Đạo Phật trong con
Thân người khó được, chính pháp khó nghe, tam bảo khó gặp, trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu. Giờ đây, chúng con may mắn được mang thân người sáu căn đầy đủ, tự hào được sinh ra ở đất nước Việt Nam có truyền thống hào hùng, giàu lòng nhân ái. Chúng con có đủ phước duyên để gặp Phật pháp, được gặp tam bảo, được đi trên con đường chính pháp, được theo học những bậc chân tu. Quý thầy đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của cả đời mình, xuất gia tu học với tâm nguyện “Trên mong cầu Phật đạo, dưới hoằng dương chính pháp cứu độ chúng sinh”. Quý thầy đã hết lòng dìu dắt, hướng dẫn cho hàng Phật tử chúng con tu học và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật. Để chúng con hiểu đúng và thực hành đúng, nhằm mang lại lợi ích cho tự thân và tha nhân, sống tốt đời đẹp đạo, lợi mình, lợi người, dấn thân phụng sự và cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh.
“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
“Dẫu mai sông núi có đổi dời
Ân tình thâm trọng chẳng hề phai
Con nguyện khắc ghi lời dạy bảo
Gói làm hành trang suốt cuộc đời”
Đạo Phật du nhập vào nước ta hơn 2.000 năm trước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã gắn liền với sự sống còn của dân tộc Việt Nam, gắn liền với sự thăng trầm, thịnh suy của đất nước. Với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “hộ quốc an dân – Đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc bằng những việc làm thiết thực qua mọi thời kỳ của đất nước. Từ đó, Phật giáo đã có những nhà sư dấn thân vì đạo, xả thân vì pháp, quên cả mạng sống của mình vì đất nước, vì dân tộc.
Phật giáo đã hòa quyện vào tín ngưỡng dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng bản địa, văn hoá dân tộc. Đạo Phật ở trong hồn dân tộc, ở trong cuộc sống của Nhân dân ta. Với mục tiêu chăm lo đời sống tinh thần tín ngưỡng của Nhân dân, mang lại lợi lạc cho chúng sinh, an vui hạnh phúc cho mọi người, hoà bình thịnh vượng cho xã hội, phồn vinh cho đất nước. Từ bao giờ, Phật giáo và dân tộc tuy hai mà một không thể tách rời.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Đạo Phật lấy sự hiểu biết (trí tuệ) làm nền tảng chứ không phải là một niềm tin đơn thuần. Tôn chỉ hành động của Đạo Phật là “duy tuệ thị nghiệp”. Đạo Phật là con đường tỉnh thức, con đường giác ngộ. Trong đạo Phật, con người là chủ nhân của chính mình và của thế giới, chứ không phải do ai đó hay thượng đế an bài.
Giáo lý của Đức Phật giúp cho chúng con nhận chân được sự thật của cuộc đời, để chúng con biết đâu là đường chánh chúng con đi, đâu là đường tà chúng con tránh; chúng con biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm, sống thiểu dục tri túc, khiêm cung, tri ân và biết ơn, nghiêm trì giữ giới,… Việc thiện dù nhỏ chúng con cũng cố gắng để làm, việc ác dù nhỏ chúng con cũng cố gắng tránh xa. Việc thiện đã sanh, chúng con làm cho tăng trưởng, việc thiện chưa sanh, chúng con làm cho phát sanh, việc ác chưa sanh chúng con làm cho không sanh, việc ác đã sanh chúng con làm cho đoạn diệt, quay trở về tu sửa từng bước hoàn thiện bản thân mình để tham sân si mạn nghi tà kiến phiền não nhiễm ô ngày càng ít đi, tiến tới không tham không sân không si, để cho ba nghiệp thân-khẩu-ý ngày càng trong sạch.
Giáo pháp của Đức Phật giúp cho chúng con có được lòng kiên trì và nhẫn nại, ý chí, nghị lực để vượt qua mọi phong ba, bão táp của cuộc đời, mọi thăng trầm của cuộc sống. Cho dù thuận duyên hay nghịch cảnh, chúng con vẫn luôn kiên định lòng tin nơi chính pháp, con đường lành mà chúng con đang đi. Chúng con hiểu rằng chân lý của cuộc sống bao gồm hai lẽ thuận và nghịch. Đây là hai mặt tương sinh trong đời sống mà mỗi người trong chúng con phải đi qua. Khi luôn thường trực quán chiếu như vậy thì chúng con sẽ có được một đời sống tự do và thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch.
