Hội thi viết "Đạo Phật trong trái tim con": Lời Phật dạy

Nghe đọc bài:

 

Lời Phật dạy

 

Đức Phật đã dạy rằng: “Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”. Mỗi con người chúng ta từ lọt lòng sơ sanh đến lúc trưởng thành khôn lớn, chúng ta đã học được rất nhiều từ gia đình, từ trường học, từ xã hội. Nhưng đối với bản thân con thì ngoài những môi trường giáo dục kia, thì con còn có một môi trường giáo dục về thân lẫn tâm, đó là ngôi nhà Phật Pháp. Ôi! Khi đến với nơi nuôi dưỡng tâm bồ đề này, con xúc động biết bao vì ở nơi ấy con đã tìm thấy được ánh sáng của Chánh Pháp. Đến đây, con cảm nhận được tình cảm từ tâm là gì, cảm nhận được hương vị ngọt lành khi được cơn mưa Chánh Pháp từ chư tôn đức Tăng- Ni ban rưới cho, cảm nhận được tình cảm huynh đệ với pháp Lục Hòa, luôn nhìn nhau với sự hoan hỷ, trao cho nhau nụ cười rạng rỡ mỗi khi gặp nhau. Tam Bảo – ba ngôi quý báu nhất trên trần gian này, lúc vừa được nghe danh từ này, con chẳng hiểu vì sao nó lại quý báu, nhưng đến thời điểm hiện tại với thời gian dài tu học và nhìn đời từ “Ô cửa thiền” thì con đã hiểu sâu sắc hơn về Tam Bảo, chắc là nhờ hạt giống bồ đề đã được gieo vào con từ nhiều kiếp trước, nhưng do trần thế ô trược này đã làm cho hạt giống ấy bị lấp vùi. Nay gặp được ánh sáng của Đạo Vàng, hạt giống bồ đề trong con như được tưới mát và nảy mầm sinh sôi và xanh tốt. Trong suốt khoảng thời gian được gần gũi Tam Bảo, được sinh hoạt cùng huynh đệ, con đã thay đổi được bản thân mình rất nhiều, từ phong cách sinh hoạt, lễ nghi, hay đơn giản chỉ là cách đi đứng, ăn uống của con cũng được thay đổi rất nhiều. Và con nhận thấy rằng, giá trị tốt đẹp nhất mà con đã nhận được từ nơi Phật Pháp và con đã ứng dụng nó vào thực tế để rồi có cuộc sống tốt hơn đó là “Sự Báo Ân và Đền Ân”.

 

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật đã dạy rằng: “Trên đời này có 2 hạng người khó thấy là người biết ơn và người trả ơn”. Và trong Đạo Phật, sự báo ân và đền ân cũng là một phần không thể thiếu khi là một người con Phật. Trong số Ân mà chúng ta phải ghi nhớ và báo đáp đó là Tứ Trọng Ân.

 

Đầu tiên, Ân Cha Mẹ là ân trọng đầu tiên mà Đức Phật dạy, vì Đạo Phật là đạo hiếu, hạnh hiếu chính là hạnh Phật. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo! Có hai người các ông không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm , cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện hay đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ”. Công ơn cha mẹ không gì sánh bằng, chín tháng cứu mang trong bụng mẹ, đi chẳng dám bước nhanh đi mạnh, ăn uống phải kiêng kỵ đủ điều vì sợ ảnh hưởng đến con, sinh đẻ gớm ghê, nguy hiểm, quên ăn bỏ ngủ khi con đau ốm, chỗ khô nhường con, chỗ ướt mẹ nằm. Còn cha không dịu dàng và gần gũi con như mẹ, nhưng tất cả những thứ xinh đẹp trên trần gian này của cha đều dành cho con. Ân cha mẹ rất lớn, vì cha mẹ là người giới thiệu chúng ta vào cuộc đời này và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình cảm vô bờ bến. 

 

Thứ hai, đó là Ân Thầy Tổ, thầy tổ là người đã khai mở trí tuệ cho ta, dạy ta biết hướng thiện, biết lẽ sống ở đời, biết gội rửa thân tâm, gìn giữ 3 nghiệp thật trong sạch. Cổ Nhân có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ai ai cũng sẽ có một người dạy bảo chúng ta những điều hay lẽ phải, Đức Phật khi còn tu khổ hạnh Ngài có hai người thầy là Ưu Lâu Tần Loa và Uất Đầu Lam Phất, sau khi tự mình chứng ngộ Chân Lý Tối Thượng dưới tán cây Bồ đề, Phật tìm lại hai vị thầy cho xưa để khai sáng cho hai vị ấy, giống như sự nhớ ơn khi xưa đã dạy mình. Vị thầy của trời người, cha lành của khắp cả chúng sanh nhưng ngài vẫn không quên những người có ân đức với ngài, vậy chúng ta là con của ngài cũng phải noi theo tâm đạo ấy mà học. 

