Hội thi viết "Đạo Phật trong trái tim con": Mạch sống cội nguồn

Nghe đọc bài:

 

Mạch sống cội nguồn

 

“Dẫu phong ba bão tố,

Dẫu thiện ác đua tranh.

 Phật đản sanh cứu thế,

Bốn bể tất an lành.”

 

Ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, vào cuối thế kỉ thứ II đầu thế kỉ thứ III, đạo Phật đã có mặt trên lãnh thổ Việt Nam và được lưu truyền qua bao thế hệ - triều đại nước nhà. Vì thế, quá trình hình thành và phát triển của đạo Phật mang đậm nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa, bản sắc dân tộc nước nhà. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hiện nay, số lượng tín đồ Phật giáo đã lên hơn 4,6 triệu người (chiếm 4,7% số dân cả nước). Con số trên đã khẳng định được vị thế của đạo Phật Việt Nam.

 

Kế thừa truyền thống phật tử của gia đình, khi còn rất nhỏ thì con đã biết niệm danh hiệu Phật. bàn chân bé nhỏ cất bước theo cha mẹ đến chùa lễ lạy Phật tổ. Kí ức thuở thơ ấu là những bài kệ, băng giảng của quý Sư được phát đi phát lại hằng ngày. Và thói quen niệm Phật, trì chú mỗi khi gặp việc khó cũng từ đó theo con lớn lên.

 

Không biết triết lí của Phật từ ngàn xưa đến nay đã cứu rỗi hết thảy bao nhiêu người? Không thể nghĩ bàn, không thể tính đếm nhưng con có thể khẳng định rằng bản thân nằm trong số đó. Như Lai soi sáng đời con, nhân sinh như cơn mê và con đã được bừng tỉnh khỏi giấc mộng nam kha ấy để thực hiện lẽ sống chân thật, tìm về cội nguồn.

 

Đời sống gia đình vô cùng an bình đến khi con 16 tuổi, phụ mẫu đột ngột qua đời. Lúc ấy, con mới thấu rõ thế nào là “chạm đáy nỗi đau”. Gia biến, bệnh tật, nguồn kinh tế bị cản trở đầu tư,… hết thảy đều là phong ba bão tố hợp lực đánh ngã tinh thần con. Còn nhớ rằng, lúc đó con đã mất ngủ nhiều đêm, trầm cảm, buồn phiền, con cảm thấy mình chẳng thiết sống bởi hai chữ “mồ côi” đè con ngạt thở, tứ bề bất an làm con gục ngã…

 

Nương nhờ ân đức cha mẹ để lại, một hôm tình cờ con đọc được lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh… nhưng vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử. Chư Phật thấy Phật tánh nên phiền não kiết sử không thể trói buộc, do đây giải thoát sanh tử, được Đại Niết-bàn.” Không ngôn từ nào có thể hình dung được cảm xúc của bản thân khi ấy, không gian và thời gian tựa hồ lắng đọng một câu hỏi hiện ra trong đầu: “Làm sao để hết phiền não thấy được Phật tánh?”. Đời con như bước sang trang sách mới, quyết chí tìm câu trả lời.

 

Hạ nắng rợp rợp trời, con đặt chân đến Thiền Viện Trúc Lâm, tọa lạc tại ngọn đồi nằm sâu trong thác của mảnh đất cao nguyên. Đấy là nơi chốn an bình tách xa xã hội, một thế giới độc lập giữa rừng thông. Lần đầu con diện kiến được Sư Phụ, bày tỏ hạnh nguyện của mình. Người hoan hỷ bằng lòng để con công quả nương chúng Tăng tu học.

 

Ngày qua ngày, buổi sơ cơ chạm bước vào thiền hẳn còn bỡ ngỡ, nghi ngờ nhưng nhớ đến lời dạy của Phật nên con càng nỗ lực. Đến một hôm, trong giờ nghe băng giảng của Sư Ông Trúc Lâm, Ngài dạy: “Cả ngày sống với vọng thức mà cho là tâm của mình. Cái suy nghĩ, tính toán đó là vọng thức hư dối, có rồi mất, sanh rồi diệt, không phải chân thật… Nếu chúng ta tu tới cuối cùng là không niệm, lấy không niệm làm tông chỉ thì ra khỏi sanh tử. Vì sao? Vì muốn ra khỏi sanh tử phải dứt hết niệm, dứt hết suy nghĩ, tìm kiếm, dính mắc. Khi niệm lặng hết, nhắm mắt chúng ta đi đâu? Hết các niệm thì nhắm mắt thể nhập Pháp thân, giải thoát sanh tử. Rõ ràng như vậy”. Câu trả lời suốt bấy lâu con tìm kiếm là đây, chẳng thể nơi đâu ngoài tâm mình. 

 

Từ ấy con như tìm được nguồn sống từ cõi tu la tràng, hiểu rõ ý nghĩa và thực hành việc chăn tâm. Suốt quá trình chuyên tâm tu học, con mới thấu được đạo Phật có ý nghĩa quan trọng thế nào đến đời sống tinh thần của mỗi con người. Đó là nơi nương tựa, chữa lành mỗi khi bị nhân tố bên ngoài tác động làm tổn thương, là sự cứu rỗi của những con người đang dần mất niềm tin với nhân sinh,… Như trong kinh Pháp Hoa có nói, Đức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Với con, đạo Phật là lý tánh tuyệt đối giúp con thoát khỏi mê lầm bởi những vọng tưởng điên đảo của bản thân tạo ra mà đến với sự an lạc, bình yên giữa đời sống sinh hoạt hằng ngày. 

