Hội thi viết "Đạo Phật trong trái tim con": Sang trang

Nghe đọc bài:

 

Sang trang

 

Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ thổi bồng từng đám lá lên rồi cuộn tròn cùng bụi đất lăn trên nền sân. Tiểu Tâm nhanh chân gom lại những đám lá đổ lên xe rùa rồi chở đến cái hố sau vườn. Công việc này chú đã quen hơn rất nhiều. Chẳng phải ở chùa chú mới bắt đầu quét sân nhưng so với ngày còn ở nhà thì quả thực có nhiều điều mới mẻ. Hóa ra quét sân không phải chỉ để dọn rác và làm sạch, quét sân còn là để tu nữa. Sư phụ chú dạy: Tu tập không phải “dời non lấp biển” hay làm gì cho cao siêu huyền bí, mà ngay trong chính những công việc nhỏ nhặt ngày thường, biết đặt tâm mình vào đó, chỉn chu hơn, tinh tiến hơn mỗi ngày, ấy thế là tu.

Thoáng cái đã hơn nửa năm chú ở chùa. Còn vài ngày nữa thôi mừng đại lễ Đức Phật đản sanh, Sư phụ sẽ chính thức làm lễ xuống tóc cho chú. Nghĩ đến đây, một niềm vui xúc động khó tả như ngọn gió mát lành thổi bay những oi bức ngày hạ. Chú Tâm vui sướng quá! Bước chân vào chùa, cuộc đời chú đã gần như bước sang trang mới, ngày chú được xuống tóc thì chính hẳn là khai sinh ra chú thêm lần nữa rồi. 

 

Tiếng rao bánh ít, bánh bột lọc của dì Bảy Hiền Hòa văng vẳng đầu ngõ. Thế nào lát nữa đi qua cổng chùa, dì cũng sẽ gọi chú lại và dúi vào tay mấy cái bánh. Tình thương mến của bà con chân chất xứ này khiến tiểu Tâm ấm lòng hơn bao giờ hết, và cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Nhắc đến mái nhà, chú bỗng lại chạnh lòng chua xót. Một mái nhà với biết bao mĩ từ để miêu tả về nó. Nào là nơi ấm áp tình thương và rộn rã tiếng cười, chốn trở về nương tựa bình yên của bao nhiêu người con xa xứ, nơi bão giông cuộc đời mãi mãi dừng sau cánh cửa… hình như chỉ dành cho người khác. Những lỗ hổng lưa thưa trên mái nhà dột, cộng lại có lớn bằng lỗ hổng mất mát tồn tại trong tim mẹ con chú không? Chú Tâm không biết nữa, nhưng có một điều chắc chắn, sự ra đi đột ngột của ba sẽ là một vết thương lòng đau xót cho những người ở lại mà thời gian khó có thể chốc lát xóa nhòa.

 

Nhà của chú Tâm ngày trước nghèo lắm, nghèo miếng cơm manh áo thôi, nhưng lúc nào cũng dư dả nụ cười trên môi của mẹ và chẳng bao giờ thiếu thốn ấm áp trong ánh nhìn của ba. Những nếp nhăn hằn sâu đuôi mắt, đôi bàn tay chai sạm, nứt nẻ như thửa đất ngày hạn là dấu tích rõ ràng của đời sống mưu sinh cơ cực. Chỉ đến khi ba chú bắt đầu theo mấy bác trong xóm bên nhận làm thêm bốc vác, gia đình có chút tiền ra tiền vào, ba thường về nhà muộn hơn và mùi rượu bia xa lạ át đi mùi mồ hôi lao động chú đã quen thuộc suốt mười mấy năm trời. Khi thì ba ra hàng nhậu, khi lại gọi “chiến hữu” tụ tập ở nhà. Ban đầu là uống tí cho khỏe người, về sau vui bạn vui bè thì uống, “chú không hết chén này chú chẳng nể anh”… cứ như vậy rồi không cần tìm lý do cho thỏa đáng với cơn khát rượu, ba thích thì ba uống, và chẳng lúc nào uống mà không say. Rồi ba bắt đầu chửi mẹ, đánh con. Phải gia đình nào có người nát rượu mới hiểu nỗi khốn khổ này. Con “ma men” đánh cắp đi của gia đình người ba hiền lành, lương thiện, người chồng chịu thương chịu khó rồi trả về cho hai mẹ con ông “Út bợm rượu” với cái mặt lúc nào cũng bừng bừng như lửa, hơi thở nặc mùi và miệng thì lè nhè hung dữ. 

