Một bước ngoặt
Tôi đến với Phật pháp khá muộn, dù mẹ tôi là một Phật tử thuần thành. Nhìn lại con đường tu học đã đi qua, tôi thầm niệm ân tất cả những nhân duyên thù thắng đã giúp tôi đến với đạo Phật từ bi và trí tuệ. Tôi biết nhìn lại bản thân qua lăng kính Phật giáo để tu sửa, để hoàn thiện hơn mỗi ngày. Hơn hết là biết trân quý cuộc sống hiện tại dù hiểu rằng vạn vật là vô thường, thế gian là cõi tạm.
“Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Duyên khởi
Ngày ấy, tôi – một cô giáo mới ra trường đã có thiện duyên được nhiều vị xuất gia vào lớp học. Và theo thời gian, màu áo lam thanh cao, thuần khiết ấy tự bao giờ đã mang đến cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi.
Vào thời điểm đó, trong tôi, sự hoài nghi về cuộc sống khép kín của người tu hành có phải là sự trốn tránh phiền não, bất trắc của cuộc đời để tìm kiếm an nhiên tự tại ở cửa thiền hay không vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn… Nhưng cảm giác an yên luôn hiện hữu trong tôi, dù đó là buổi dạy phụ đạo cho quý sư cô, là cuộc trò chuyện thân tình dưới gốc cây sa la sau giờ kinh tối hay chỉ đơn thuần là ngồi thật yên, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong cõi tĩnh mịch của chốn thiền môn.
Một bước ngoặt
“Phật Đản năm nay con quy y
Phước lành con gặp được Chân Ni
Ngũ giới niệm tâm luôn gìn giữ
Y giáo phụng hành con khắc ghi.”
Vâng! Một khởi đầu mới đã đến với tôi. Một cảm giác thật hạnh phúc khi giờ đây mình được là con Phật. Khi bắt đầu tìm hiểu giáo lý nhà Phật, tôi suy nghĩ nên học Phật pháp như thế nào trước bao nhiêu tạng Kinh thậm thâm vi diệu của Đức Thế Tôn để lại. Được đọc câu “Y Kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan” tôi càng băn khoăn hơn vì mình phải học và hiểu như thế nào để đúng như lời Phật dạy. Thế mà đã bốn mùa sa la nở. Câu trả lời cho sự háo hức của một Phật tử lần đầu học Phật dần hiện hữu. Và bây giờ, những sẻ chia mà tôi gửi gắm trong bài viết này có thể mang tính chủ quan nhưng với tôi đó là món quà vô cùng quý giá.
Trước tiên, theo tôi, người Phật tử thọ ngũ giới khi học Phật không nên chứa nặng nhiều kiến thức, học để ta cảm thấy ngày càng nhẹ nhàng hơn vì những điều ta học gần gũi với cuộc sống và quan trọng là giúp ta tháo gỡ những hiểu biết sai lầm, những bế tắc từ đó giáo lý sẽ thẩm thấu trong tâm.
Tôi đã từng quỳ thật lâu trước tôn tượng Đức Thế Tôn thành tâm đảnh lễ, thầm hỏi Ngài vì sao sư phụ con – một vị chân tu lại chịu nhiều tai ương đến vậy? Tôi đã từng phát nguyện chép rất nhiều quyển kinh Dược Sư để cầu mong cho người thân vượt qua căn bệnh hiểm nghèo nhưng sao vẫn chưa như ý nguyện? Và tôi cũng đã từng nghĩ rằng, một đời mình sống thiện lương sẽ luôn được bình an, hạnh phúc. Thế nhưng, tại sao sóng gió khắc nghiệt cũng đã đến bên tôi? Và còn hàng loạt câu hỏi trong những lúc tôi rối bời từ những thử thách của cuộc đời.
Thế rồi, từ những trang kinh, từ những bài giảng pháp cùng những sẻ chia của các bậc thiện tri thức, tôi đã dần tìm được câu trả lời cho chính mình. “Mọi vật bản chất vốn thanh tịnh, song do nhân duyên mà có tội phước khác nhau” (Trái tim của Bụt – Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Vì thế, khi đối diện với những nghịch cảnh, những đau thương, mất mát, tôi luôn nhủ lòng hãy cố gắng “Buông bỏ phiền muộn, thực tập lối sống tùy duyên, dùng tâm thái tích cực đối diện những may rủi trong đời, nhớ nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất” (Sống đời bình an – Sư cô Suối Thông). Và theo thời gian khi đã cân bằng hạnh phúc, khổ đau thì những đau buồn cũng dần được chuyển hóa, ta có thể bình thản nhìn lại và hiểu rằng sau nỗi đau sẽ là hạnh phúc, sau tổn thương sẽ là sự bình yên.
