Minh quân thời Lý-Trần
Trong nền Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay, trải qua bao thời kỳ phong kiến như Đinh, Lê, Lý ,Trần, Lê, có lẽ không một triều đại nào mà Phật giáo được chấn hưng mạnh mẽ như hai triều đại Lý-Trần. Thời kỳ Phật giáo nước ta được những vị minh quân xuất chúng, thấm nhuần tư tưởng Phật pháp đã lèo lái con thuyền bát nhã ngày càng phát triển.
Đạo Phật là đạo của dân tộc Việt Nam, tông chỉ của đạo Phật luôn dạy con người biết ơn nguồn cội. Vậy nên, đạo Phật rất gần gũi và dễ hòa nhập với dòng giống con Rồng cháu Tiên chúng ta. Trên từ vua quan cho đến dân thường đều cùng một lòng, cùng chung một tư tưởng đạo đức trung cang, hiếu nghĩa. Cùng tôn thờ chân lý và tìm hiểu sâu xa về triết lý của đạo Phật. Vào thời nhà Lý, minh quân được thấm nhuần từ trong vành nôi đạo Phật như Lý Công Uẩn. Sau này ông lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tổ, người khai sáng triều Lý thành một triều đại hùng mạnh. Dựa trên căn bản đạo Phật, nhà vua lấy nhân ái để đối nhân xử thế nên thu phục được lòng dân.
Sở dĩ nhà Lý được như vậy đầu tiên là nhờ công lao của Sư Vạn Hạnh, một bậc chân tu lỗi lạc nhìn xa trông rộng. Sư thấy được tư chất thông minh, đức độ của người đệ tử là Lý Công Uẩn nên đã chọn Lý Công Uẩn lên ngôi để yên lòng dân giữa thời loạn thế.
Các vua đời sau của triều Lý có vua Lý Nhân Tôn luôn theo sát dân tình. Nhất là vào các cuộc thi cử, vua thân hành đến xem trường thi nên các cuộc thi không xảy ra hối lộ mà rất công bằng. Thế nên đã chọn được nhiều nhân tài để ra giúp nước, quan hiền nên dân được ân sủng. Trong một buổi thiết triều, bên ngoài trời rét như cắt, nhà vua đã chỉ cô công chúa đứng hầu bên cạnh mà nói rằng: “Trẫm thương dân như công chúa con của trẫm vậy!” Sau đó vua cho đem chăn nệm, áo ấm để phát chẩn cho dân, đem hơi ấm tình người để xoa dịu cơn giá lạnh của thời tiết khắc nghiệt. Cách hành xử trên đã làm dân chúng cảm động, rất yêu mến đức độ của nhà vua.
Cuối triều Lý, vua Lý Huệ Tôn chán đường danh lợi vào chùa thế phát tu hành. Nhà vua không có con trai, chỉ có hai cô công chúa là Thuận Thiên đã gả cho Trần Liễu và công chúa Chiêu Thánh. Vua đã nhường ngôi cho Chiêu Thánh công chúa, tức Phật Kim mới bảy tuổi lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Sau, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, dưới sự trợ giúp của Thái sư Trần Thủ Độ. Tới đây nhà Lý cáo chung, nhà Trần mở sang triều đại mới.
Nhà Trần là một dòng họ nổi tiếng thời bấy giờ. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông. Sau khi ổn định giao thời xong, nhà vua trấn an dân chúng bằng cách cứu tế không để dân chúng đói khổ. Dân chúng sống dưới thời nhà Trần no cơm, ấm áo, đoàn kết chung tay chống giặc Nguyên. Hậu duệ nhà Trần là Vua Trần Nhân Tông, cùng với bá quan văn võ trên dưới một lòng nên đã có một Hội nghị Diên Hồng lịch sử, các bô lão được mời đến để bàn sách lược đánh giặc cứu nước. Trong Hội nghị Diên Hồng, nhà vua tôn trọng thỉnh ý dân chúng, mọi người chung tay đoàn kết nên đã đuổi được quân Nguyên- Mông ra khỏi bờ cõi nước Nam. Vua quan, dân chúng hiểu và thương yêu nhau nên nhà Trần đã đi từ chiến thắng này tới chiến thắng khác. Đó chính là nhờ đức độ của các vị vua đã thấm nhuần tư tưởng Phật học, đem tâm từ ái ra đối đãi với mọi người, truyền bá kinh sách cho dân hiểu thêm về đạo Phật. Từ đó, dân chúng sống và hành theo lời Phật dạy.