 

Ân thứ 3, là Ân Tam Bảo, là ơn của Phật, của Pháp và của Tăng. Nhớ ơn Đức Phật, ngài vì chúng sanh mà thị hiện nơi đời ô trược này để khai ngộ tri kiến cho chúng sanh, giúp chúng sanh thấy được nẻo lành mà thoát khổ. Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, lìa cha già vợ đẹp con ngoan mà vào rừng sâu, núi tuyết để tầm đạo nơi chốn rừng già nguy hiểm. 49 ngày tham thiền, 49 năm thuyết pháp không ngừng nghỉ, bỏ hết vật chất tôn quý mà chấp nhận sống đời sống phạm hạnh, đi chân đất, ngủ ngoài trời, ăn cơm của đàn na tín thí với mục đích gieo cho chúng sanh cái chủng tử thiện lành. Ơn Pháp Bảo, là những lời dạy của Đức Phật, là chân lý tối thượng giúp chúng ta đi đúng hướng trên con đường tu học. Nếu không có Pháp Bảo, thì chắc chắn những người sinh sau phước mỏng nghiệp dày như chúng ta sẽ không lãnh giáo chính xác được lời Phật dạy được lưu truyền cho tới ngày nay. Vì thế, chúng ta phải biết nhớ ơn Pháp Bảo, vì Pháp như một cơn mưa rưới xuống ruộng phước đã khô cằn, cạn kiệt của chúng ta. Ân Tăng Bảo.

     

"Kính lạy Tăng người thầy chí cả

Thay Thế Tôn truyền bá Đạo mầu

Tùy duyên hóa độ vô cầu

Làm thầy mô phạm dẫn đầu chúng sanh”

 

Tăng Bảo là những vị đã xuất gia tu hành theo con đường mà Đức Phật đã dạy, thay Phật dẫn dắt và truyền bá đạo mầu đến với tất cả những chúng sanh hữu duyên, giữ gìn Phật Giáo trường tồn và phát triển cho đến ngày nay. Nếu không có Tăng Bảo, chúng ta sẽ không có người thầy hướng dẫn đường lối tu tập, những kinh điển sẽ không có ai giải nghĩa cho chúng ta hiểu để mà thực hành theo. Vì thế, Tăng Bảo là chỗ dựa tinh thần quý giá mà chúng ta phải trân trọng và nhớ ơn. 

 

Cuối cùng là Ân Tổ Quốc, mỗi con người chúng ta đều có một quê hương, một xứ sở sinh ra và lớn lên tại vùng đất đó. Chúng ta vô cùng có phước khi đã sinh ra trong thời bình, và lớn lên trong thời buổi không có chiến tranh và không phải chịu nghèo đói. Chúng ta phải biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ đất nước, những người có công giữ gìn và bảo vệ Tổ Quốc, bởi họ đã phải hi sinh đi thanh xuân, tuổi trẻ và cả thân thể, tính mạng máu thịt của mình để đổi lấy sự bình yên như bây giờ. Vì thế, chúng phải biết báo đáp công ơn của những anh hùng ấy bằng cách sống trọn vẹn và cống hiến để không phụ lòng những người đã ngã xuống vì sự hòa bình của dân tộc mà chúng ta đang chịu ơn họ rất lớn.

 

Dù sống trong môi trường nào, trong xã hội nào, nhất là sống trong một xã hội đang trên đà phát triển về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học – kĩ thuật,… Trong đó có mạng lưới truyền thông, với sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của giới trẻ hiện nay, bằng kinh nghiệm tu học của mình con hiểu được rằng chúng ta phải sống có chánh niệm, có tỉnh thức trong mọi hành vi, giữ gìn thân khẩu ý, sống biết yêu thương, biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người xung quanh, luôn áp dụng 5 nguyên tắc đạo đức vào đời sống tu học cũng như trong các mối quan hệ xã hội. Đó chính là cùng nhau góp phần xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn, đúng với tinh thần “Tốt đời đẹp Đạo”, cùng nhau chung tay xây dựng một đời sống xã hội nhân bản, tốt đẹp và văn minh dựa trên tinh thần “Từ Bi – Trí Tuệ” của Đạo Phật.

 

Sau bài viết này, không riêng bản thân con, con cũng xin nhắn nhủ tới các bạn trẻ hiện nay và mong các bạn luôn theo gương sáng của cha ông đi trước và luôn thực hành theo hạnh lành mà Đức Phật đã dạy. Đó là cách Báo Ân và Đền Ân thiết thực nhất.

 

Nhân mùa Phật Đản, con xin gửi lời chúc nguyện tốt lành đến tất cả những người con Phật luôn tinh tấn trên bước đường tu học Phật Pháp, làm việc thiện để hạt giống bồ đề trong mỗi người chúng ta ngày một tăng trưởng, nguyện cho chúng sanh luôn được ánh hào quang của Chư Phật soi sáng trí tuệ để tìm về nẻo lành mà tu tập giải thoát. Nguyện cho mọi người Mùa Phật Đản PL.2568 – DL.2024 thật an lành. 

 

Chúng ta cùng chung tay lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến tất cả mọi người. Để mỗi người con Phật cũng như người con Việt Nam trên khắp năm châu càng thêm tự hào về quê hương. Để truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, văn hóa “Tốt đời đẹp Đạo” được phát huy và tỏa sáng mãi về sau!

 

Nguyễn Võ Nhật Quang

Pháp danh: Tâm Hải

Download Android Download iOS
Ban Trị sự Phật giáo TP. Cần Thơ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 26/7/2024, tại Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) chư Tôn đức BTS PG TP. Cần Thơ, chư Tôn đức Ban kiến đàn và giới tử Đại giới đàn Từ Quang đã cử hành lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần trong không khí trang nghiêm và thành kính.

Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Trung ương thăm, làm việc và tặng quà tại Quảng Nam

PSO - Ngày 24/7/2024 (nhằm 19/6/Giáp Thìn), đoàn Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Trung ương GHPGVN đã đến thăm, làm việc với Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam tại trường Trung cấp Phật học tỉnh (phường Tân Thạnh, Tp.Tam Kỳ).

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online