

 

Ta không biết rằng mình được cảm hóa nhiều như thế nào cho đến khi ta thấy mình tốt đẹp hơn, thiện lành và sâu sắc hơn. Sau mỗi lần thật lòng lắng nghe chánh pháp, dụng tâm tu học, ta thấy lòng mình mát lành, dịu dàng và bình an. Bởi con đường đi đến hoàn thiện chính mình luôn là con đường đẹp nhất, người đi trên con đường ấy mang trong mình vẻ đẹp của sự nỗ lực, hứa hẹn mỗi ngày tốt đẹp hơn. Đức Phật dạy ta sống với những hạnh phúc đích thực, với những yêu thương chân thành, trí tuệ sáng suốt và đạo đức chân chính. Đạo Phật chưa bao giờ có ý niệm khác, xuyên qua thời gian, những lý tưởng về nhân sinh vẫn vẹn nguyên, chân chính. Sự tồn tại bền vững và tích cực của Phật pháp và Thế tôn là minh chứng thuyết phục cho những gì mà đạo Phật mang đến. 

 

Những người Phật tử, những người đến với đạo Phật bằng trái tim trong sạch là những người có thể bảo vệ được vẻ đẹp của Phật pháp trước những ảnh hưởng tiêu cực, những điều chưa đúng đắn về đạo Phật để người trẻ, người cần điểm tựa tinh thần có thể tìm đến để xây dựng chính mình và cùng đạo Phật vun đắp xã hội với huyết mạch tình thương và đạo đức. Đạo Phật với lý tưởng không chia ranh giới sẽ gắn kết con người với nhau, kiến tạo nên cộng đồng tốt đẹp, hạnh phúc, phát triển hòa bình và giàu tình thương. Chúng ta không khẳng định bất kì sự trường tồn vĩnh cửu nào nhưng “sự thật” là không thể di dời hay biến mất, và đạo Phật vẫn luôn truyền đạt những sự thật đã được giác ngộ. Sự tồn tại và ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo tại Việt Nam trên chặng đường lịch sử của dân tộc với bản sắc văn hóa tốt đẹp là một điều đáng tự hào, không chỉ là niềm hạnh phúc đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại gia đình Phật tử Việt Nam trên khắp đất nước mà còn là niềm vui của những người theo dấu chân Phật. 

 

Trần Thị Bích Trâm

Pháp danh: Thanh Lâm

 

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Hải Dương: Chùa An Đức và chùa Khánh Linh thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang

Ngày 22/12/2024, tại xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, chư Tôn đức Ni và Phật tử CLB Liên Hoa chùa An Đức và CLB Từ Tâm chùa Khánh Linh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương đã thực hiện chương trình Đông Ấm Hà Giang, trao gần 300 phần quà đến đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online