 

Qua bao tháng năm, con gặp lại gia đình người thân ở buổi lễ xuất gia của mình. Con chậm rãi sẽ chia những điều bản thân đã học và thực hành trong đạo, từ việc nhỏ như nấu cơm, cuốc đất, trồng rau đến tụng kinh tọa thiền, mọi việc chưa từng làm nay đã làm chân thành vui vẻ. Gửi lời chào với ‘anh bạn trầm cảm’, những ngày tháng ăn ngon ngủ tốt sức khỏe nâng cao và hơn cả là con đã học được cách đối mặt với nỗi buồn, sân giận của bản thân, lúc ấy phải bình tĩnh theo dõi tâm mình rồi xử sự đúng đắn, từ đó tâm lặng nghe rõ buông bỏ những si mê vọng tưởng,… Gia đình quan sát và nhận thấy sự thay đổi nơi con rằng bé út nhà ta đã an ổn. Vì thế, hai bên nội ngoại rất vui mừng và càng hướng tâm đến Phật pháp nhiều hơn.

 

Đông qua Xuân đến, phượng nở rồi tàn, khi con đã chính thức dự vào hàng chúng Trung Tôn của Đức Như Lai thì sự nhận thức về trách nhiệm bản thân với đạo Phật và dân tộc càng đậm sâu. Bởi lẽ, hành trình mà con đã đi qua chính là một sự ‘lột xác’ ngoạn ngục. Và con biết được mình cần phải thực hiện nghĩa vụ của đệ tử Phật là trên đền đáp bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường. Vì thế, con luôn nhắc nhở mình phải không ngừng nỗ lực tiến lên!

 

Xã hội ngày càng tân tiến con người cũng dần ‘hướng nội’ và dễ bị tổn thương tâm hồn. Chúng ta cần trang bị cho mình một tấm khiên bảo vệ mang tên ‘buông xả’ và dụng cụ chữa lành ‘pháp quán tâm’ để tiếp bước trên đường đời. Thương tổn chẳng phân biệt lứa tuổi hay giống loài. Vì vậy,  người trí đều tinh tấn công phu tu tập,  hướng thẳng nội tâm để diệt trừ tận gốc những phiền não và khi ấy niềm vui sẽ từ chân tâm phát khởi.

 

Có quan niệm cho rằng, đạo Phật chỉ dành cho người lớn tuổi. Nhưng nay chúng ta phải nhận định lại, mọi người bất kể tuổi nào đều cần giải thoát và ai cũng phải thực hành thiện pháp. Điều này chẳng những phá bỏ định kiến của quá khứ mà còn khẳng định chân lý nhà Phật phù hợp với mọi lứa tuổi.

 

Đức Thế Tôn đã để lại cho hàng hậu học một gia tài vô cùng quý giá, truyền trao bao đời, được giữ gìn và phát triển cho đến ngày nay. Đấng giác ngộ đã chỉ ra con đường đến an lạc nội tâm rõ ràng như thế rồi, chúng ta cần noi theo dấu chân của Phật, thực hành những lời Phật dạy, học cách sống như Phật đã sống. Niệm niệm hằng an trú trong chánh pháp của Đức Như Lai để kế thừa mạng mạch của Phật Tổ tìm được đến cội nguồn.

 

Việt Nam đã ba lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Đây là minh chứng cho sự phát triển lớn mạnh và thể hiện được cương vị, tầm quan trọng của đạo Phật với dân tộc nói riêng và thế giới nói chung. Nhân ngày Phật Đản Sanh lần thứ 2648, con xin nguyện Đức Nhật Quang-Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát giáng thế, giúp con thắp sáng ánh đèn hạnh phúc vui tươi, để mọi nhà luôn nở nụ cười. Thắp sáng ánh đèn trí tuệ, để hết thảy mọi loài ngày càng sáng suốt. Thắp sáng ánh đèn hạnh phúc, để bình an luôn bên đại chúng. Kính chúc mọi người thân tâm thường lạc, chí nguyện đạt thành để không phụ lòng Đức Từ Phụ và cái hảo tâm ban đầu của mình!

 

Trần Thị Thu Thảo

Pháp danh: Thích nữ Chân Mỹ

Download Android Download iOS
Tiểu sử Hoà thượng Thích Chơn Minh (1956 - 2024)

Hòa thượng Thích Chơn Minh, thế danh Trần Bạch Mai, sinh năm Bính Thân 1956 tại quận Sa Đéc, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nối dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40 pháp huý Hồng Hoa, pháp tự Huệ Quang.

Trà Vinh: Chương trình Trao Gửi Yêu Thương tại chùa Quan Âm- thị trấn Càng Long

Sáng nay, ngày 06/10/2024, tại chùa Quan Âm (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) Ni sư Thích Nữ Như Thức, trụ trì chùa đã tổ chức tiệc Buffet chay miễn phí và trao 150 phần quà đến đồng bào nghèo.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online