 

Có lần, ba đi uống rượu say về, vô duyên vô cớ xuống dưới bếp, vơ được khúc gỗ nện liên tiếp vào vai khiến chú chạy bán sống bán chết sang trốn nhà hàng xóm, vai rớm máu. Chú đau lắm nhưng không khóc được, vì nỗi sợ còn đang choán hết tâm trí. Thế rồi trong một lần rượu say, ba chú trượt chân ngã gần suối, đầu đập vào tảng đá. Chú nhìn qua đôi mắt ướt lòe nhòe chỉ thấy mẹ cứ bình tĩnh hơn mọi ngày, lo sắp đặt đám tang cho ba, nhưng chú biết lòng mẹ giờ đang ngàn vết dao cứa. 

 

Hôm trước ngày đưa tang, bác Cả mời thầy (giờ là Sư phụ của chú) ở mãi huyện xa về tụng cho ba thời kinh cầu siêu. Đây là lần đầu tiên chú thấy hình ảnh vị xuất sĩ, trong áo vàng trang nghiêm. Sau thời tụng kinh, thầy chia sẻ với gia đình nỗi mất mát đồng thời động viên, nhắc nhở mẹ trong 49 ngày cúng cơm chay cho ba, phóng sinh, qua chùa bao sái Tam bảo (dù chùa làng không có Sư chỉ có các bà trong ban chấp tác trông coi)… Những việc thiện lành ấy sẽ phần nào giúp mẹ nguôi ngoai nỗi đau thương và để hương linh của ba được thừa tư công đức. Từng lời trầm ấm của thầy đã an ủi biết bao những đau đớn mẹ dằn vào tim suốt bấy lâu.

Sau 49 ngày của ba, hai mẹ con tìm đến chùa thầy để cảm tạ. Lúc chú đến, hai thầy trẻ (chắc lớn hơn chú vài tuổi) đang công phu chiều, nhịp nhàng tiếng mõ, khói hương trầm quyện tỏa trong không gian thanh tịnh. Chú thấy xúc động kì lạ thay. Theo chân mẹ đi vào gian nhà khách của chùa, mà hình ảnh hai thầy ngồi tụng kinh trang nghiêm trước bàn Phật còn vương vấn mãi trong đầu. Sao mà chú muốn ở chùa quá! Chú yêu mến làm sao cảnh chùa thanh bình này, dù chưa hiểu thế nào là tu. 

 

Sang đến phòng khách, thầy đang nói chuyện với một nhóm các cô chú, ngồi nghe thầy giảng về 5 nguyên tắc đạo đức của một người Phật tử tại gia. Nói đến giới thứ 5, tác hại của uống rượu, mẹ bỗng chạnh lòng, nước mắt chảy dài trên đôi gò má lấm tấm tàn hương. Ngoài trời không rét mà tay mẹ run. Hẳn mẹ đang nghĩ: “Giá ông chồng tội nghiệp của mình sớm được nghe thầy giảng, có lẽ không đến cơ sự như hôm nay”… Hôm đó, thầy chia sẻ với mẹ nhiều điều chú không nhớ hết. Chú chỉ nhớ trước lúc ra về, chú nắm tay mẹ xin được ở lại chùa để tu. Mẹ bất ngờ, lưỡng lự, ánh mắt hình như có gì đó vừa vui vừa buồn, không sao nói hết. Còn mấy tháng nữa, chú học xong lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10, thầy xoa đầu dặn chú về nhà học bài thật tốt chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp (chắc cũng để thời gian cho chú nhìn lại ý chí mình chứ không phải mong muốn nhất thời bồng bột). Thầy nói dù sao con muốn gieo duyên Phật pháp, cửa từ bi lúc nào cũng rộng mở.

 

Và thế là nhân duyên đến với cửa Phật của chú cũng thuận lợi. Chú thi đỗ luôn cấp 3 trường huyện (cách chùa 2 cây số). Mẹ sau nhiều đêm trăn trở, thương con, cũng thuận lòng để bác Cả chở con lên chùa tập sự. Hàng tháng ngày Rằm, mùng Một, mẹ lên chùa thăm con, làm công quả và nghe thầy giảng pháp. Tinh thần mẹ dần dần vực dậy sau biến cố gia đình. 