Để có được trí tuệ, chúng con cần “Văn-tư-tu” và trau dồi Giới-định-tuệ. Bát chánh đạo (con đường trung đạo), thực hành Lục độ ba la mật, Tứ vô lượng tâm, tu theo Tứ diệu đế (37 phẩm trợ đạo), sống trong tinh thần lục hòa, tin sâu nhân quả, luân hồi nghiệp báo, phước tuệ song tu. Khi làm việc gì, chúng con chú tâm tập trung để làm tốt công việc đó là thiền trong công việc, tụng kinh, sám hối, niệm Phật,… và mục đích cuối cùng của người con Phật là tu để đạt được 7 giá trị căn bản của đạo Phật: giác ngộ, thanh tịnh, từ bi, bình đẳng, tự do, dấn thân, phụng sự, cống hiến.
Toàn bộ giáo lý của Đức Phật nhằm mục đích chỉ ra khổ và con đường diệt khổ. Sở dĩ con người khổ là do con người không nhận ra gốc rễ tạo ra đau khổ. Vô minh hay sự ngu dốt chính là nguyên nhân khiến chúng ta mãi luân hồi trong sinh tử. Trong khi tất cả các pháp hữu vi là vô thường, không có bản chất, là vô ngã, nhưng do tà kiến vô minh nên chúng ta chấp nó là thường. Vì vậy chúng ta mãi trôi lăn trong đau khổ. Chính vô minh, tà kiến, chấp ngã là ngọn nguồn tạo nên tất cả tham lam, độc ác, sân si. Do vậy, chúng ta cần phải tu tập và nuôi dưỡng cái nhìn chân chính (chánh kiến) trong cuộc sống hàng ngày đế sự thật về cuộc đời và thế giới sẽ được nhận chân một cách chính xác. Ngũ uẩn là vô thường, cái gì vô thường đưa đến khổ đau, chịu sự bại hoại, vô ngã. Ngũ dục là những nguyên nhân chính ràng buộc kiếp người vào vòng sanh tử, luân hồi sa đoạ.
Giáo lý của Đức Phật rất thiết thực ở hiện tại, có khả năng hướng thượng, là con đường hành trì, con đường diệt khổ, con đường chuyển hoá. Pháp có tác dụng phát triển cả tâm và tuệ, pháp để thực hành tu tập chứng ngộ và giải thoát, chứ không phải để hý luận. Do thấy một cách chân chính như vậy, tâm tham ái mê lầm tà kiến chấp thủ của chúng ta sẽ được đoạn trừ, vượt thoát mọi khổ đau và ngay trong cuộc sống hiện tại chúng ta sẽ cảm nhận được sự an lạc, bình an và hạnh phúc.
Học phải đi đôi với hành, phải tri hành hợp nhất. Chúng con áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày, đem đạo vào đời để đưa mọi người đến một đời sống chân thiện mỹ. Nhằm xây dựng gia đình, quê hương, xóm làng ngày càng phát triển, đất nước ngày càng thịnh vượng, Nhân dân có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Từ đó, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, Phật pháp mãi được trường tồn trên thế gian này.
Mùa Phật đản đang đến gần, là mùa tưởng nhớ tri ân ngày cách đây hơn 2.500 năm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh thị hiện trên cuộc đời này. Ngài đã tu hành chứng ngộ thành Phật, bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, bậc toàn giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh.
Hòa trong không khí hân hoan, háo hức mùa sen nở, chúng con xin được thành kính tri ân công đức và biết ơn vô hạn với tam bảo, quý thầy trong GHPGVN, Ban Hoằng pháp T.Ư đã dành thời gian tâm huyết dìu dắt, hướng dẫn cho hàng Phật tử chúng con biết đến chánh pháp, mở mang trí tuệ, hiểu đúng và thực hành đúng! Kính chúc chư Tôn đức luôn mạnh khoẻ, thân tâm an lạc, thành tựu mọi tâm nguyện, mãi là ngọn đuốc soi đường, bậc thầy mô phạm, thuyền từ vững chãi cho chúng con nương theo tu học! Kính chúc các Phật tử trong và ngoài nước, tất cả mọi người thân khoẻ tâm an, an lạc trong chánh pháp và luôn được an lành trong ánh từ quang của chư Phật!
Dương Thị Thuý Vân
Pháp danh: Diệu Tường