Các vị vua thời Trần sau khi đánh đuổi ngoại xâm, dẹp yên bờ cõi đều nhường ngôi cho Thái tử, lên làm Thái Thượng Hoàng để có thời gian nghiên cứu Phật pháp. Có nhiều vị nghiên cứu về Phật học kinh điển như Vua Trần Nhân Tông, Ngài được Tuệ Trung thượng sĩ truyền dạy nghiên cứu về thiền học. Sau này, Ngài lên núi Yên tử xa lánh thế tục ẩn tu. Với bài kệ “Cư trần lạc đạo”, chúng ta thấy ngài đã an nhiên tự tại, vượt thoát trần tục sống tiêu dao nơi non bồng thủy mặc.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Đứng trên phương diện của một vị vua, Ngài đã hoàn thành sứ mạng cao cả đẹp đời, tốt đạo. Từ nhỏ, Ngài đã biết ăn chay, thích tham thiền chứng tỏ trong tâm thức Ngài đã có sẵn chủng tử Phật pháp. Ngài cũng là người khai sáng tư tưởng Phật giáo Việt Nam, chính là Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm.
Qua hai triều đại Lý-Trần, nước Đại Việt xưa nay là Việt Nam chúng ta, Phật giáo được phát triển một cách hưng thịnh. Mạng mạch Phật giáo được lan tỏa khắp nơi trong nước, từ vua chí dân đều sùng bái đạo Phật, hiếu nghĩa đứng đầu. Phật giáo đã hình thành ăn sâu trong tâm khảm con người Việt Nam cho tới ngày nay. Đạo Phật chính là đạo từ bi, trí tuệ, luôn đem hạnh phúc, an vui đến cho mọi người.
Lật lại những trang sử Phật giáo hào hùng năm 1963, của một vị Hòa thượng trong phút chốc làm nên lịch sử “bó đuốc sống” chấn động thế giới như Bồ tát Thích Quảng Đức. Và còn nhiều, nhiều nữa đơn cử như ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang đã có một học Tăng vị pháp vong thân, xả bỏ tất cả để bảo tồn Phật pháp.
Cuộc đời con người ai cũng phải kinh qua sanh, lão, bệnh, tử như một định luật vô thường hoán đổi của tạo hóa. Đòi hỏi chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với công ơn của đức Phật, của các vị bồ tát đã truyền thừa. Gần hơn là công ơn của chư tôn đức giáo phẩm đã cố công gầy dựng Phật pháp trên tất cả các phương tiện, hình thức. Mục đích chính vẫn là hoằng pháp lợi sanh để cho mọi người am hiểu giáo lý đạo Phật một cách thiết thực hơn, sống ít muốn, biết đủ cho cuộc đời đỡ nặng nề, lo toan. Muốn thoát khổ, sống an lạc, mỗi người chúng ta tự lo tư lương hành trang, tinh tấn trên bước đường học đạo. “Ai tu nấy chứng, tự mình làm hòn đảo cho chính mình”, đó là cách báo ân chư Phật. Phật tử chúng ta tự mình phải là tay chèo vững chắc, không nghiêng ngả khi có sóng to, là cây rừng gió bão thổi không suy suyển vẫn đứng yên bao đời với chân lý bất diệt.
Phạm Thị Ngọc Hiền
Pháp danh: Diệu Hòa