  • Chú Tâm! Chú Tâm!

  •  

Tiếng gọi của dì Bảy kéo chú giật mình bước ra khỏi quá khứ, trở về hiện tại. Chú mỉm cười thầm nghĩ: “Nãy giờ mà Sư phụ thấy chú thẫn thờ, thế nào cũng nhắc nhở cho coi”. Đúng nhỉ? Quá khứ dù đẹp đẽ đến mấy cũng đã qua hay đau thương, khốn khổ chừng nào cũng đến lúc phải xếp vào ngăn kéo. Hiện tại tuyệt vời ngay lúc này chú không tận hưởng thì rồi cũng phải trở thành quá khứ. Tâm lý con người khi thiếu chánh niệm, lúc nào cũng chỉ muốn ôm ấp cái thú đau thương của quá khứ để rồi tự giày vò làm khổ mình, hay cứ mơ mộng viển vông những điều chưa tới, những điều chẳng biết chắc có thể tới hay không để rồi đánh mất mình trong giây phút đang sống. 

 

Chú đã trải qua những nỗi buồn có thể là quá sức chịu đựng với người này, nhưng cũng có khi chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu nỗi sầu khổ nhân thế. Việc chú có thể làm, và làm tốt nhất lúc này, là tu tập. Tu tập để chuyển hóa tất cả những nghiệp chướng, phiền não trong chú. Như vậy, mới có đủ năng lượng yêu thương và sự thấu hiểu để vỗ về những trái tim đáng thương như mẹ chú, chuyển hóa những cuộc đời tội nghiệp như người ba quá cố của chú.

 

Ôi! Mong đợi biết chừng nào sớm đến rằm tháng Tư. Hơn tuần nay cờ ngũ sắc đã phấp phới trên hàng rào quanh chùa, không khí mừng Phật đản của bà con xứ này cũng rộn rã lắm rồi, nhưng rộn rã làm sao bằng tiếng lòng chú ngân nga khúc reo mừng chờ đến ngày được chính thức xuống tóc làm tiểu. Chú Tâm biết đây mới chỉ là những chương đầu tiên trong cuốn sách cuộc đời tu sĩ của chú. Những chương đầu thật giữ gìn, thật nắn nót, để những chương tiếp theo có cơ sở soi vào mà hoàn thiện. Chú vừa nghĩ ra mấy câu thơ thật dễ thương làm sao, lát nữa quét xong chỗ lá này, chú sẽ vào phòng ngay và ghi vào “Nhật kí làm tiểu”:

 

Con là chú tiểu ngây thơ

Mong chờ đến ngày Phật đản

Sư phụ “thế trừ tu phát”

Lòng con vui sướng hân hoan.

 

Hết thảy con Phật thế gian

Đều mong đến ngày tắm Phật

Múc gáo nước thơm trong mát

Gột rửa bụi nhiễm thân tâm.

 

Gáo này xin tắm đôi chân

Người từng bôn ba cõi tạm

Nhổ cỏ tham – si – sân hận

Gieo hạt giống hiểu và thương.

 

Xin múc gáo nước thanh lương

Tưới lên tay Người đã chỉ

Vững tin nhiệm màu chân lý:

“Tự mình tối thượng – không ai”

 

Phật về như nắng ban mai

Khắp cõi nhân thiên bừng tỏ

Hướng về tháng Tư lịch sử

Tâm thành đảnh lễ tri ân!

 

Trần Thị Vân Anh

Pháp danh: Thích Nữ Lương Uyên

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Sư thầy 30 năm cưu mang trẻ em bất hạnh

Khi chúng tôi ghé thăm chùa Kỳ Quang II, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa, đón tiếp chúng tôi với nụ cười đôn hậu, tay vẫn cầm chiếc vòi xịt nước để vệ sinh sân chùa. Dù đã 76 tuổi, Hòa thượng vẫn duy trì thói quen dậy sớm mỗi ngày, cần mẫn quét dọn, làm sạch từng ngóc ngách trong khuôn viên chùa.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online