Một thay đổi tích cực tôi có được trên con đường tu học là biết nhìn nhận lại cuộc sống theo đúng bản ngã vô thường vốn có mà đôi khi tôi né tránh và không chấp nhận.
“Các hành đều vô thường
Đó là pháp thịnh suy
Đã sinh thì phải tử
Tịch diệt là an vui.”
(Kinh Pháp Cú – phẩm Vô Thường)
Lời Phật dạy đã nhắc nhở chúng ta vòng tuần hoàn của sinh, lão, bệnh, tử luôn vận hành trong cuộc sống và không ai tránh khỏi quy luật ấy. Dù đau lòng trước những mất mát, chia ly nhưng nếu hiểu biết thật sâu sắc quy luật vô thường, nỗi đau sẽ vơi đi và của cuộc sống ta sẽ được bình an.
Đã bao lần, chúng ta than phiền về những điều bất như ý, phân bua về sự được mất trong cuộc sống hiện tại mà quên rằng:
“Thiện ác kết quả riêng
Nhân quả lý đương nhiên
Làm thiện sẽ được thiện
Gieo giống ngọt: vui yên.”
(Kinh Pháp Cú – phẩm Ái Thân)
Vâng! Chính lời dạy của Đức Thế Tôn đã giúp tôi xóa bỏ suy nghĩ gần như là mặc định: Nếu sống thiện lương thì cuộc đời sẽ được bình an, hạnh phúc. Nhưng khi hiểu được tất cả những gì xảy ra trong hiện tại là nhân quả của vô thỉ kiếp thì dù cuộc đời có nghiệt ngã thế nào tôi vẫn luôn tâm niệm “Làm được thân người đã là khó lắm, được biết kính tin, tôn trọng tam bảo cũng là khó lắm...” (kinh Dược Sư). Chúng ta cần trân trọng cuộc sống hiện tại, luôn nuôi dưỡng hạt giống thiện lành, luôn nhớ mình là con nhà Phật, một lòng tôn kính và nhớ ơn tam bảo.
“Năng diệt nhất thiết chúng sinh chi lạc (Từ)
Năng diệt nhất thiết chúng sinh chi khổ (Bi).”
Từ bi, đây chính là bài học quý giá đầy tính nhân văn mà tôi nhận được từ nơi Phật pháp. Không chỉ đơn thuần là “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”… như đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt. Ngoài việc xoa dịu nỗi đau, tâm từ bi còn giúp ta nhận diện và hóa giải mọi khổ đau để chúng sinh được an vui.
Sự thay đổi rõ nhất trong tôi khi học hạnh từ bi của nhà Phật chính là quan niệm “Cho đi là hạnh phúc”. Tôi luôn nhủ với bản thân phải nuôi dưỡng hạt giống từ bi, luôn sinh trưởng niệm lành, tập bỏ dần sân si, học cách tha thứ, bao dung vì từ bi không thể tách rời lòng vị tha, độ lượng như Ngài Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết:
“Sự sống làm bằng sự chết
Cái có làm bằng cái không
Mọi loài tương tức
Tôi và em dung thông.”
(Con cá dung thông)
Hơn thế nữa, khi hiểu được hạnh từ bi, tôi cũng đã có câu trả lời cho sự hoài nghi ngày nào “Động lực khiến một người đi tu là bồ đề tâm: Tự tu, tự độ và giúp cho người khác vượt thoát khổ đau” (Trái tim của Bụt).
Ngoài kia, thế sự vô thường, dòng đời xuôi chảy, cuộc sống luôn vận hành theo cách riêng của nó, nhưng tôi tin rằng, những giá trị tốt đẹp mà Phật pháp mang lại sẽ mãi mãi trường tồn. Là người con Phật, chúng ta không chỉ tinh cần học tập và hiểu đúng chánh pháp mà còn phải ứng dụng Phật pháp vào đời sống để xây dựng hạnh phúc cho gia đình và nhân loại.
Vâng! Dù biết rằng “Chúng ta cũng chỉ là những lữ khách hồng trần, sinh ra không mang gì, chết đi cũng chẳng mang được gì theo đâu…” (Thả trôi phiền muộn - Sư cô Suối Thông), nhưng với tôi và những ai là con nhà Phật, dù mai này không còn hiện hữu trên cuộc đời thì đạo Phật mãi mãi vẫn hiện hữu trong trái tim của tôi!
Vũ Thị Mỹ Hạnh
Pháp danh: Diệu Thuận